Xuất khẩu nông sản Việt vượt “bão” Covid-19
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản dự báo cả năm sẽ mang về 41 tỉ USD - hoàn thành mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngay từ đầu năm. Do đó, Nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ góp phần tăng trưởng kinh tế năm 2020 trong bối cảnh Covid-19 đang tác động lên nhiều nền kinh tế trên thế giới.
Lúa gạo là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của nước ta |
Để xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tiếp tục mang lại nhiều kết quả khả quan, tạo tiền đề cho xuất khẩu năm 2021, ngành Nông nghiệp đã và đang tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ.
Giải pháp trong thời gian tới, nhất là chính sách thu hút đầu tư của doanh nghiệp đối với lĩnh vực chế biến, chế biến sâu là tập trung đẩy mạnh triển khai, thực hiện một số cơ chế, chính sách chủ yếu nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, liên kết chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ.
Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung xây dựng và hoàn thiện các đề án, chiến lược bao gồm: “Chiến lược phát triển cơ giới hóa và công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030” và “Đề án Phát triển ngành chế biến rau củ quả giai đoạn 2021-2030” trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong Quý IV năm 2020.
Mặc dù giai đoạn khó khăn nhất dường như đã qua nhưng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản quý cuối năm vẫn còn đối mặt với nhiều "chướng ngại". Dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia, nguy cơ tái bùng phát ở những nước đã kiểm soát được vẫn đang là những thách thức gây trở ngại cho vận chuyển hàng hóa nông sản ra thế giới.
Để xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tiếp tục mang lại nhiều kết quả khả quan, tạo tiền đề cho xuất khẩu năm 2021, ngành nông nghiệp đã và đang tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ. |
Hiện nay, ngày càng nhiều nước nhập khẩu đưa ra hàng rào kỹ thuật rất khắt khe đối với chất lượng hàng hóa nông sản. Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm (FDA) Thái Lan mới đây đã ban hành các quy định điều chỉnh việc giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nhập khẩu nông sản tươi. Điều này đã khiến một số đơn hàng xuất khẩu thanh long của Việt Nam sang Thái Lan bị trả lại do vi phạm quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của nước này.
Trước đó, tháng 6/2020, Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo cho cơ quan Kiểm dịch thực vật Việt Nam về 220 lô xoài (khoảng 3.300 tấn trong tổng số 750.000 tấn đã xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm 2019 và 2020) vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật với nhiều nguyên nhân khác nhau. Phía Trung Quốc yêu cầu tạm ngưng xuất khẩu xoài từ 12 vùng trồng và 18 cơ sở đóng gói có liên quan để phối hợp tiến hành điều tra nguyên nhân, đề xuất biện pháp khắc phục và nâng cao công tác quản lý.
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản quý cuối năm vẫn còn đối mặt với nhiều "chướng ngại" do Covid-19 |
Xuất khẩu nông sản nay đã khác trước, nếu doanh nghiệp, hợp tác xã có vùng trồng, thực hiện theo VietGAP hay GlobalGAP... thì sẽ đáp ứng được các tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu. Ngược lại, đối với những doanh nghiệp chỉ chuyên thu mua hàng hóa trôi nổi rồi xuất khẩu sẽ rất dễ bị vi phạm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục bảo vệ thực vật cho rằng, việc quản lý mã số tại một số địa phương vẫn còn lỏng lẻo, chưa xây dựng kế hoạch và thực hiện công tác kiểm tra, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói sau khi được cấp mã số.
Gạo thơm của Việt Nam là một trong những sản phẩm được thị trường ưa chuộng |
Về phía doanh nghiệp xuất khẩu đã xuất hiện tình trạng các doanh nghiệp sử dụng không đúng mã số, mạo danh mã số của nhau để xuất khẩu. Hiện Cục bảo vệ thực vật đang ráo riết phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp để rà soát chấn chỉnh kịp thời việc cấp mã số vùng trồng, kiểm tra, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói sau khi được cấp mã số.
“Phải quyết liệt ở mọi khâu thì xuất khẩu nông, lâm, thủy sản mới có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng giá trị kim ngạch trong năm 2020, mở đường cho những năm tiếp theo”, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục bảo vệ thực vật nhấn mạnh.