Xuất khẩu lao động Philippines: Con dao hai lưỡi
Một phụ nữ Philippines đứng trước bảng thông tin tuyển dụng việc làm nước ngoài (Ảnh: EFE)
Tại xứ sở nghìn đảo những năm gần đây, thông báo về tuyển dụng lao động làm việc tại nước ngoài luôn là tin nóng hổi. Người dân Philippines cũng truyền tai nhau về thành công của không ít người dám đánh đổi để ra nước ngoài làm việc. Tất cả những thông tin ấy khiến một bộ phận không nhỏ lao động ở Philippines cân nhắc đến con đường sự nghiệp tương tự. Thậm chí những người đang làm trong ngành nghề khác cũng không ngại ngần thay đổi.
Cứ thế, xuất ngoại và tìm được một công việc lương cao đã trở thành giấc mơ của không ít lao động Philippines, bất kể ngành nghề nào. Theo số liệu mới nhất của Ủy ban về người Philippines ở nước ngoài, số lượng người Philippines đang lao động tại nước ngoài hiện nay đã vượt qua mốc 10 triệu người và con số này vẫn đang tiếp tục tăng.
Những người ra nước ngoài lao động tập trung tại cửa đi quốc tế của sân bay Ninoy Aquino, Philippines |
Giấc mơ xuất ngoại
Thông tin từ người phụ trách lao động của Cơ quan quản lý lao động nước ngoài Philippines (POEA) cho hay, y tá, điều dưỡng và các công việc khác liên quan đến chăm sóc sức khỏe hiện đang là những công việc có nhu cầu tuyển dụng lớn ở nước ngoài.
Saudi Arabia tuyên bố cần ít nhất 1.000 y tá, Đức đang có dự án mời 400 y tá Philippines sang làm việc. Các nước láng giềng như Nhật Bản, Singapore… cũng đang cần tuyển dụng y tá Philippines làm việc tại các bệnh viện, phòng khám, doanh nghiệp hay tại nhà riêng.
POEA cho biết thêm, ngoài vị trí y tá một số ngành nghề khác mà các quốc gia trên thế giới có nhu cầu cao là kỹ sư, giáo viên hoặc chuyên gia công nghệ thông tin.
Theo trang Manila Bulletin, hầu hết lao động Philippines mơ ước được làm việc tại nước ngoài bởi họ được trả lương cao hơn so với trong nước, với vị trí tương đương. Lương của một y tá ở nước ngoài cao gấp 15 lần so với một y tá làm việc tại các bệnh viện địa phương. Hay giáo viên tiếng Anh giảng dạy ở Trung Quốc có thể được trả lương tối thiểu 1.200 USD/tháng, còn chuyên gia công nghệ thông tin làm việc tại các quốc gia khác trong Đông Nam Á có thể kiếm được ít nhất 1.100 USD/tháng.
Lợi và hại
Xuất khẩu lao động từ lâu đã được Philippines coi là một mũi nhọn để phát triển kinh tế. Chính phủ nước này ưu tiên xuất khẩu lao động cả phổ thông, tay nghề cao và trí thức, thay vì di dân dài hạn. Bộ máy vận hành công tác này được thành lập từ cách đây hàng chục năm. Công tác cấp phép tuyển dụng lao động, đảm bảo quyền lợi của người lao động ở nước ngoài được làm rất bài bản. Ngoại hối thu về sẽ được dùng để đầu tư vào các dự án trong nước.
Lao động ở nước ngoài được coi là “người hùng” và được hưởng các chính sách ưu đãi của Chính phủ như miễn thuế giá trị gia tăng, con cái được giảm học phí và bảo hiểm y tế, không phải xếp hàng khi xuất nhập cảnh… Bất cứ vấn đề gì xảy ra với người lao động đều được Chính phủ giải quyết nhanh chóng và thấu đáo.
Để đảm bảo người lao động sang nước ngoài tìm được việc làm, Chính phủ cũng thành lập những cơ quan dạy nghề hoặc cấp phép dạy nghề với chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu ở nước ngoài. Những người lao động có được chứng chỉ do Chính phủ cấp thường được đánh giá rất cao. Đa phần họ đều nói tiếng Anh tốt, kỷ luật, cởi mở và lễ phép.
Việc đẩy mạnh xuất khẩu lao động đã giúp Philippines có nguồn ngoại hối dồi dào, lên tới 28,1 tỷ USD năm 2017 (năm 2003 chỉ là 7,6 tỷ USD). Tuy nhiên, xu hướng này cũng gây không ít ảnh hưởng tiêu cực cho quốc gia Đông Nam Á này.
