Cách thức tuyên truyền là "chìa khóa" đưa văn hóa Thủ đô cất cánh
Bản sắc văn hóa Thủ đô với "Hà Nội vươn mình bứt phá” |
Không gian thiết kế trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội |
Thúc đẩy phát triển văn hoá Hà Nội bền vững
Được cha, ông trao truyền những di sản văn hóa đồ sộ, quý giá đã gạn lọc qua hàng nghìn năm. Khát vọng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô hiện nay chính là phát huy các giá trị và nguồn lực văn hoá để xây dựng một Thủ đô "văn hiến - văn minh - hiện đại". Khát vọng đó chỉ có thể hiện thực hóa khi có sự đồng tâm, đồng sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị đi liền với những giải pháp đồng bộ, hiệu quả.
Thực hiện chủ trương của Ðảng về phát triển công nghiệp văn hóa, cụ thể hóa Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ lần thứ 17 nhiệm kỳ 2020-2025, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045”.
Thành phố Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước ban hành Nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hóa nhằm thúc đẩy phát triển văn hoá, con người Hà Nội theo hướng bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
UBND thành phố đã ban hành các Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, trong đó tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền đến các cấp, các ngành, các cơ sở, đơn vị, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức sâu sắc về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; giữ vững và phát triển thương hiệu Thủ đô ngàn năm văn hiến, “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”.
Đặc biệt, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông: báo chí, hệ thống thông tin cơ sở, cổng thông tin điện tử, mạng xã hội, trang thông tin điện tử tổng hợp… về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô.
Thông tin, tuyên truyền là “mũi nhọn”
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác thông tin tuyên truyền trong việc “đi trước, đón đầu” các xu thế văn hóa của thời đại, các cơ quan báo chí Trung ương, thành phố và hệ thống thông tin cơ sở đã tích cực triển khai nhiều tuyến tin, bài tuyên truyền việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW và Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy. Các cơ quan báo chí chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền với nội dung phong phú, đa dạng gồm nhiều thể loại (tin, bài, ảnh, phóng sự, Infographic, Longform, Megastory, Video clip…) với nhiều loại hình (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử).
Hệ thống thông tin, tuyên truyền của thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, lan tỏa thông tin về các nhiệm vụ phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của thành phố trên trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội.
Từ năm 2020 đến nay, đã thực hiện lan tỏa 30.937 lượt bài viết trên các trang thông tin điện tử tổng hợp, gửi 8.587 tin, bài trên tài khoản Sở Thông tin và Truyền thông trên mạng xã hội Zalo đến hơn 1,3 tỷ lượt người sử dụng; gửi 8.212 bài viết trên mạng xã hội Lotus tuyên truyền về chủ trương, chính sách của thành phố.
Trong đó có nhiều tin, bài tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách phát luật của Nhà nước và các văn bản chỉ đạo, điều hành của thành phố về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và Thủ đô...
Văn hóa kinh kỳ tiếp tục được bảo tồn và phát huy |
Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương phối hợp và hệ thống thông tin cơ sở bám sát hơn nữa yêu cầu nhiệm vụ chính trị, trọng tâm công tác của Đảng, Nhà nước, thành phố để tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm các chủ trương, chính sách Đảng, Nhà nước và Thành phố về phát triển công nghiệp văn hóa.
Trong bối cảnh chuyển đổi số báo chí diễn ra mạnh mẽ, với xu thế phát triển của báo chí hiện đại. Bên cạnh tin, bài truyền thống, các cơ quan báo chí Hà Nội cần tiếp tục nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ, phóng viên; đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, đa dạng hóa hình thức thể hiện nhằm đáp ứng nhu cầu độc giả, nâng cao toàn diện hiệu quả công tác tuyên truyền trong tình hình mới.
Hệ thống chính trị từ thành phố tới cơ sở, cần đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương thức truyền thông mới, phát huy thế mạnh của hệ thống thông tin điện tử, mạng xã hội góp phần tạo sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân trong thực hiện chủ trương, chính sách của thành phố; đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô.
Các cơ quan chủ trì tổ chức các hoạt động, sự kiện về văn hóa, công nghiệp văn hóa cần tăng cường phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông để xây dựng kế hoạch tuyên truyền, chủ động cung cấp thông tin về các hoạt động, sự kiện, các sản phẩm và dịch vụ văn hóa chất lượng, đặc sắc của Hà Nội. Các hoạt động, sự kiện văn hóa cần được tổ chức thường xuyên, phong phú, đa dạng về thể loại (lễ hội, triển lãm, các cuộc thi, hội thảo, tọa đàm…) để có thể thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng và báo chí, truyền thông.