Bản lĩnh, nghĩa tình, người Hà Nội vững vàng vượt bão
Dư luận đánh giá cao sự chủ động, quyết liệt trong phòng chống bão Nhanh chóng ứng phó, xử lý ảnh hưởng do bão số 3 gây ra Trường học Hà Nội thành điểm tránh bão an toàn cho người dân |
Vững tinh thần để vượt qua bão tố
Cơn bão số 3 với sức mạnh khủng khiếp gây ảnh hưởng lớn cho Hà Nội nhưng chúng ta rất chủ động ứng phó. Có được điều này là bởi ngay từ đầu, các cấp chính quyền của Thủ đô đã vô cùng quyết liệt, khẩn trương trong việc phòng, chống bão.
Các thông tin về cơn bão được cập nhật kịp thời, nhanh chóng đến cho người dân. Lãnh đạo thành phố cũng chỉ đạo sát sao và có những quyết sách vô cùng hợp lý để cùng người dân giảm thiểu thiệt hại nhất có thể. Chính bởi vậy, chúng ta có thời gian chuẩn bị mọi phương án sẵn sàng ứng phó khi bão về.
Ngay từ chiều 6/9, trước khi cơn dông đầu tiên ập đến, ngành Giáo dục đã quyết định cho học sinh nghỉ học từ ngày 7/9. Trong khi đó, ngay sau cơn dông, tùy theo tình hình tại địa điểm mà học sinh được tan học sớm, đảm bảo an toàn.
Lực lượng công an triển khai phương án dọn cây xanh gãy đổ ảnh hưởng giao thông |
Trong khi đó, thời điểm bão đổ bộ cũng là dịp cuối tuần nên cũng có phần thuận lợi cho người dân trong việc hạn chế các hoạt động ngoài khuôn khổ ngôi nhà của mình. Chính điều này đã giúp các gia đình chủ động được việc tránh trú trong nhà, không còn lo lắng về việc đưa đón con hay di chuyển ngoài đường khi bão đổ bộ.
Việc công nghệ thông tin phát triển đã giúp cho người dân cập nhật được nhanh chóng tình hình mưa bão cũng như chỉ đạo về phòng, chống bão của lãnh đạo thành phố. Các bản tin liên tục được cập nhật cho thấy sự mẫn cán, hết lòng với nhiệm vụ của các cấp chính quyền thành phố.
Tại các điểm có sự cố do mưa bão gây ra, lực lượng chức năng ứng trực giải quyết nhanh chóng khiến người dân càng vững tâm. Trong nhóm Zalo của các tổ dân phố, số điện thoại đường dây nóng túc trực giải quyết sự cố do bão được cung cấp để người dân có thể liên lạc nhờ hỗ trợ bất cứ lúc nào.
"Bình tĩnh, chủ động, có thời gian để sắp xếp mọi thứ nhằm tránh bão", chị Mai Thương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết. Còn chị Hoàng Anh (Thanh Xuân, Hà Nội) thì tự tin: "Suốt mấy năm qua Hà Nội trải qua nhiều sự kiện như dịch bệnh, thiên tai, lũ lụt... rồi nên chúng tôi không còn cảm thấy lúng túng trước những điều bất thường nữa".
Quả thực như vậy, tuy ở vùng đồng bằng sông Hồng nhưng với vị trí địa lý và vai trò đặc biệt của mình, trong suốt chiều dài lịch sử, Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội trải qua rất nhiều biến động. Chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai... đã tôi luyện cho người Kinh đô xưa và Thủ đô nay có bản lĩnh vững vàng, bình tĩnh để xử lý mọi tình huống.
Cơn bão Yagi cũng là một trong những thử thách để chúng ta chứng tỏ độ thích ứng và phẩm chất ngày càng tuyệt vời của mình.
Lấy nhân tâm để khắc phục thiên tai
Trong những ngày này, người Hà Nội tiếp tục phát huy tinh thần tương thân tương ái, hỗ trợ nhau để cùng vượt qua cơn thịnh nộ của mẹ thiên nhiên.
Người dân tránh bão ở trường Tiểu học Chương Dương, quận Hoàn Kiếm |
Chiều 6/9, vừa dứt cơn mưa dông, chị Vân Chi (Hoàng Mai, Hà Nội) vội len lỏi trong đám tắc đường để về đón con. Đường vừa tắc vừa nhiều chỗ ngập cục bộ, chị Vân Chi đang lo lắng thì nhận được điện thoại của con báo là đã được mẹ của bạn cùng lớp đưa về nhà an toàn. "Thực sự cảm động và bớt lo lắng đi rất nhiều, không còn phải vội vàng cố chen về thật nhanh nữa", chị Chi kể.
Trước khi bão càn quét qua, trên mạng xã hội nhiều người đăng tin nhà có phòng trống kèm số điện thoại để người vô gia cư, những ai không may bị tốc mái nhà có thể đến ở nhờ. Hành động này được lan tỏa để rất nhiều người cùng thể hiện trách nhiệm và tình thân ái với cộng đồng trong lúc thiên tai dữ dội.
Trong ngày 7 và 8/9, khi bão đổ bộ vào Hà Nội, nhiều gia đình bị mất điện và không có nước sinh hoạt nhưng nhanh chóng được hàng xóm hỗ trợ. Chị Lê Mai (Long Biên, Hà Nội) kể mình chạy sang xóm bên cạnh tranh thủ sạc pin điện thoại và nấu nhờ bếp gas nhà bạn. Bởi vậy mà dù mưa bão chị vẫn không mất liên lạc với ai và gia đình vẫn được đảm bảo bữa ăn đủ dinh dưỡng.
Trường Tiểu học Tân Mai, quận Hoàng Mai thành điểm tránh bão an toàn cho người dân tập thể A7 Tân Mai |
Những ngày mưa bão, các gia đình ở yên trong nhà và đây là lúc mọi người quan tâm đến nhau nhiều hơn. Anh Như Phong (Mê Linh, Hà Nội) kể bố mẹ anh ở Vĩnh Phúc, nhà mấy cô em gái ở các quận, huyện khác nhau tại Thủ đô. Cả gia đình nhắn tin thường xuyên hỏi han nhau tình hình ứng phó mưa bão ra sao, có an toàn không, chia sẻ cho nhau những thông tin, bí quyết về gia cố nhà cửa, dán băng dính vào cửa kính... để tránh bị gió bão gây thiệt hại...
"Cứ như một cuộc họp gia đình online. Chưa bao giờ chúng tôi nói chuyện với nhau qua mạng xã hội nhiều thế, bởi tất cả đều lo lắng và mong người thân của mình được bình yên", anh Phong tâm sự.
Rồi cơn bão sẽ qua đi nhưng những ngày này sẽ khiến chúng ta nhớ mãi bởi trong thiên tai chúng ta đã tạo nên những kỉ niệm đẹp cùng nhau, cùng gắn kết để cùng vượt qua khó khăn. Mỗi dịp như vậy, người Hà Nội càng chứng tỏ được tinh thần, trách nhiệm và phẩm chất tốt đẹp của mình. Cũng chính bởi vậy, dù bất cứ biến cố nào xảy ra, chúng ta cũng đều dễ dàng vượt qua.