Xe lôi điện góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường Thủ đô
Tài xế ô tô ép rác điều khiển cẩu thùng rác từ xe lôi đổ vào xe ép tại điểm trung chuyển (phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội)
Bài liên quan
Học trò trường Nhân Chính bảo vệ môi trường với ý tưởng ống hút từ bột gạo
Sinh viên trường Đại học Xây dựng tham quan thực tế Nhà máy sản xuất ống nhựa Dismy
Bảo vệ môi trường - giáo dục học sinh từ những việc làm nhỏ nhất
Tìm hiểu tác dụng của chiếc xe lôi điện, những ngày đầu tháng 11 vừa qua, PV báo Tuổi trẻ Thủ đô đã theo chân các công nhân môi trường (Công ty CP Công trình đô thị Long Biên) điều khiển xe lôi điện vào các ngõ phố thu gom, vận chuyển rác thải trong khu dân cư. Tại tổ 13 phường Phúc Lợi, chị Lê Thị Thảo điều khiển chiếc xe lôi cua vào trong một con ngõ nhỏ rồi quay đầu, lùi xe đúng vị trí chờ lấy rác một cách chuyên nghiệp. Tắt khóa điện, chị Thảo nhanh nhẹn xuống xe lấy kẻng ra gõ, mời người dân ra đổ rác.
Chị Lê Thị Thảo ngồi trên xe lôi chuẩn bị cho ca làm việc mới tại tổ 13 phường Phúc Lợi, quận Long Biên |
Trong khi chờ đợi người dân mang rác ra đổ, nữ công nhân tranh thủ lấy chổi, xẻng từ xe ra quét dọn quanh ngõ phố, đồng thời xách đỡ những túi rác to giúp người già yếu, hoặc người đang chăm con nhỏ. Cứ như vậy, chiếc xe tuần tự qua các con ngõ nhỏ cho đến khi xe đầy rác thì đi ra điểm trung chuyển. Tại đây xe ô tô chuyên dụng cẩu thùng rác đổ vào xe ép xong, chiếc xe lôi lại tiếp tục cung đường mới cho đến khi các ngõ hết rác.
Chị Thảo nhanh nhẹn dùng xẻng nhồi những túi rác vào trong thùng xe |
Anh Nguyễn Tuấn Anh – một người dân sinh sống ở phường Phúc Lợi cho biết: “So với chiếc xe đẩy ngày trước thì xe lôi điện giúp cho người công nhân môi trường đỡ vất vả. Chiếc xe khá cơ động nên tránh được ùn tắc trong các con ngõ đông đúc mỗi khi tan tầm”. Cùng chung nhận xét với anh Tuấn Anh, nhiều người dân trên địa bàn cũng có đánh giá khá tốt về chiếc xe lôi vận chuyện rác chạy bằng điện ắc quy.
Người dân tổ 13 phường Phúc Lợi đem rác ra bỏ vào xe lôi điện |
Bên cạnh những chiếc xe lôi thu gom rác trong các ngõ phố nhỏ thì phía ngoài các trục đường lớn, chiếc xe tải lăn bánh, phát ra tiếng loa đều đều: “Đề nghị nhân dân mang rác ra đổ lên xe”. Phía sau xe, một chị công nhân đứng trên thùng đón những túi rác to, nhỏ từ phía người dân đưa đến. Tới đầu mỗi con ngõ nhỏ hoặc điểm tập kết, chiếc xe dừng hẳn lại để chờ người dân chuyển rác lên xe, không để rác tồn đọng ngoài hè phố.
Ngoài tuyến đường lớn phường Sài Đồng, người dân cũng chuyển rác ra xe ô tô thu gom đúng giờ quy định |
Tại nơi thu gom, ép rác ở phường Phúc Lợi, chị Dương Thị Thúy Hoàn – cán bộ môi trường quản lý địa bàn (Công ty CP Công trình đô thị Long Biên) cho biết, số công nhân phụ trách địa bàn phường Thạch Bàn, Sài Đồng, Phúc Đồng… là 52 người chia làm 2 ca sáng và chiều. Ca sáng từ 4h30’ – 11h30’, chiều từ 15h30’ – 22h. Ca sáng chủ yếu dùng các xe đẩy đi quét những tuyến phố chính xong chiều về được nghỉ. Ca chiều sử dụng các xe lôi điện vào các ngõ phố thu gom rác, sau đó ra quét các tuyến đường chính.
Cũng theo chị Hoàn, từ khi có xe lôi điện, người công nhân bớt được sức lao động, không phải đi bộ đẩy xe rác như ngày trước. Việc ngồi trước điều khiển xe lôi nên cũng đỡ hít phải những mùi ô nhiễm, độc hại do rác thải phân hủy. Từ ngày đưa ô tô, xe lôi điện vào vận chuyển rác thì việc thu gom hiệu quả hơn. Những bàn ghế vật dụng cồng kềnh, kích thước lớn, nặng được vận chuyển luôn trong ngày, không để tồn đọng ở đầu ngõ phố như ngày trước.
