Xem xét lập “điểm tập kết hàng hóa” cho thương mại điện tử tại các khu cách ly
Đơn hàng trên thương mại điện tử tăng đột biến |
Trong những ngày thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ vừa qua, các tỉnh, thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội tình hình lưu thông hàng hóa đã từng bước sắp xếp ổn định.
Tuy nhiên, vẫn có tình trạng hàng hóa phục vụ sản xuất, hàng nông sản từ các tỉnh về thành phố và đặc biệt là hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân có nhu cầu tăng cao, gây áp lực cho chính quyền địa phương và hệ thống siêu thị, chợ truyền thống, chợ đầu mối.
Ngay tại khu vực TP HCM việc mua hàng theo phiếu phát mới giải tỏa được phần nào áp lực nhưng cũng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của người dân thành phố.
Trong bối cảnh đó, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) vừa có văn bản gửi Sở Công thương các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nhằm tháo gỡ khó khăn logistic thương mại điện tử đảm bảo lưu thông hàng hoá khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Ảnh minh họa |
Theo đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đề nghị Sở Công thương các tỉnh, thành phố phối hợp với các Sở, ngành địa phương như Sở Giao thông vận tải, Sở Y tế … xây dựng phương án cụ thể duy trì hệ thống giao nhận thương mại điện tử báo cáo UBND các tỉnh, thành phố.
Trong trường hợp cần thiết, xây dựng thiết lập “điểm tập kết hàng hóa” cho thương mại điện tử ngay tại các khu cách ly tập trung hoặc các khu vực cư dân bị phong tỏa.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội thì việc cung ứng nông sản, hàng hóa thiết yếu chịu áp lực rất lớn, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã cùng các sàn thương mại điện tử phối hợp lên phương án kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong vận chuyển hàng hóa thiết yếu, tăng cường nguồn cung hàng hóa, giảm áp lực cho các địa phương.
Vừa qua, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với 6 sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam triển khai các chương trình, hoạt động đẩy mạnh bán các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu như rau củ quả, lương thực, thực phẩm để cung ứng kịp thời cho người dân tại TP HCM và các tỉnh phía Nam.
Trong đó, tại khu vực TP HCM, các sàn thương mại điện tử đã tăng lượng cung hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm thiết yếu, bao gồm thực phẩm (hợp tác với các nhà bán thực phẩm tươi sống), đồ dùng chống dịch (khẩu trang, nước rửa tay…) và thực phẩm khô (bánh, kẹo, mỳ tôm…).
Tuy nhiên, số lượng đơn hàng tăng đột biến do tình hình dịch Covid-19, cộng với việc có nhiều khu vực bị phong tỏa và cách ly trên cả nước, các sàn thương mại điện tử đã gặp nhiều khó khăn trong khâu giao hàng cho người dân. Tình trạng này đã được dự đoán là có khả năng xảy ra đối Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong trường hợp buộc phải thực hiện quy định giãn cách theo Chỉ thị 16.
Vì vậy, ngay sau các cuộc họp với các sàn thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng đã có văn bản kiến nghị với Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công thương đề xuất phương án cung ứng hàng hóa cho TP HCM và các tỉnh phía Nam về việc tạo điều kiện cho các sàn thương mại điện tử và đơn vị vận chuyển phân phối hàng hóa thiết yếu.
Đồng thời đề xuất xây dựng cơ chế hoặc các chính sách cụ thể cho thương mại điện tử để có thể phát huy tối đa lợi thế phương thức này; cần có chỉ đạo cụ thể về một điểm tập trung nhận hàng để đảm bảo việc giao vận và quy tắc an toàn phòng chống dịch.
Theo đánh giá của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, thời gian qua, việc hạn chế nhân viên giao nhận hàng hóa thương mại điện tử hoạt động (khác với hình thức vận chuyển người và shipper công nghệ) đã phần nào cắt đứt chuỗi lưu thông từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng, khiến nhu cầu của người dân tập trung đến các siêu thị, chợ truyền thống tăng, kéo theo nguy cơ lây nhiễm ở khu vực công cộng cao.
Với việc xây dựng tổ chức phương án thiết lập “điểm tập kết hàng hóa”, một mặt cơ quan địa phương vẫn quản lý được nhân viên giao nhận thương mại điện tử thông qua các sàn và các công ty giao nhận đăng ký, mặt khác đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu của của người dân, hạn chế việc người dân ra đường và giảm áp lực đối với hệ thống phân phối truyền thống trong bối cảnh dịch bệnh.