25 năm góp sức đổi mới tư duy về quan hệ chính trị với kinh tế
PGS.TS Lưu Văn An, Phó giám đốc Phụ trách nhà trường; PGS. TS Nguyễn Xuân Phong, Trưởng khoa; TS Võ Thị Hoa, Phó trưởng khoa Chính trị học tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh Open Day.
Bài liên quan
Chào Tân sinh viên Học viện Báo chí & Tuyên truyền
Chào Tân sinh viên Học viện Báo chí & Tuyên truyền
PGS.TS Lưu Văn An, Phó giám đốc Phụ trách nhà trường; PGS. TS Nguyễn Xuân Phong, Trưởng khoa dự Tọa đàm tư vấn về tuyển sinh và cơ hội việc làm cho sinh viên Khoa Chính trị học. |
Biến áp lực thành hành động
Từ những năm 80 của thế kỷ XX, từ sự hạn chế trong nhận thức của nhiều quốc gia xã hội chủ nghĩa dẫn đến có những sai lầm trong tư duy lãnh đạo xây dựng xã hội. Đây chính là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự trì trệ về kinh tế và hệ quả nảy sinh là hệ thống chủ nghĩa xã hội bị sụp đổ trên thế giới mà bắt đầu từ thành trì của cuộc cách mạng Tháng 10 Nga.
Nghiêm khắc soi mình trong "di sản bị đổ vỡ" đó, một số nước xã hội chủ nghĩa đã có những sự cải cách, đổi mới, mở cửa đất nước; trong đó tập trung đổi mới nhận thức về quan hệ chính trị với kinh tế, về chủ nghĩa xã hội, về thời kỳ quá độ. Để có một cách nhìn đúng đắn, sát thực khi đánh giá về tư duy chính trị, sự lãnh đạo, định hướng của chính trị với việc phát triển kinh tế, ổn định xã hội là một đòi hỏi tất yếu.
Trong thực tế bộ môn khoa học chính trị mà nhiều chục năm bị xao nhãng đến nay đã được phục hồi. Việt Nam là một trong số ít các nước xã hội chủ nghĩa đã nhanh chóng trong việc khắc phục những hạn chế để thoát ra khỏi khủng hoảng trầm trọng. Trong những bài học rút ra từ những bước đầu thành công của công cuộc đổi mới đó là đổi mới tư duy về quan hệ chính trị với kinh tế.
Ý thức được vai trò quan trọng của khoa học chính trị trong việc nghiên cứu và đào tạo ra đội ngũ các nhà khoa học, giảng viên, đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị mang tính chuyên nghiệp, những trung tâm nghiên cứu và giảng dạy chính trị học được thành lập ở Việt Nam.
Trong số các đơn vị không nhiều đó có khoa Chính trị học của Học viện Báo chí và Tuyên truyền được thành lập khá sớm vào 01/9/1994.
Gánh trên vai trách nhiệm nặng nề trong khi đội ngũ giảng viên còn rất mỏng, tính đến nay mới chỉ có 12 giảng viên cơ hữu, Khoa chủ trương biến áp lực thành động lực để hoàn thành nhiệm vụ.
Trên cơ sở khối lượng công việc của Khoa, ban lãnh đạo Khoa phân công cho các giảng viên phụ trách các môn học. Mỗi môn có hai giảng viên (chính và phụ) các giảng viên phải có nhiệm vụ tiếp cận môn học, từng bước chủ động để nắm bắt toàn bộ chương trình. Đồng thời các giảng viên hàng năm phải tham gia thực hiện các đề tài khoa học (có thể chủ nhiệm hoặc tham gia). Các đề tài này tập trung vào việc biên soạn bài giảng hướng đến việc xây dựng giáo trình và những nội dung phục vụ việc giảng dạy.
Khoa quan niệm: Giảng viên phải coi giảng dạy và nghiên cứu khoa học là hai công việc quan trọng ngang nhau. Một giảng viên toàn diện phải làm tốt cả hai công việc này. Chính việc tạo áp lực đã giúp cho các giảng viên hoàn thành tốt các nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học và học tập nâng cao trình độ.
Chính vì lẽ đó mà 25 năm qua, việc nghiên cứu và giảng dạy của Khoa ngày càng được phát triển cả về số lượng và chất lượng. Số chuyên ngành, hệ đào tạo và số người học ngày càng gia tăng, đáp ứng sự đòi hỏi của nhu cầu xã hội thời kỳ đẩy mạnh đổi mới.
