Xóa “điểm đen” - giải pháp quan trọng giảm ùn tắc giao thông Thủ đô
Mới xử lý được 8/34 điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô
Những ngày đầu năm, khi thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội sau Tết Nguyên đán, tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội giảm hẳn. Tuy nhiên, đầu tháng 3 học sinh bắt đầu đi học trở lại, tình trạng giao thông bắt đầu có dấu hiệu tăng nhiệt. Rõ rệt nhất là từ ngày 8/3, khi sinh viên các tỉnh về Hà Nội bắt đầu học tập.
Chị Yến (36 tuổi, nhà ở Khu đô thị Tứ Hiệp, xã Tứ Hiệp, Thanh Trì) cho biết, sáng ngày 8/3, chị di chuyển đến cơ quan tại Ngụy Như Kon Tum hết đúng 1 tiếng 10 phút.
“Ngày nào tôi cũng di chuyển trên tuyến đường Nguyễn Xiển giao với Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân để đến cơ quan. Hai tuần đầu tiên sau Tết tôi đi làm thấy đường thông thoáng, chỉ đông một chút ở những điểm giao nhau. Hôm nay tôi đi tắc suốt. Tôi đi từ nhà 7 giờ 20 phút mà đến cơ quan là 8 giờ 30 phút.”, chị Yến chia sẻ thêm.
Cung đường mà chị Yến chia sẻ chỉ là một trong rất nhiều “điểm nóng” về ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô.
Khu vực ngã tư đường Khuất Duy Tiến giao với đường Lê Văn Lương là một trong nhiều điểm có mật độ phương tiện giao thông lớn. Tại khu vực này, mật độ phương tiện vào những giờ cao điểm trong ngày (từ 16 giờ 30 phút - 18 giờ 30 phút) quá cao nên ngoài ùn tắc thì đôi khi vẫn xảy ra tình trạng người dân vi phạm quy định như vượt đèn đỏ hoặc đi vào làn đường của xe buýt nhanh BRT. Cơ sở hạ tầng giao thông cũng chưa đáp ứng yêu cầu.
Đường Lê Văn Lương được xem là “điểm đen” về ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô |
Hay như trục đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy là một trong những điểm nóng ùn tắc giao thông trên địa bàn lâu nay, nhất là khu vực từ ngõ 130 Xuân Thủy kéo dài đến ngã tư cầu vượt. Nguyên nhân gây ùn tắc là do khu vực này tập trung nhiều trường học, khu đô thị khiến phương tiện đổ ra đường rất đông vào giờ cao điểm, trong khi diện tích mặt đường còn nhiều hạn chế. Theo quan sát, thời điểm ùn tắc xảy ra nhiều nhất từ 6 giờ 30 phút đến 8 giờ 30 phút sáng và từ 17 giờ 30 đến 19 giờ 30 phút chiều tối. Ùn tắc giao thông không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp tới người tham gia giao thông mà còn tác động đến những hộ dân cư sinh sống và người kinh doanh trên tuyến đường này.
Làm nghề bán cốm tại khu vực đường Xuân Thủy, chị Lê Thị Hòa, 37 tuổi chia sẻ, khu vực này tắc đường, ngột ngạt, rất khó chịu. Bây giờ mật độ xe ô tô quá dày, có lúc ô tô đi chiếm gần hết làn đường nên xe máy phải đi lên vỉa hè, người đi bộ cũng bị ảnh hưởng, hộ kinh doanh mặt đường cũng vắng khách.
Tại khu vực đường Phạm Hùng, nhất là tại ngã tư bến xe Mỹ Đình, ùn tắc cũng xảy ra thường xuyên. Ngoài những phương tiện cá nhân, xe buýt, xe khách lưu thông qua đây chiếm số lượng lớn nên cũng gây ra nhiều khó khăn trong quá trình di chuyển của người dân.
Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, trong giai đoạn 2016 - 2020, thành phố Hà Nội đã xử lý được 59 điểm ùn tắc giao thông nhưng lại phát sinh thêm 48 điểm ùn tắc mới. Nguyên nhân chủ yếu do việc thi công các công trình trọng điểm trên địa bàn nên phải rào đường, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cũng tăng lên... Hiện nay, số điểm thường xuyên ùn tắc trên địa bàn là 34 điểm; trong đó có 10 điểm phát sinh mới.