Những chiếc xe lôi chở đầy rác bon bon đưa về khu vực trung chuyển |
Tiếp tục tìm hiểu chiếc xe lôi trở rác, PV đã đến đội xe của Công ty nằm ở bãi sông Hồng thuộc địa bàn phường Long Biên. Tại đây PV được chứng kiến các nhân viên chăm sóc, vệ sinh cho xe lôi, xe ô tô sau mỗi chuyến thu gom rác rất cẩn thận. Bên trong nhà xe, những chiếc xe lôi đã được cọ rửa sạch sẽ, đang nằm sạc ắc quy chuẩn bị cho một ngày làm việc tiếp.
Anh Bùi Đình Tiến cẩn thận chăm sóc chiếc xe ép rác của mình sau mỗi ngày làm việc |
Phía ngoài khu rửa xe, anh Bùi Đình Tiến lái xe ô tô ép rác cẩn thận đánh xà phòng, phun nước cọ rửa chiếc xe của mình, sau đó bơm dầu mỡ vào những chi tiết của xe. Anh Tiến cho biết, sau mỗi ngày làm việc, anh cũng như những lái xe khác phải bỏ ra 2 tiếng để cọ rửa, chăm sóc cho xe. Có “yêu xe như con” nó mới phục vụ cho mình tốt được.
Những chiếc xe lôi đang sạc ắc quy sau khi được vệ sinh sạch sẽ |
Còn ông Phạm Quang Linh – Đội phó Đội sản xuất, Công ty CP Công trình đô thị Long Biên thì cho biết, đến nay công ty có khoảng 40 xe lôi điện, biên chế mỗi phường từ 10-12 xe. Việc đưa xe lôi điện vào vận chuyển, thu gom rác đã triệt tiêu các xe gom đẩy tay, các điểm tập trung rác gây mất mỹ quan đô thị.
Sau mỗi ngày làm việc về, nhân viên của công ty tiến hành vệ sinh xe, cắm sạc ắc quy để cho ngày hôm sau. Mỗi bình ắc quy dùng được khoảng 6-7 tháng thì đảo đổi cho nhà cung cấp xúc sạc lại. Tuổi thọ của xe lôi điện cũng như ắc quy được khoảng 4-5 năm. Công ty cũng có một trạm sửa chữa xe mỗi khi hư hỏng. Hiện trên địa bàn các phường công ty đảm nhiệm không còn những bãi tập kết xe rác gây phát tán mùi, nước rác chảy ra gây ô nhiễm môi trường.
“Trước kia việc đẩy xe người công nhân phải làm đến 9-10 tiếng/ca sản xuất, giờ đây sử dụng xe lôi giảm còn 7-8 tiếng/ca, sức lao động giảm, hiệu quả công việc tăng hơn rất nhiều. Bên cạnh những chiếc xe lôi điện, Công ty cũng đưa về những chiếc xe ô tô chuyên dụng thu gom, ép rác… Mỗi ngày công nhân của chúng tôi chỉ cần quét đường một lần nhưng chắc chắn sẽ sạch hơn những quận mới chưa đẩy mạnh việc cơ giới hóa trong thu gom rác”, ông Linh tự hào khẳng định.
Đánh giá về hiệu quả của những chiếc xe lôi điện vận chuyển rác thải trên địa bàn, ông Nguyễn Tiến Dũng – Giám đốc Trung tâm quỹ đất quận Long Biên (đơn vị được giao ký kết hợp đồng với các công ty thực hiện vệ sinh môi trường địa bàn quận) cho biết: Thời gian qua, quận Long Biên đã đẩy mạnh cơ giới hóa việc thu gom, vận chuyển rác trong đó có xe lôi điện, đến nay đã đạt được 85%. UBND quận Long Biên cũng đã đưa vào nghị quyết và báo cáo thành phố phấn đấu hết năm 2019 việc thu gom, vận chuyển rác thải bằng các phương tiện cơ giới đạt 95%.
Cũng theo ông Dũng, xe lôi điện chạy trên cung đường, thời gian cố định, di chuyển nhanh, đáp ứng được yêu cầu tiến độ vận chuyển rác ra điểm trung chuyển. Quá trình hoạt động, xe lôi điện không phát khí thải ra môi trường, giảm được sức lao động, giảm độc hại cho người lao động.
Nếu không có chút vướng mắc về quy định lưu hành thì có thể nói, cùng với sự cần mẫn của người công nhân, những chiếc xe lôi điện đã góp phần làm đẹp cảnh quan ngõ phố, môi trường đô thị quận Long Biên trong những năm qua.
* “Đây là bài viết tuyên truyền bảo vệ môi trường của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2019”