Xây dựng Nông thôn mới nâng cao giúp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp
Hoàn thiện 9/9 tiêu chí Nông thôn mới nâng cao
Báo cáo kết quả xây dựng huyện Nông thôn mới nâng cao, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản, cho biết: Qua rà soát, đến nay huyện có 9/9 tiêu chí đạt như: Quy hoạch, giao thông, thủy lợi và phòng, chống thiên tai, điện, y tế - văn hóa - giáo dục, kinh tế, môi trường, chất lượng môi trường sống, an ninh trật tự và hành chính công...
Bên cạnh đó, huyện có 3 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu, 17/28 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao (đạt 60,7%), thị trấn Thường Tín đạt chuẩn văn minh đô thị.
Những năm qua, hạ tầng kinh tế - xã hội huyện Thường Tín được đầu tư đồng bộ; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Đến nay, thu nhập bình quân trên địa bàn huyện đạt 76,6 triệu đồng/người/năm…
Huyện đã hình thành một số mô hình điểm, tiêu biểu, như: Mô hình điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân; mô hình phát triển tủ sách cơ sở kết hợp điểm thực hiện dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 ở các xã: Văn Bình, Minh Cường, Tâm Minh, Hồng Vân...; mô hình liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm cho nông dân và mô hình mượn ruộng để sản xuất ở nhiều xã trên địa bàn…
Đoàn thẩm tra Nông thôn mới thành phố Hà Nội thẩm tra huyện Thường Tín đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao năm 2024 |
Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Từ Đức Mạnh cho biết: “Xây dựng Nông thôn mới, Nông thôn mới nâng cao đã giúp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn ngày càng phát triển. Hiện nay, nhiều vùng sản xuất chuyên canh rau, lúa, thủy sản, cây ăn quả đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cho Nhân dân”.
Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh như lúa hàng hóa tập trung tại xã Thắng Lợi, Nghiêm Xuyên; vùng sản xuất rau an toàn tại xã Hà Hồi, Tân Minh, Thư Phú; vùng cây ăn quả tại xã Chương Dương, Tự Nhiên; vùng nuôi trồng thủy sản tại xã Nghiêm Xuyên, Dũng Tiến. Đến nay, toàn huyện có sáu mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Các mô hình liên kết đã tạo ra sự chuyển biến tích cực, giúp người dân phát triển và tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu.
Hiện nay, Thường Tín có 55 hợp tác xã nông nghiệp, 17 hợp tác xã phi nông nghiệp. Nhiều hợp tác xã hoạt động tốt đã giúp cho thành viên, người dân tăng thêm thu nhập. Điển hình như hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà, xã Ninh Sở được thành lập từ năm 2018 với diện tích 1,15ha đang canh tác trồng các loại rau ăn lá như: cải mơ, cải ngọt, cải bó xôi, xà lách, rau mầm, giá đỗ... theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó, 0,8ha sản xuất trong nhà màng, hệ thống tưới tự động.
Theo Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà Bùi Thị Thanh Hà: “Phương thức canh tác tiên tiến trồng rau trong nhà màng giúp giảm thiểu sự ảnh hưởng bất thuận của thời tiết, sâu bệnh gây hại ít. Bên cạnh đó, việc sử dụng phân hữu cơ góp phần cải tạo đất, bảo vệ môi trường, tạo sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm”.
Qua đánh giá của phòng Kinh tế huyện Thường Tín, hiện nay, doanh thu của Hợp tác xã đạt khoảng 6 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho hơn 10 lao động tại địa bàn.
Bên cạnh đó, Hợp tác xã hoa cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân xã Hồng Vân thành lập năm 2014 thực hiện khâu tổ chức sản xuất sơ chế, chế biến trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, du lịch, dịch vụ… Thế mạnh của Hợp tác xã là sản xuất chè chùm ngây, sản xuất kinh doanh hoa cây cảnh. Hiện nay, Hợp tác xã tạo việc làm ổn định cho 80 lao động với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng.
Duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí
Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Từ Đức Mạnh cho biết: “Thời gian tới, huyện duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với huyện, xã Nông thôn mới, Nông thôn mới nâng cao, tiến tới xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu. Trong đó, bảo đảm việc xây dựng Nông thôn mới là quá trình thường xuyên, liên tục, hướng tới mục tiêu phát triển nông thôn bền vững, kinh tế phát triển, hạ tầng kinh tế xã hội hiện đại, môi trường sinh thái trong lành, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa làng quê...
Trên cơ sở đó, huyện Thường Tín sẽ tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tạo sự thống nhất và đồng thuận trong việc thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới; vận động doanh nghiệp, tổ chức, Nhân dân tích cực tham gia đóng góp xây dựng Nông thôn mới nâng cao.
Một góc làng quê Đông Cứu, xã Dũng Tiến. Ảnh: Nguyễn Mai |
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho xây dựng Nông thôn mới nâng cao, trong đó ưu tiên cho phát triển sản xuất; tiếp tục đầu tư cho các mô hình sản xuất nông nghiệp; đầu tư giống cây trồng phục vụ sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy việc liên kết, hợp tác, hình thành chuỗi nhằm nâng cao giá trị sản xuất cho người dân địa phương.
Đồng thời, huyện phân công các thành viên Ban chỉ đạo huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, tháo gỡ khó khăn cho các xã trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng Nông thôn mới nâng cao.
Theo Phó chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Ngọ Văn Ngôn: Đến nay, Thường Tín là huyện thứ bảy của Hà Nội hoàn thiện hồ sơ để được công nhận huyện đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao năm 2023 và 2024.
“Thường Tín là huyện không nằm trong kế hoạch ban đầu của thành phố. Tuy nhiên, với kết quả đạt được khả quan, từ đầu năm 2024, Thường Tín đăng ký với thành phố hoàn thành mục tiêu huyện Nông thôn mới nâng cao năm 2024. Mặc dù triển khai sau, song huyện Thường Tín đã đạt kết quả rất tốt", ông Ngôn cho biết.
Ông Ngọ Văn Ngôn cũng đề nghị, huyện Thường Tín cần tiếp tục làm tốt công tác vệ sinh môi trường, chỉnh trang diện mạo nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp để Trung ương xem xét công nhận huyện đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao năm 2024.