Mục tiêu xóa 8-10 điểm ùn tắc giao thông mỗi năm
Nói về vấn đề này, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội đánh giá nguyên nhân của việc ùn tắc giao thông trước tiên là do sự gia tăng phương tiện trên địa bàn Hà Nội những năm qua là rất lớn. Bên cạnh đó, có một điểm chung ở các cung đường được xem là điểm đen ùn tắc giao thông là hình thức tổ chức giao thông được triển khai hỗn hợp. Hạ tầng hạn chế, lượng phương tiện đổ dồn cục bộ nên để các phương tiện không bị ách tắc, các chiến sĩ cảnh sát giao thông thường xuyên phải căng mình điều tiết.
Bên cạnh đó, các công trình xây dựng, sửa chữa đường cũng đang là nguyên nhân gây ùn tắc tại nhiều điểm khác nhau, điển hình như tuyến đường Lê Văn Lương. Ngoài những nguyên nhân khách quan, còn có nguyên nhân chủ quan là ý thức của người tham gia giao thông còn hạn chế, vi phạm trật tự giao thông còn xảy ra nhiều.
Vì thế, theo ông Liên, để hạn chế bớt những điểm ùn tắc giao thông, các đơn vị chức năng cần có phương án tổ chức, điều tiết, phân luồng giao thông; bố trí lực lượng kịp thời giải tỏa khi xảy ra tai nạn, ùn tắc giao thông, không để phát sinh ùn tắc kéo dài trên các tuyến trục chính ra vào thành phố.
Về lâu dài, theo ông Liên, để xử lý dứt điểm ùn tắc trên, các cơ quan liên quan cần tổ chức khảo sát, lên phương án cho từng điểm ùn tắc; làm việc với các chủ đầu tư công trình, đề nghị đẩy nhanh tiến độ, bố trí lại hàng rào hợp lý. Với những điểm xuống cấp, hư hỏng thì cần cải tạo hạ tầng, điều chỉnh đèn tín hiệu giao thông; tăng cường lực lượng chốt trực, hướng dẫn điều tiết, xử lý vi phạm thường xuyên trong giờ cao điểm; Cũng như phải tuyên truyền nâng cao được ý thức tham gia giao thông của người dân.
Hà Nội đặt mục tiêu mỗi năm xóa 8-10 điểm ùn tắc giao thông |
Theo chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025, Hà Nội đặt mục tiêu mỗi năm xóa 8-10 điểm ùn tắc giao thông, hạn chế các điểm phát sinh mới. Trong đó, tập trung triển khai đồng bộ 6 nhóm giải pháp, bao gồm cả giải pháp thường xuyên và mang tính bền vững, lâu dài; Trong đó có giải pháp mang tính đột phá là ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành giao thông như xử phạt qua hệ thống camera giám sát an toàn giao thông; ứng dụng phần mềm GovOne trong quản lý, duy tu, duy trì kết cấu hạ tầng giao thông; triển khai ứng dụng dịch vụ Iparking tại các điểm trông giữ phương tiện công cộng trên địa bàn thành phố...
Đáng chú ý, theo quy hoạch đến năm 2030, Hà Nội sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 318km để kết nối đến các đô thị vệ tinh và vùng ven. Trước mắt, thành phố tập trung hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng tuyến số 2A (Cát Linh - Hà Ðông) và tuyến số 3 (đoạn Nhổn - ga Hà Nội) trong năm 2021. Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, thành phố sẽ rà soát, lựa chọn danh mục công trình hạ tầng giao thông cấp bách, trọng điểm để tập trung hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng theo từng giai đoạn bảo đảm tính khả thi.
Tình trạng ùn tắc giao thông tại Thủ đô Hà Nội là một bài toán khó và phải có sự nỗ lực từ nhiều phía, đặc biệt là sự tuân thủ quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người dân. Vì vậy các cơ quan chức năng cần đưa ra những giải pháp tối ưu nhất để giải quyết vấn đề này một cách đồng bộ và hiệu quả. Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục rà soát, đề xuất giải pháp xử lý các điểm ùn tắc giao thông đang tồn tại và chủ động phát hiện sớm, xử lý các điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông mới phát sinh trên địa bàn.
Nhiều tuyến đường cửa ngõ Thủ đô ùn tắc cục bộ sau kỳ nghỉ Tết Năm 2021, Hà Nội đặt mục tiêu giảm 8-10 điểm ùn tắc Hà Nội lên kế hoạch chống ùn tắc giao thông năm 2020 |