Bài 2: Khi lối ứng xử kém duyên bị "trẻ hóa"...
Bài 1: Giữ gìn lời ăn tiếng nói chốn công cộng TTTĐ - Mang trên mình truyền thống và trọng trách giữ gìn bản sắc thanh lịch, văn minh, người trẻ làm thế nào để giao ... |
Từ "sốc" tới lo lắng
Cuối tuần, trong một rạp chiếu phim tại Hà Nội, theo lẽ thường tình sẽ chỉ có âm thanh từ của diễn viên, kỹ xảo, tiếng động của bộ phim nhưng hôm ấy cả phòng chiếu "được khuyến mại" thêm tiếng cười nói và liên tục bình luận theo từng tình tiết của phim rất vô tư của một đôi nam nữ.
Chàng trai thể hiện mình bằng cách nói to vào tai người yêu: "Đ..., anh biết ngay mà, thể nào thằng A (nhân vật trong phim) cũng trở mặt”. Cô gái thì hưởng ứng nhiệt tình: "Phim dạng này thường thế mà. Ngay từ đầu em cũng đoán được rồi nhưng không ngờ trở mặt nhanh vãi lúa".
Người bên cạnh thể hiện thái độ bằng cách quay sang nhìn nhưng cô cậu vẫn chẳng chịu dừng lại. Chưa kể, họ còn bón bỏng ngô cho nhau, cắn vào tay nhau và bày tỏ những hành động yêu đương xong cười rinh rích khiến ai nấy đều khó chịu.
Dù không phải khó tính nhưng sẽ có những lúc chúng ta phải nhăn mặt, bực mình vì những tình huống bất đắc dĩ gặp phải trong cuộc sống thường ngày, ở bất cứ đâu tại Hà Nội.
Giờ nghỉ trưa, chị Hoàng Anh (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) hẹn đối tác tại một quán cà phê để bàn công việc. Hai người vừa gọi xong đồ uống, bắt đầu trao đổi thì một nhóm tầm 7 - 8 bạn sinh viên ăn mặc rất sành điệu ồn ào kéo vào.
Chú ý lời nói chốn công cộng sẽ giúp hình ảnh của chúng ta đẹp hơn đồng thời tạo nên môi trường văn hóa cho xã hội (Ảnh minh họa) |
Họ đi hết góc này đến góc nọ chọn chỗ ngồi đẹp, kéo thêm ghế, lấy thêm bàn sát vào chỗ chị và bạn ngồi, vừa làm vừa nói như hét, chốc chốc lại có tiếng cười phá lên. Sau đó là "màn" xi xao gọi đồ uống, chọn lựa rất lâu, gọi xong lại đổi, đổi xong lại quay về món cũ, ai nấy đều gân cổ lên nói to hết cỡ, nhân viên của quán phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần, tất cả tạo thành một đám đông vừa ồn ào vừa kì dị.
Với lực lượng áp đảo "trấn áp" bên cạnh như thế, chị Hoàng Anh và đối tác không thể trao đổi được công việc nữa, bỏ dở cốc nước rồi ra về.
Tương tự, tại một không gian nghệ thuật rất tinh tế từ cách bài trí đến các chi tiết nhỏ, vốn được mở ra dành cho những người yêu cái đẹp đến để thưởng thức, thư giãn hoặc làm những công việc liên quan đến sáng tạo, khi mọi người đang chăm chú chìm đắm vào thế giới riêng thì có hai cô gái chỉ tầm 15 - 16 tuổi bước vào.
Họ mặc hai bộ váy trắng xinh như thiên thần, trang điểm cầu kì từ tóc, phụ kiện cho đến khuôn mặt. Hai cô bé gọi nước nhưng không uống ngay mà ghé vào từng khu vực để chụp ảnh. Họ chụp rất lâu, kéo theo đó là việc liên tiếp chê bức này xấu, bức kia không được.
"Con này, mắt mày mắt chó giấy à mà nhìn tao lưng gù thế này cũng bấm bằng được", một cô càu nhàu. Cô kia phản bác: "Đ..., mày chụp khác đ... gì. Ngoài tao xinh thế này mà vào ảnh xấu vãi...". Đến lúc này, những người xung quanh không chịu được nữa. Một bác lớn tuổi đứng dậy khẽ nhắc: "Cháu ơi, giữ trật tự để mọi người còn làm việc nhé".
Hai cô gái lúc này mới buộc trở về bàn của họ ngồi nhưng với thái độ rất khó chịu. Họ ngấm nguýt người vừa nhắc mình. Một cô cố tình nói không hề kiềm chế: "Hãm. Làm việc thì về nhà mà làm. Chỗ đông người lại còn bày đặt". Cô còn lại ré lên tục tĩu: "Đ..., nước đ... gì mà chua như đấm vào mồm thế này? Lần sau mày đừng rủ tao đến chỗ hãm... này nữa nhé". Tất cả xung quanh chỉ biết nhìn hai cô trân trối, không thể hiểu được tại sao lời nói và khuôn mặt của họ lại có thể liên quan được với nhau.
