70 năm Giải phóng Thủ đô qua góc nhìn tự hào của người trẻ
Triển lãm sách chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô Nhìn lại những thời khắc lịch sử Hà Nội gặp mặt đại biểu lực lượng tham gia giải phóng Thủ đô |
Điều đáng chú ý, giới trẻ ngày càng quan tâm và tích cực tham gia vào những hoạt động tôn vinh lịch sử thể hiện sự tự hào, tình yêu quê hương và góp phần bảo tồn giá trị văn hóa của đất nước.
Đường phố Thủ đô trang hoàng mừng 70 năm Giải phóng |
Từng đạt giải Nhất môn Ngữ văn trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, Võ Ngọc Huyền My hiện là sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Đối với cô nữ sinh trường báo, dù khoảng thời gian sinh sống và học tập tại Thủ đô chưa quá dài nhưng Hà Nội trong My vô cùng đặc biệt.
Các bạn trẻ thăm quan Bảo tàng Mỹ thuật |
“Trước đây, qua các tác phẩm văn học, mình thấy Hà Nội đẹp và thơ vô cùng. Văn học không chỉ là nguồn cảm hứng mà còn là cầu nối giúp mình hiểu hơn về lịch sử hào hùng, về vẻ đẹp cổ kính của Thủ đô. Những tác phẩm như Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi của Nguyễn Tuân hay Hà Nội 36 phố phường của Thạch Lam đã làm sống lại ký ức và truyền cho mình tình yêu đặc biệt với Hà Nội. Ngày Giải phóng Thủ đô không chỉ là một cột mốc lịch sử quan trọng mà còn là lời nhắc nhở về sự hy sinh và kiên cường của cha ông”
Với Võ Ngọc Huyền My - sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hà Nội rất đẹp và thơ |
Là một người trẻ, My cảm thấy rất vui và tự hào khi thấy Hà Nội hân hoan kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô. Không khí ngày lễ kỷ niệm tràn ngập khắp nơi, từ những băng rôn được treo khắp phố, hoạt động văn hóa sôi nổi đến các triển lãm lịch sử. “Những hoạt động này đã giúp mình thấy rõ giá trị của lịch sử, về sự hi sinh của thế hệ đi trước. Mình mong những ký ức, bức tranh về một thời chiến đấu,... sẽ khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm của thế hệ trẻ”, My bày tỏ.
Trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Phạm Mai Linh - sinh viên Học viện Ngân hàng đã ghé thăm triển lãm tranh với chủ đề “Hà Nội trong tôi”. “Triển lãm bao gồm 50 tác phẩm được vẽ bằng màu nước, khắc họa từ những hình ảnh sinh hoạt đời thường quen thuộc, phố phường Hà Nội đến vẻ đẹp thiên nhiên của Thủ đô đã cho mình rất nhiều cảm xúc.
Mình không chỉ hiểu hơn về giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc mà còn thấy vô cùng may mắn khi giờ đây được sống trong hòa bình, thụ hưởng những thành quả mà cha ông đã dày công vun đắp”, Linh chia sẻ.
Triển lãm tranh chủ đề “Hà Nội trong tôi”... |
Với Lê Huy Đức - sinh viên Đại học Thăng Long, ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954 là một mốc son trong lịch sử xây dựng và phát triển của Thủ đô và đất nước, đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa to lớn, mở ra thời kỳ phát triển mới, nhân dân lao động được làm chủ vận mệnh của mình.
Lê Huy Đức - sinh viên Đại học Thăng Long |
Từ một thành phố đã chịu nhiều tổn thương từ chiến tranh, giờ đây sau 70 năm Hà Nội đang chuyển mình vươn lên mạnh mẽ để xứng đáng là trái tim của cả nước; trung tâm về kinh tế, văn hoá, giáo dục và khoa học có vị trí hàng đầu của cả nước. Chính quyền và người dân Hà Nội đang ra sức xây dựng Thủ đô hoà bình, Thủ đô "ngàn năm văn hiến". Điều này được lớp lớp thanh niên Thủ đô cảm nhận rõ nét.
Đức bày tỏ: “Mình cảm thấy tự hào khi biết rằng Hà Nội đã trải qua nhiều khó khăn nhưng vẫn đứng vững, phát triển mạnh mẽ suốt 70 năm qua. Đây không chỉ là dịp để nhìn lại quá khứ, mà còn là động lực để chúng mình cố gắng hơn. Biết ơn những năm tháng mà ông cha ta đã hy sinh để giành được độc lập không nhất thiết phải thể hiện qua những trang sách, con chữ mà đơn giản là chúng ta hòa mình, quan tâm đến các sự kiện, hoạt động trong những dịp lễ quan trọng của đất nước”.