Bài 2: Đám cưới xa xỉ và những món nợ nhớ đời
Bài 1: “Số phận” của những bức ảnh cưới |
Phía sau những màn pháo bông rực rỡ...
Tâm lý đám cưới chỉ có một lần trong đời đã khiến nhiều người lao vào tổ chức hôn lễ xa xỉ, vượt quá khả năng để rồi những rắc rối liên tục ập đến...
Nhớ lại câu chuyện tổ chức đám cưới cách đây 5 năm về trước, vợ chồng trẻ Nguyễn Văn Tuấn và Trần Thu Minh (trú tại huyện Hoài Đức, Hà Nội) vẫn còn thấy hối hận.
“Hồi đó, chúng tôi nghĩ phải tổ chức đám cưới cho bằng bạn, bằng bè. Bỏ tiền ra tổ chức hôn lễ long trọng cũng chính là “mua” lấy sự kiêu hãnh cho cả gia đình. Mời rộng rãi, tổ chức cả ở quê và nhà hàng sang trọng trên Hà Nội, chúng tôi đã tốn gần 150 triệu đồng”, chị Minh tâm sự.
Ảnh minh họa |
“Các đồng nghiệp ở công ty tôi đều tổ chức tại những nơi hoành tráng. Hồi đó, tôi nghĩ nếu mình chọn một nơi quá sơ sài thì sẽ rất ngại với mọi người, vì có qua có lại mà”, anh Tuấn chia sẻ thêm.
Cũng bởi suy nghĩ ấy mà số tiền gần 150 triệu đồng vay để làm đám cưới tại nhà hàng, đến nay, anh chị vẫn chưa trả xong. Mọi chi phí cho sinh hoạt, con cái thì cứ tăng dần lên. Hai vợ chồng anh Tuấn làm quần quật cùng chỉ đủ ăn, đủ tiêu. Giấc mơ có một căn nhà ở trung tâm để đi làm cho tiện cũng từ đó mà khép lại.
Lúc đó, anh chị cứ nghĩ tổ chức xong sẽ có tiền mừng, đủ để trang trải những khoản này. Tuy nhiên, còn rất nhiều những chi phí khác phát sinh và gần như thanh toán xong, đôi vợ chồng trẻ cũng chẳng để ra được khoản nào ngoài món nợ ấy.
Giống như hoàn cảnh của vợ chồng anh Tuấn, chị Minh, gia đình bạn trẻ Thu Hoài (23 tuổi, trú tại quận Nam Từ Liêm) cũng lao đao vì “chót” tổ chức một đám cưới... như mơ.
Thu Hoài chia sẻ: “Lấy chồng khi còn trẻ, không muốn chịu thiệt thòi nên chúng tôi cũng gắng hết sức tổ chức một đám cưới tươm tất”.
Nói là tươm tất nhưng cũng rất hoành tráng vì Thu Hoài kể lại, riêng chiếc váy cưới mà cô đặt may giá đã 20 triệu đồng, giờ nằm im trong góc tủ chẳng bao giờ động tới. Nhiều lần kẹt tiền định rao bán nhưng người ta chỉ trả có vài triệu đồng nên Hoài lại thôi.
Vốn liếng làm ăn của hai vợ chồng trẻ đều lấy ra để làm đám cưới xa xỉ. Hoài tâm sự, nhiều lần cãi nhau, chồng lại lôi chuyện hồi tổ chức đám cưới “màu mè” ra để lấn át tôi. Không có vốn liếng, không có công ăn việc làm ổn định, lại mang bầu nên chuyện cãi nhau giữa Hoài và chồng ngày một nhiều hơn.
Thế mới biết, đằng sau những màn pháo hoa rực rỡ, hoa tươi cao cấp, cỗ bàn hoành tráng tại các buổi tiệc là những ngày tháng còng lưng trả nợ, vất vả trong cuộc sống của nhiều cặp vợ chồng trẻ ưa hình thức.
Hạnh phúc không từ tiệc cưới lộng lẫy
Những phụ kiện ngày cưới đắt đỏ, lãng phí (Ảnh minh họa) |
Trước vấn đề này, nhiều người trẻ cho rằng hạnh phúc trong hôn nhân không nằm ở hình thức của bữa tiệc cưới. Cuộc sống sau này của cặp vợ chồng đó có hạnh phúc hay không mới là quan trọng. Họ đối xử với nhau ra sao, tôn trọng khách mời như thế nào mới là điều đáng được quan tâm.
Chị Quỳnh Như (nhân viên văn phòng tại quận Hoàn Kiếm) nói: “Khi đi dự đám cưới, dù cỗ bàn có ngon đến đâu, nhiều sơn hào hải vị như thế nào thì khách mời cũng khó có thể cảm nhận và ăn hết. Vì trong tiệc cưới, thực khách còn vui vẻ trò chuyện và để tâm hướng về cô dâu chú rể Hầu như những món đồ đó được nhà hàng thu lại, đổ đi. Thật quá lãng phí!”.
Đồng tình với quan điểm trên, bạn trẻ Thu Trang (trú tại quận Hai Bà Trưng) còn cho rằng: “Mỗi lần đi đám cưới, thấy nhà nào tổ chức hoành tráng, tôi lại áy náy, phải bỏ thêm tiền mừng vào phong bì. Tình huống ấy khiến tôi khó xử!”.
Hạnh phúc của mỗi cặp vợ chồng không phụ thuộc vào việc họ tổ chức đám cưới với hình thức ra sao. Ngược lại, chính việc tổ chức tốn kém sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc sống hôn nhân sau này. Việc tổ chức sao cho hợp lý, văn minh, không lãng phí cần được các cặp đôi cân nhắc kỹ càng. Đám cưới không phải là đích đến của hạnh phúc, nó là lúc bắt đầu một hành trình cần người ta vững vàng chèo lái...
(Còn nữa)