Thực tập sinh điều dưỡng tại một cơ sở đào tạo ở Philippines (Ảnh: Inquirer) |
Hơn 10 triệu người, tương đương với 10% dân số cả nước, làm việc tại nước ngoài, khiến Philippines không tránh khỏi việc bị chảy máu chất xám. Đặc biệt, ngành y tế nước này đã từng chứng kiến sự sụt giảm một số lượng đáng kể y, bác sĩ, khiến hệ thống y tế nước này lâm vào tình trạng gần như sụp đổ.
Theo tờ BusinessMirror, việc mất mát nhân lực trong các lĩnh vực như y học, khoa học, kỹ thuật, quản lý và giáo dục có thể là trở ngại lớn cho phát triển kinh tế và xã hội. Dù mỗi năm những lao động này gửi lượng ngoại hối lên đến gần 30 tỷ USD, song năng suất lại được tích lũy cho các nền kinh tế phát triển, nơi họ làm việc.
Tư tưởng ỷ lại vào xuất khẩu lao động cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nội lực và phát triển kinh tế bền vững của Philippines. Hầu hết người dân đều coi việc xuất khẩu lao động là cơ hội duy nhất để tăng thu nhập. Các lao động được đào tạo bài bản đều đã, đang và sẽ xuất khẩu lao động. Việc thiếu đi lao động có tay nghề cao, tri thức khiến những ngành thiết yếu cho phát triển kinh tế không được đầu tư, chú trọng. Ngoài ra, những gia đình có nguồn thu từ người thân làm việc ở nước ngoài cũng không quan tâm tìm việc làm hay làm việc trong nước.
Không những thế, những năm qua ngành giáo dục Philippines cũng chứng kiến sự thay đổi do tác động của việc xuất khẩu lao động. Những ngành có nhu cầu tuyển dụng cao ở nước ngoài có sự bùng nổ các cơ sở đào tạo. Tại Philippines, hiện có tới 500 cơ sở đào tạo điều dưỡng, mỗi năm đào tạo ra hàng chục nghìn y tá đủ điều kiện làm việc ở nước ngoài.
Trong khi những người lao động Philippines có nguy cơ gặp rủi ro, bị phân biệt đối xử hay thậm chí bị ngược đãi ở nước ngoài thì tại quê nhà, những đứa trẻ có bố mẹ xuất khẩu lao động có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của các tệ nạn xã hội hoặc có vấn đề về tâm lý. Ước tính hiện có 6 triệu trẻ em không được gặp cha mẹ do họ đi làm ở nước ngoài.
Tuy nhiên, dù lao động vất vả, người Philippines ở nước ngoài vẫn không muốn về nước vì tình hình kinh tế quốc nội khiến cuộc sống họ rất chật vật. Đó là một thực tế đáng buồn đối với Philippines. Nước này từng là một trong những nước giàu nhất châu Á trong thập niên 50 của thế kỷ trước, nay lại là một trong những nước nghèo nhất lục địa.
Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy từ năm 2010 đến nay, số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ngày càng tăng cao. Năm 2017, cả nước đưa được 134.751 lao động đi nước ngoài làm việc. Một số thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam là Đài Loan, Nhật Bản hay Hàn Quốc…
Tuy nhiên, mục tiêu của lao động Việt Nam khi xuất khẩu, đặc biệt là lao động phổ thông, hầu như chỉ đơn thuần là kiếm tiền. Theo PGS. TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính sách (VEPR), mục tiêu của xuất khẩu lao động là giúp thanh niên, người trẻ tuổi có việc làm nhiều hơn. Đặc biệt với những nước phát triển có sự hợp tác rất chặt chẽ với Việt Nam như Nhật Bản, họ muốn đào tạo người lao động khi trở về nước có thêm tay nghề. Khảo sát cho thấy hầu như những kỹ năng, ngôn ngữ hay kỷ luật học hỏi được từ môi trường làm việc nước ngoài không được sử dụng sau khi người lao động trở về. Đây là một sự lãng phí rất lớn, TS Thành nhận định.
Các chuyên gia cho rằng, trước khi tham gia chương trình xuất khẩu lao động, các thực tập sinh nên xác định mục tiêu dài hạn và chuẩn bị kỹ kế hoạch học tập của bản thân. Họ cũng nên chủ động chia sẻ nguyện vọng của mình và những kỹ năng mong muốn được học hỏi với doanh nghiệp, đồng thời chịu khó tích lũy kỹ năng, tri thức để nâng cao hiệu quả đào tạo ở nước ngoài.