AI và thực tế ảo: Cuộc cách mạng trong phương pháp học tiếng Đức
Tại hội thảo khoa học quốc tế "Giảng dạy và nghiên cứu ngôn ngữ - văn hóa Đức ở khu vực Đông Nam Á: Truyền thống và Đổi mới", diễn ra từ ngày 4 - 6/10 tại Hà Nội do Trường Đại học Hà Nội phối hợp với chi hội giáo viên tiếng Đức Việt Nam (VDLV) tổ chức, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi những kinh nghiệm và xu hướng mới nhất trong việc giảng dạy và nghiên cứu ngôn ngữ Đức.
Theo đại diện đến từ Đại sứ quán Áo, hiện có hơn 100 triệu người châu Âu ở các quốc gia như Bỉ, Đức, Ý (vùng Nam Tyrol), Liechtenstein, Luxembourg, Áo và Thụy Sĩ sử dụng tiếng Đức.
TS Lương Ngọc Minh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội phát biểu tại hội thảo |
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ trong thời đại 4.0, sự ra đời của ChatGPT tạo nên cuộc cách mạng trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là trong việc giảng dạy ngoại ngữ như tiếng Đức.
Công nghệ và những tiến bộ kỹ thuật số mở ra những lĩnh vực nghiên cứu mới, đồng thời đặt ra những thách thức hoàn toàn mới trong việc điều chỉnh phương pháp giảng dạy để phù hợp với công nghệ mới nhưng không bỏ qua những khía cạnh tích cực của phương pháp giảng dạy truyền thống.
"Giới trẻ ngày nay thường sử dụng nhiều các ký hiệu viết tắt và biểu tượng cảm xúc (emoji). Điều này đặt ra thách thức phải tích hợp vào chương trình giảng dạy, để ngôn ngữ vẫn giữ vai trò là cầu nối với cuộc sống, với các trải nghiệm văn hóa và khoa học", đại diện này cho biết.
Tại Việt Nam, sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ thực tế ảo hứa hẹn sẽ mang đến một cuộc cách mạng trong phương pháp học tiếng Đức |
Ông Jörg Drenkelfort, đại diện Ủy ban Giáo dục phổ thông Đức ở nước ngoài tại Việt Nam, cũng cho hay trong bối cảnh thế giới ngày càng toàn cầu hóa, việc thành thạo nhiều ngôn ngữ là một lợi thế vô giá.
"Tiếng Đức, với vai trò là một trong những ngôn ngữ quan trọng trong các lĩnh vực khoa học, kinh tế và văn hóa, mở ra nhiều chân trời mới và vô vàn cơ hội. Do đó, hội thảo này là cơ hội tuyệt vời để chia sẻ, học hỏi lẫn nhau, cùng phát triển những ý tưởng mới nhằm làm cho việc dạy và học tiếng Đức trở nên hấp dẫn và hiệu quả hơn nữa", ông Jörg Drenkelfort nói.
Các đại biểu tham dự hội thảo |
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Lương Ngọc Minh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội nhấn mạnh: Những năm gần đây, nhu cầu học tiếng Đức tại Việt Nam và khu vực gia tăng đáng kể. Với tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng, Việt Nam đang trở thành một đối tác quan trọng của Đức và các quốc gia nói tiếng Đức. Việc học tiếng Đức không chỉ mở ra cơ hội hợp tác kinh tế mà còn góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia.
"Với việc mở cửa kinh tế và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nhu cầu về học ngoại ngữ ngày càng tăng cao. Trong đó, tiếng Đức được xem là một trong những ngôn ngữ quan trọng và có tính toàn cầu cao, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế và thương mại.
Hội thảo thu hút đông đảo đại biểu tham dự |
Từ những nhu cầu đó, đã và đang tạo ra những cơ hội thuận lợi cho việc mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng trong việc giảng dạy và nghiên cứu tiếng Đức, đồng thời đặt ra những yêu cầu mới trong việc đào tạo đội ngũ giáo viên tiếng Đức có trình độ tốt, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động", TS Minh nói.
Tại Việt Nam, tiếng Đức vẫn được nhiều người yêu thích. Song, sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội cũng đặt ra nhiều thách thức mới cho việc duy trì sự đa dạng ngôn ngữ. Để đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao, trí tuệ nhân tạo đang được ứng dụng rộng rãi trong việc cá nhân hóa quá trình học tiếng Đức, từ việc tạo ra các bài học tương tác đến việc cung cấp những công cụ hỗ trợ học tập thông minh. Nhờ đó, người học có thể tiếp cận tiếng Đức một cách hiệu quả và linh hoạt hơn.