Ấm áp như người Hà Nội...
Lan tỏa tình hữu nghị, yêu chuộng hòa bình của người Hà Nội Bản lĩnh, nghĩa tình, người Hà Nội vững vàng vượt bão Người Hà Nội hướng về tâm lũ |
Trong niềm xót xa chung
Cơn bão lịch sử Yagi càn quét qua Hà Nội đã để lại hậu quả rất lớn. Chưa kịp định thần sau những trận mưa gió cuồng phong, người Hà Nội lại phải đối mặt với lũ lụt chưa từng có bởi ảnh hưởng của bão gây ra.
Mưa vẫn xối xả như trút xuống phố phường, làng mạc. Nước dâng lên mênh mông khiến cho cuộc sống của người dân bị đảo lộn, tài sản bị mất hoặc hư hại, đặc biệt là tính mạng bị đe dọa.
Người dân cùng nhau di chuyển tài sản, vật nuôi tránh ngập |
Đứng trước trận hồng thủy nhiều chục năm mới lặp lại như vậy, người Hà Nội đã chung sức chung lòng, hỗ trợ nhau vô cùng nhiệt tình và vô tư để ai nấy đều đảm bảo được sức khỏe và tài sản bớt bị hư hao.
Những ngày qua, có rất nhiều câu chuyện về việc người Hà Nội nương tựa lẫn nhau để vượt qua thiên tai khiến chúng ta nghe thấy đều bất giác mỉm cười. Đó là việc mọi người xúm lại cùng hỗ trợ những chiếc xe máy và người dân đang chật vật ngã đổ trước gió bão kinh hoàng. Đó là việc hàng loạt chiếc xe ô tô tự giác che chắn cho xe máy khi qua cầu hay tại những nơi gió lớn.
Đó còn là việc trước những tài sản quá lớn của người dân bị ảnh hưởng do bão lũ, người Hà Nội không tranh thủ kiếm lợi mà hết sức hết lòng cùng chủ nhà lùa bắt di chuyển gia súc gia cầm, kê cao các tủ, kệ đựng hàng hay trợ giúp bằng mọi cách để hàng hóa và các tài sản có giá trị được bảo toàn.
Sân nhà bà Xuân thành nơi gìn giữ tài sản cho người dân vùng lũ |
Hay như việc gia đình gia bà Nguyễn Thị Xuân (64 tuổi) ở thôn Tiến Tiên (Nam Phương Tiến, Chương Mỹ, Hà Nội) cho người dân quanh vùng gửi mấy trăm chiếc xe máy trong sân nhà mình để tránh lụt. Đó là việc anh Nguyễn Văn Thái (xã Việt Long, Sóc Sơn, Hà Nội) dậy từ sáng sớm, ra xóm ở ngoài đê Lương Phúc, bị ngập để hỗ trợ người dân di dời lợn, gà, thóc lúa lên cao.
Cả việc những người dân tình nguyện dùng mặt bằng sân, bãi nhà mình để làm chỗ tập kết đồ điện tử, những mặt hàng ngập nước là hư hại hoàn toàn, thiệt hại vô cùng lớn, giúp đồng bào vơi bớt nỗi lo lắng, tập trung chống lụt.
Trong niềm xót xa chung do tác động ghê gớm của bão lũ, ngập lụt, những tình cảm ấm áp này rất thiết thực, cụ thể, mang lại hiệu quả cao trong việc bảo toàn được sản nghiệp cả đời của bạn bè, người thân cũng như đồng bào của mình.
Tất cả là người nhà
Nước dâng đến đâu người dân cùng với sự hỗ trợ của chính quyền di dời đến đó để đảm bảo an toàn. Lụt lội diễn ra trên diện rộng, không phải ai cũng có người thân, bạn bè đủ điều kiện để cưu mang, giúp đỡ. Bởi lẽ, có khi chính người thân của họ cũng đang phải chạy lụt.
Bên cạnh nỗ lực của chính quyền di dời người dân đến nhà văn hóa, trường học, các địa điểm công cộng để tránh ngập thì chính những người dân Hà Nội cũng tự giác hỗ trợ nhau. Từ khi bão Yagi chuẩn bị đổ bộ, vì được cảnh báo sức gió và sức tàn phá khủng khiếp của nó, nhiều người có phòng hoặc nhà, căn hộ không sử dụng đến đã phát tâm đăng tin cho người không may bị tốc mái, người vô gia cư đến ở nhờ.
Những đồ dùng thiết yếu được mọi người gửi đến cùng gia đình chị Phương Anh cưu mang người đến ở tránh bão |
Tấm lòng vàng này được nhiều người lan truyền trên mạng xã hội và ngay lập tức đã tạo nên phong trào khiến danh sách này nối dài thêm mãi cho đến những ngày nhiều nơi tại Hà Nội bị ngập lụt như bây giờ.
Điển hình có thể kể đến việc không chỉ dùng nhà riêng giúp đỡ người cần tránh siêu bão Yagi, vợ chồng chị Phương Anh ở Thanh Xuân, Hà Nội còn sẵn sàng bỏ tiền thuê taxi cho mọi người đến trú tại nhà mình.
Nhờ những tấm lòng hảo tâm này mà nhiều người không may có được mái ấm thực sự trong những ngày lũ lụt buộc phải rời khỏi nhà mình.
Bình thường không phải ai cũng thích có người khác, thậm chí là người lạ đến ở trong nhà mình. Cuộc sống bị đảo lộn, mọi thứ đều ảnh hưởng, bất tiện và cả những điều không mong muốn có thể xảy đến.
Bữa cơm ấm áp như tình thân gia đình |
Vậy mà, không chút nghi ngại, không cảm thấy phiền hà, họ đón nhau như người thân, cùng ngồi ăn mâm cơm, kể cho nhau nghe hoàn cảnh của mình và chắc chắn rằng đây là những kỉ niệm không thể nào quên trong đời.
Trong thiên tai người Hà Nội xích lại gần nhau, dù quen dù lạ cũng đều là người nhà, cùng dệt nên tình thân ái ấm áp trong mưa lũ. Để rồi, khi nước rút đi, trở về cuộc sống bình thường chúng ta có thêm những người thân, những người đã chung tay san sẻ và cùng chúng ta vượt qua khó khăn, hoạn nạn.
Tất cả những điều này đã viết nên bài ca đẹp về văn hóa người Hà Nội, lối ứng xử đầy văn minh, thân thiện, biết san sẻ yêu thương, "tối lửa tắt đèn có nhau" của những người cùng sống chung trong thành phố có bề dày ngàn năm văn hiến.