Ai Cập và FAO phát động sáng kiến chuyển đổi bền vững nông nghiệp
Trong khuôn khổ COP27, Ai Cập và Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) đã khởi động sáng kiến Chuyển đổi bền vững các hệ thống nông nghiệp và lương thực (FAST) tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đang diễn ra ở thành phố Sharm El-Sheikh của Ai Cập.
Trong khuôn khổ COP27, Ai Cập và FAO đã khởi động sáng kiến chuyển đổi bền vững các hệ thống nông nghiệp và lương thực (FAST) |
Sáng kiến mới này hướng tới mục tiêu tăng cường đóng góp tài chính khí hậu cho các hệ thống nông nghiệp và lương thực nhằm hỗ trợ các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu.
Ai Cập, nước chủ nhà đồng thời là nước Chủ tịch COP27, cho biết sáng kiến FAST sẽ giúp củng cố và nâng cấp các hệ thống lương thực và nông nghiệp nhằm mang lại nhiều lợi ích cho con người, hành động khí hậu và thiên nhiên.
Sáng kiến sẽ được hỗ trợ bởi các quốc gia thông qua quan hệ đối tác nhiều bên nhằm đảm bảo hệ thống lương thực được củng cố thông qua các chính sách khí hậu.
Điều này sẽ góp phần quan trọng vào các hành động cụ thể để hỗ trợ thích ứng và duy trì lộ trình đạt mục tiêu nhiệt độ Trái đất tăng 1,5 độ C đối với an ninh lương thực và kinh tế.
Ngoại trưởng Ai Cập đồng thời là Chủ tịch COP27, ông Sameh Shoukry, nhấn mạnh: "Biến đổi khí hậu đang tác động bất cân xứng đến những cộng đồng dễ bị tổn thương trên khắp thế giới. Để giải quyết sự mất cân bằng này, chúng ta cần phải phát triển các hệ thống nông nghiệp và lương thực bền vững và đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của các nước đang phát triển nhập khẩu lương thực."
Phát biểu tại lễ ra mắt FAST, ông Shoukry nói rằng thông qua sáng kiến này, thế giới sẽ huy động để khơi thông các dòng tài chính nhằm tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và thực hiện chuyển đổi cần thiết trong các hệ thống nông sản.
Trong khi đó, Phó Tổng giám đốc FAO Maria Helena Semedo nhấn mạnh sự cần thiết phải có các hành động chuyển đổi mạnh mẽ để thúc đẩy chuyển đổi các hệ thống nông nghiệp và lương thực, hỗ trợ các quốc gia và đảm bảo các nhà sản xuất lương thực trong toàn bộ chuỗi giá trị có thể tiếp cận các nguồn lực.
Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) Simon Stiell nói: "Chúng ta cần phải tiến hành đại tu toàn diện các hệ thống lương thực. Chỉ có một cách để đạt được điều này, đó thực hiện nó."
Ai Cập cho biết thêm các ưu tiên hành động của sáng kiến FAST bao gồm khả năng tiếp cận tài chính bằng cách nâng cao năng lực của các quốc gia để xác định và tăng cường khả năng tiếp cận vốn đầu tư và tài chính khí hậu; nâng cao kiến thức và năng lực bằng cách cung cấp các phân tích cần thiết; và xây dựng các hướng dẫn tự nguyện cũng như hỗ trợ phát triển năng lực, hỗ trợ chính sách và đối thoại.
Ước tính, lĩnh vực nông nghiệp và sử dụng đất đã tiếp nhận 122 tỷ USD hỗ trợ tài chính trong giai đoạn 2008-2018, chiếm 26% nguồn tài chính khí hậu toàn cầu dành cho tất cả các lĩnh vực.
Hội nghị COP27 (Ảnh: Reuters) |
Cũng tại COP27, sáng kiến "Cuộc sống tốt đẹp tại châu Phi" đã được công bố trong phiên họp với chủ đề "Ngày nông nghiệp và thích ứng".
Sáng kiến được đưa ra với sự chứng kiến của nhà vận động chống biến đổi khí hậu của LHQ tại Ai Cập Mahmoud Mohieldin; Bộ trưởng Kế hoạch và Phát triển kinh tế Ai Cập, Tiến sĩ Hala Al-Saeed; Bộ trưởng Phát triển địa phương Hisham Amna; Giám đốc điều hành Văn phòng LHQ về chống ma túy và tội phạm Ghada Waly cùng một số bộ trưởng các nước Châu Phi, cựu Tổng thống Colombia và đại diện các đối tác quốc tế.
Trong bài phát biểu của mình, Tiến sĩ Mohieldin cho rằng COP27 là hội nghị của việc thực hiện các cam kết và quan hệ đối tác, đồng thời khẳng định rằng việc khởi động sáng kiến "Cuộc sống tốt đẹp tại Châu Phi" là nỗ lực của Ai Cập thông qua việc tổ chức COP27 nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân thuộc lục địa này bằng cách thúc đẩy các dự án xanh và phát triển bền vững.
Ông Mohieldin cũng giải thích tầm quan trọng của việc nâng cao phẩm giá con người trong khuôn khổ phát triển bền vững, đồng thời ca ngợi nỗ lực của Ai Cập trong việc thu hút các khoản đầu tư vượt qua biên giới đất nước này hướng tới các thị trấn và tiểu vùng ở Châu Phi.
Ở cấp độ quốc tế, ông đánh giá cao những nỗ lực của Đức và Mỹ trong việc hỗ trợ thích ứng với biến đổi khí hậu ở Châu Phi, cụ thể là việc thành lập một trung tâm học tập về thích ứng và khả năng phục hồi tại Cairo, bên cạnh việc hỗ trợ sáng kiến về thích ứng ở Châu Phi.
Ông đề cập đến việc ban hành một báo cáo bao gồm tất cả các chủ đề liên quan về khả năng chống chịu khi đối phó với biến đổi khí hậu, cơ sở hạ tầng, lương thực, đại dương và tài chính, và làm thế nào để tăng cường sự tham gia của các đối tác quốc tế trong việc địa phương hóa phát triển bằng cách tham gia vào các dự án xanh thông minh.