An toàn thực phẩm tại Hà Nội: Hễ kiểm tra là ra sai phạm
Liên tiếp phát hiện sai phạm
Những ngày cuối tháng tư vừa qua, cơ quan chức năng liên tục kiểm tra, phát hiện và xử lý hàng chục vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội. Phần lớn các cơ sở vi phạm đều là những hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, không trang bị đầy đủ dụng cụ, phương tiện sản xuất, điều kiện bảo quản không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc nguyên liệu đầu vào không rõ ràng, không đủ điều kiện sản xuất kinh doanh… Đáng nói, những cơ sở bị phát hiện sai phạm đều đã hoạt động từ lâu, chuyên sản xuất các loại thực phẩm thiết yếu như: Bún, miến, thực phẩm đóng hộp, các sản phẩm chế biến từ thịt gia xúc, gia cầm…
Mới đây, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội phối hợp cùng Đội 3 - Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an TP Hà Nội) tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc Cty TNHH thương mại Duy Anh Dũng (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội). Tại thời điểm kiểm tra, bốn nhân viên của Cty đang trực tiếp sơ chế lòng, mề gà trên sàn nhà, khu vực sơ chế không đảm bảo vệ sinh. Cty có kho lạnh nhưng việc bảo quản thực phẩm không đạt yêu cầu, ghi chép theo dõi nhiệt độ kho không đầy đủ. Nhiều sản phẩm không được gắn tem nhận diện. Sàn kho cũng chưa được vệ sinh thường xuyên.
Tại thời điểm kiểm tra, Cty chưa xuất trình được hồ sơ nguồn gốc của các sản phẩm đang bảo quản tại kho gồm: 130 kg ức gà đông lạnh, 240 kg da gà đông lạnh, 200 kg xương gà đông lạnh, 400 kg mỡ gà đông lạnh. Tổng khối lượng sản phẩm là 970 kg, với tổng giá trị 9.540.000 đồng.
Trước đó, Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành số 2 đã kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm tại huyện Quốc Oai. Tại cơ sở sản xuất miến dong Thảo Chính, địa chỉ ở làng So, xã Tân Hòa, Đoàn kiểm tra phát hiện giấy kiểm nghiệm nước của cơ sở đã hết hạn. Ngoài ra, cơ sở cũng không xuất trình được hồ sơ truy xuất nguồn gốc của nguyên liệu. Khu vực sơ chế và sản xuất không có vách ngăn, gần nhà vệ sinh, tiềm ần nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Cùng thời điểm, đoàn công tác tiếp tục kiểm tra cơ sở sản xuất bún tại làng Bùng, xã Phùng Xá (Thạch Thất, Hà Nội). Tại đây, cơ sở chưa xuất trình được bản tự công bố sản phẩm và nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu; bố trí khu vực sản xuất chưa hợp lý. Khu vực sản xuất và khu để bún thành phẩm gần nhà vệ sinh, không có hệ thống lưới che chắn côn trùng, dụng cụ đựng bún thành phẩm chưa đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Xử phạt hơn 1,1 tỷ đồng
Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các Sở, ban, ngành của thành phố tiến hành thanh tra, kiểm tra 248 tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm và lâm nghiệp; xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 1,1 tỷ đồng đối với 82 tổ chức, cá nhân, tịch thu tiêu hủy hàng chục tấn sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Nói về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các làng nghề hiện nay, ông Trần Mạnh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội cho biết: “Tình trạng mất an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, làng nghề hiện vẫn còn diễn biến phức tạp. Đây cũng là vấn đề trọng tâm được Trung ương, thành phố chỉ đạo thanh, kiểm tra trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2018. Theo đó, các địa phương cần tiếp tục làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, kết hợp hướng dẫn các hộ sản xuất kinh doanh thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm. Nâng cao trách nhiệm cán bộ các cấp về an toàn thực phẩm. Cùng với đó, khẩn trương tổ chức thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh, phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm theo quy định pháp luật”.
Cũng theo ông Giang, hiện nay các hành vi vi phạm hành chính và các mức phạt được quy định tại Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp tương đối đầy đủ, chế tài xử phạt rõ ràng, minh bạch, góp phần quan trọng giúp các cơ quan quản lý nhà nước duy trì và bảo đảm trật tự, kỷ cương. Tuy nhiên, để hạn chế tối đa các vi phạm cần tăng nặng mức phạt chính và bổ sung các hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy, đình chỉ hoạt động có thời hạn và thêm biện pháp khắc phục hậu quả như buộc tiêu hủy hàng hóa gây hại cho sức khỏe con người...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa công bố kết quả xếp hạng 63 tỉnh, thành về công tác quản lý an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Theo đó Thủ đô Hà Nội vẫn nằm trong nhóm “đạt yêu cầu” nhưng rớt từ vị trí 14 xuống 19/63 tỉnh thành về quản lý an toàn thực phẩm. Đây là lần thứ ba, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công bố bảng xếp hạng này. |