Bên cạnh đó, sự đoàn kết, phát huy dân chủ và đặt quan hệ và gắn kết thường xuyên, lâu dài với đội ngũ các nhà khoa học trong và ngoài Học viện giúp Khoa hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị nặng nề được giao.
Trải qua 25 năm qua cùng với những bước phát triển của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, khoa Chính trị học có nhiều đổi mới về tổ chức, nhân sự, nhiệm vụ chính trị nhằm đáp ứng trước những đòi hỏi mới.
Lớp bồi dưỡng Tiếng Anh của chuyên gia Hàn Quốc cho sinh viên Khoa Chính trị học. |
Những dấu son phát triển
Từ việc chỉ nhận nhiệm vụ biên soạn giáo trình, Khoa Chính trị đã phối hợp đào tạo bộ môn Chính trị trong các trường đại học rồi tiến tới đào tạo Cử nhân Chính trị học, đào tạo Cao học và liên tục mở rộng các ngành đào tạo mới.
Qua 25 năm, Khoa đã đào tạo được hơn 4.000 cử nhân hệ đại học chính quy, tham gia đào tạo đại học cho hàng loạt chuyên ngành và đang đào tạo chuyên ngành Chính trị phát triển và Chính sách công cho gần 100 sinh viên Lào.
Bên cạnh đó, Khoa đã và đang đào tạo Cao học cho trên 200 học viên chuyên ngành Chính trị học phát triển, hướng dẫn thành công trên 30 nghiên cứu sinh, tham gia hàng trăm hội đồng chấm luận án Tiến sĩ, luận văn Thạc sĩ.
Ngoài ra, Khoa tham gia giảng dạy các lớp bồi dưỡng về chính trị cho các hệ bồi dưỡng và nâng cao nghiệp vụ về chính trị, tuyên giáo, báo chí, về phương pháp giảng dạy mới do Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và các cơ quan khác tổ chức
Về nghiên cứu khoa học, trong 25 năm qua, Khoa Chính trị đã chủ trì trên 50 đề tài khoa học cấp cơ sở, cơ sở trọng điểm và tham gia nhiều đề tài cơ sở khác; chủ trì 9 đề tài cấp bộ và tham gia nhiều đề tài cấp bộ khác; Chủ nhiệm 1 đề tài cấp nhà nước và tham gia 5 đề tài cấp nhà nước khác.
Ngoài ra, Khoa còn chủ trì xây dựng Chương trình quốc gia bậc đại học chuyên ngành Chính trị học cho Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chương trình đã được nghiệm thu và công bố lên mạng cho các trường đại học tham khảo và sử dụng.
Khoa cũng xuất bản trên 20 cuốn sách giáo trình và tài liệu tham khảo, tham gia viết hàng chục cuốn sách, viết hàng trăm bài báo, hàng trăm bài tham gia hội thảo các cấp…
Tập thể giảng viên Khoa Chính trị học. |
Những nỗ lực biến áp lực thành hành động của Khoa đã được các cấp ghi nhận. Từ năm 1998 đến nay Khoa thường xuyên đạt danh hiệu Đơn vị lao động giỏi, Đơn vị lao động tiên tiến, được Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền tặng Giấy khen. Khoa cũng 4 lần được Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tặng bằng khen; 5 lần được tặng Cờ thi đua và bằng khen cấp Bộ.
Năm 2013, Khoa được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong công tác từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2012 - 2013. Một số cán bộ khoa được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, bằng khen của Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh như GS,TS. Dương Xuân Ngọc; PGS,TS. Lưu Văn An; PGS,TS. Nguyễn Xuân Phong…
Những thành tích đó là nguồn cổ vũ, động viên để cho tập thể Khoa tiếp thêm những động lực mới khi đứng trước giai đoạn tiếp theo. Trong giai đoạn tiếp hàng loạt những thách thức về việc đào tạo, hoàn thiện giáo trình, đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng đào tạo… đáp ứng được sự đòi hỏi của thị trường lao động ngày càng cao… đặt ra cho Khoa phải nỗ lực và phần đấu nhiều hơn nữa thì mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ mới.
PGS,TS. Nguyễn Xuân Phong
Trưởng khoa Chính trị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.