Xây dựng trục không gian phát triển sông Hồng thành biểu tượng Thủ đô
Quy hoạch 2 bên sông Hồng theo hướng ô bàn cờ Hà Nội sẽ có du thuyền phục vụ du lịch dọc sông Hồng Không để "đất vàng" hai bên sông Hồng như bãi cỏ hoang |
TP hướng mặt ra sông
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội xác định cấu trúc không gian phát triển của TP Hà Nội gồm: 5 không gian phát triển, 5 hành lang và vành đai kinh tế, 5 trục động lực, 5 vùng kinh tế - xã hội, 5 vùng đô thị.
Trong 5 trục không gian phát triển, trục sông Hồng được định hướng là trục chính; nơi hội tụ các yếu tố về tự nhiên, văn hóa lịch sử và tầm vóc để quy hoạch phát triển trở thành biểu tượng của Thủ đô. Trục sông Hồng sẽ được xây dựng trở thành trung tâm hội tụ, là mặt tiền, điểm nhấn quan trọng của vùng đô thị hóa Đồng bằng sông Hồng.
Trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050, trục sông Hồng là trục động lực chính, điểm nhấn của vùng đô thị trung tâm |
Về mặt hình thái, đô thị của Hà Nội sẽ quay mặt ra sông Hồng. Hai bên sông sẽ xây dựng con đường di sản văn hóa, tái hiện lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Ngoài ra, đây cũng là nơi giới thiệu cảnh quan đất nước, hình ảnh các vùng miền để phát triển các dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng. Đồng thời, kết nối với khu vực Hồ Tây, khu vực cầu Long Biên và phố cổ hình thành không gian phát triển các hoạt động du lịch, giải trí và kinh tế ban đêm.
Theo lãnh đạo TP Hà Nội, trục không gian phát triển sông Hồng không chỉ là dòng chảy của những giá trị lịch sử, văn hóa bồi đắp cho văn hóa Thăng Long - Hà Nội, mà còn là trung tâm phát triển của Thủ đô với sự phân bố hài hòa các không gian sinh thái, không gian văn hóa, lịch sử, không gian xanh, không gian đô thị hiện đại hai bên bờ sông Hồng, bổ sung nên diện mạo mới của Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại.
Việc Hà Nội tập trung vào trục không gian sông Hồng để tận dụng quỹ đất vô cùng quý giá nhằm tạo lập hình ảnh đô thị có dòng sông ở giữa và phát triển cân bằng hai bên sông được nhiều chuyên gia đánh giá là ý tưởng phù hợp, đúng thời điểm. Bởi từ rất lâu, việc khai thác vùng đất hai bên sông Hồng cùng với việc đảm bảo đời sống cho hàng vạn dân cư sống nơi đây đã là câu chuyện được quan tâm tìm lời giải.
Nhiều Sở, ngành quận, huyện của TP đã rất nhiệt huyết trong các đề xuất khai thác tiềm năng của sông Hồng. Trong các đề xuất có nói đến khó khăn khi trong lòng sông có tới 29 vạn dân cư sinh sống cần phải được bố trí nơi ở an toàn, hợp pháp. Vấn đề này từ trước tới nay rất nan giải vì quỹ đất tái định cư hạn hẹp.
Tuy vậy, giờ đây bế tắc này đã có cơ hội giải quyết khi Hà Nội mở rộng đất đô thị ra toàn bộ 4 huyện Bắc sông Hồng và hầu hết các huyện ven bờ Nam sông Hồng. Các không gian này đủ tiếp nhận dân số gấp hàng chục lần cư dân đang sống ngoài đê sông Hồng.
Mở ra không gian đáng sống
Theo Bí thư Huyện uỷ Thường Tín Nguyễn Tiến Minh để lấy sông Hồng làm trung tâm, quy hoạch hệ thống giao thông vận tải, đường sắt đô thị phải đi trước một bước. Theo đó, nên điều chỉnh đường 2 bên bờ sông Hồng, phạm vi mặt cắt ngang với phạm vi như đường Trần Quang Khải hiện nay. Đồng thời, kết hợp phát triển các cây cầu qua sông Hồng để phát triển trục này. Đối với quy hoạch đường nội đô, nên quy hoạch theo ô bàn cờ, bổ sung đường sắt đô thị, đường sắt ngầm.
Bí thư Quận uỷ Long Biên Đường Hoài Nam thì cho rằng, để trục cảnh quan sông Hồng phát triển, cần sớm xác định tổ hợp kiến trúc dọc sông Hồng, ưu tiên phát triển hệ thống giao thông tiếp cận dọc 2 bên bờ sông, xây thêm các cây cầu bắc qua sông. Ngoài ra, các chính sách huy động, sử dụng vốn, lựa chọn nhà đầu tư, cơ chế giải phóng mặt bằng cũng cần thông thoáng hơn.
Còn theo TS Nguyễn Quang, nguyên Giám đốc Chương trình định cư con người Liên Hợp quốc (UN-Habitat), việc xây dựng phát triển trục sông Hồng trở thành không gian điểm nhấn biểu tượng của Thủ đô Hà Nội sẽ thiếu khả thi nếu không gắn việc phát triển hành lang sinh thái với việc cải tạo, bảo tồn và chỉnh trang các khu định cư phi chính thức dọc sông.
Trong quy hoạch trục sông Hồng phải tuyệt đối đảm bảo nguyên tắc trong hành lang thoát lũ không được phép xây dựng các công trình gây cản trở dòng chảy. Từ hành lang thoát lũ đến đê mới, khai thác các dịch vụ sinh thái như đường đi bộ, dải cây xanh cảnh quan. Bên trong đê mới đến đê cũ, TP được phép xây dựng, ưu tiên các công trình dịch vụ. Đây là mô hình đã được rất nhiều nước trên thế giới như Hà Lan, Nhật Bản… thực hiện để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cũng theo các chuyên gia, các giải pháp quy hoạch hai bên bờ sông phải linh hoạt, hài hòa, tôn trọng tự nhiên. Không gian mềm, sinh thái tạo nên vùng đệm của sông Hồng cần được tính đến, đảm bảo không làm thay đổi đột ngột, quá mức cảnh quan hiện hữu, cũng như đáp ứng giải pháp phòng chống rủi ro thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu trong tương lai.
Bên cạnh đó, cần có sự kiểm soát thông minh quy hoạch các chức năng khu vực hai bên bờ sông, về mật độ xây dựng, cây xanh, đảm bảo tính chất hiện đại, sinh thái, văn hoá, điểm nhấn của khu vực này theo đề xuất. Điều này đáp ứng mục tiêu điều chỉnh quy hoạch “hoà nhập, khai thác các giá trị tiềm năng của vùng địa lý cảnh quan tự nhiên”.
Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng việc cải tạo sông Hồng là hết sức cần thiết. Để có nguồn lực thực hiện, Hà Nội nên đề nghị Chính phủ cho phép được sử dụng đất bãi như đất xây dựng. Đây chính là nguồn lực, tạo cơ sở để TP có thể hiện thực hóa mọi hoạch định liên quan đến phát triển trục cảnh quan sông Hồng; đồng thời, TP rất cần quan tâm tuyên truyền để người dân hiểu đúng về giải pháp và những tác động của nó.