Ứng xử chốn công cộng thể hiện tính cách và bản chất của mỗi người |
Chị Hiền Lương (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) kể một lần con gái chị đi tập thể dục ở công viên về là chui vào phòng, đóng chặt cửa. Hôm sau chị giục con nhất định không đi nữa, hỏi thì con không chịu nói.
Mãi đến khi chị thử ra công viên xem sao thì thấy mình là người lớn mà vẫn rất sượng sùng và bực mình khi chứng kiến một đám đông các cậu thanh niên choai choai túm tụm ngồi trên ghế đá bàn luận về ngoài hình của các bạn nữ đi qua bằng những từ ngữ phản cảm như “ngon", "con này, con kia", “vãi"...
Bên cạnh đó, kích thước, hình dáng các bộ phận nhạy cảm của những người phụ nữ trong trang phục tập thể dục đi qua họ cũng trở thành đề tài thảo luận rôm rả không hề kiêng dè.
"Những lời bình phẩm đó cũng là một hình thức tấn công tình dục, xúc phạm người khác", chị Lương bày tỏ nỗi lo ngại nếu những nam thanh niên này thường xuyên cư xử như thế ở chỗ đông người thì tác động xấu đến tâm lý của các bạn nữ mới lớn ra sao, biến nơi họ xuất hiện thành chỗ rất thiếu văn hóa và thiếu an toàn.
Bực thì ít, buồn thì nhiều
“Vào một buổi chiều tan làm, tôi từ cổng cơ quan đi bộ ra đường lớn, có cháu mặc áo đồng phục học sinh đi xe vượt đèn đỏ khiến tôi không kịp phản ứng, ngã xoài ra đường. Cậu ta không những không đỡ tôi ngồi dậy, mà còn "choảng" vào mặt tôi câu: "Mẹ thằng già, đi đứng thế nào thế? Thần kinh không ổn định thì đừng ra đường nữa" và vút xe đi. Điều đó còn khiến tôi bị sốc hơn việc mình bị ngã", anh Phan Long (ở quận Hà Đông, Hà Nội) kể về tình huống mà mình gặp phải.
"Choáng váng" vì bị những đứa trẻ đáng tuổi con, tuổi cháu mình mắng xơi xơi với những từ ngữ rất chợ búa, người lớn bực thì ít mà buồn thì nhiều. Bởi lẽ, điều đó cho thấy một phần việc giáo dục và làm gương của người lớn chưa thực sự nghiêm túc.
Trở lại câu chuyện của chị Minh Phương ở trên, khi nghe những đứa trẻ mới học tiểu học nhiều khi ăn còn chưa xong mà nói ra những từ ngữ hết sức tục tĩu chỉ dùng ở nơi chợ búa ấy, chị vô cùng lo lắng.
Tại môi trường giáo dục rất cần được duy trì bầu không khí đậm văn hóa (Ảnh minh họa) |
"Chắc chắn cháu chưa ý thức được những từ mình nói ấy có nghĩa là gì nhưng cứ lặp đi lặp lại thành câu cửa miệng, hồn nhiên vô tư nói với các bạn cùng trang lứa như thế thì rất nguy hiểm. Các cháu có thể vô tình bắt chước theo, tạo thành thói quen và thậm chí có thể tò mò tìm hiểu ý nghĩa của những từ đó trong khi chưa đủ năng lực để tiếp nhận tất cả những điều đó", chị Phương cho biết.
Cũng tương tự như vậy, đứng trước cổng trường vào giờ tan học, không ít lần các bậc phụ huynh phải nhăn mày, nhíu mặt. Trong câu chuyện trao đổi giữa các con sau một ngày học tập có trêu chọc, có vui đùa nhưng thi thoảng vẫn lọt vào đó việc các bạn trẻ trong lớp thì “thưa cô", “thưa thầy", “bạn C"... nhưng ra khỏi cổng trường thì lập tức gọi là “mụ này, ông kia", “thằng nọ, con kia"...
Tệ hơn nữa, họ còn đặt biệt danh cho những người truyền dạy kiến thức cho mình bằng những biệt danh mang yếu tố mỉa mai ngoại hình và gọi thẳng tên ghép với những từ đó như "P béo", "H lùn", "D phệ"...
Điều đó cho thấy sự thiếu tôn trọng với các thầy cô giáo và thiếu ý thức giữ gìn bản thân tại môi trường giáo dục của các bạn đang lứa tuổi học sinh này.
(Còn nữa)