Bài 2: Trang trại nấm của chàng cán bộ Đoàn
![]() |
Anh Bùi Công Thành bên những phôi nấm đang phát triển
Bài liên quan
Phát huy truyền thống nghề nông
Anh Bùi Công Thành chia sẻ, ngay từ giai đoạn đầu thành lập phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, anh đã suy nghĩ và định hướng cần có một mô hình để phát triển kinh tế trong thanh niên địa phương.
Sau một thời gian nghiên cứu tìm hiểu về các loại nấm, từ cách thức trồng, chăm sóc, thu hoạch, tìm đầu ra, anh tiến hành trồng nấm với quy mô lớn nhưng trên phương diện gia đình. Đến nay, chàng trai này vẫn không nguôi ấp ủ nhân rộng phương thức trồng nấm này thành mô hình kinh tế tập thể.
Chàng trai trẻ biết rằng, muốn làm thành mô hình tập thể phải đảm bảo các điều kiện “cần” và “đủ”. Tới giai đoạn này, điều kiện “cần” cơ bản đã đảm bảo nhưng điều kiện “đủ” thì vẫn chưa. Vì vậy, anh vẫn chưa có cơ hội nhân rộng mô hình trồng nấm của mình trong tổ chức Đoàn.
Hiện nay, anh Thành có hai điểm trồng nấm tại huyện Hoài Đức và quận Nam Từ Liêm, hỗ trợ nhau về mặt cung cấp sản phẩm, vì đặc tính của nấm là loài ngắn ngày.
Anh Bùi Công Thành cho biết: “Mỗi đợt thu hoạch nấm thông thường trong vòng 4 - 7 ngày. Sau 10 - 15 ngày tiếp theo, lứa nấm mới lại có thể cho thu hoạch nên phải làm theo kiểu gối nhau. Trại này làm trước trại kia khoảng hơn một tuần.
Trang trại nấm của gia đình tôi nuôi trồng cơ bản những loại nấm thuần, độ khó kỹ thuật và đòi hỏi đầu tư chưa cao như: Sò (bào ngư xám), sò thái; nấm hoàng đế, linh chi (hồng chi). Nấm sò hợp với thời tiết 4 mùa nên trồng được quanh năm, còn nấm linh chi, hoàng đế chỉ trồng theo mùa vụ phù hợp”.
Hiện nay, gia đình anh Thành thu hoạch bình quân mỗi đợt 5 ngày, sản lượng 2 trang trại từ 140 - 170kg nấm mỗi đợt. Trung bình, một ngày khoảng trên dưới 30kg nấm được chủ trang trại cho ra thị trường. Đối tượng tiêu dùng của trang trại nấm đa số là khách bình dân. Họ quen ăn nấm từ nguồn cung này và cũng có những đánh giá tốt hơn so với một số loại bán ngoài thị trường về chất lượng.
![]() |
Anh Bùi Công Thành với sản phẩm từ trang trại nấm |
Với quy mô trang trại của gia đình anh Thành bây giờ thì đầu ra của sản phẩm không đáng lo ngại. Lượng bán lẻ tương đối lớn vì nhiều người biết đến nhiều. Họ đến tận trang trại mua nấm, trừ những người ở xa thì anh giao đến cho khách hàng.
Để phát triển trang trại nấm, vừa phục vụ như cầu ăn sạch và thêm thu nhập trang trải sinh hoạt hằng ngày, cũng như có cuộc sống tốt hơn, anh Bùi Công Thành đã dày công nghiên cứu cách thức, kỹ thuật trồng nấm qua mạng internet, trau dồi kinh nghiệm, học hỏi thêm kiến thức tại khu nghiên cứu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Những ngày đầu tiên còn bỡ ngỡ về nấm nhưng chàng thanh niên năng động đã có ý chí phát triển kinh tế, phát huy truyền thống nghề nông của gia đình và nhanh chóng thu về những thành quả ban đầu.
Mong muốn của “thủ lĩnh”
Sau khi chọn được giống, cách làm phù hợp với mô hình trang trại của gia đình, anh đầu tư hệ thống tưới tiêu tự động, cũng bởi vậy nên quá trình chăm sóc nấm không mấy vất vả. Có chăng chỉ là thời gian đầu và khi thu hoạch xong, bởi ngay sau khi thu hoạch một đợt nấm, anh phải xử lý phôi để đảm bảo tiếp tục cho các đợt thu hoạch tiếp theo. Điều này đòi hỏi chàng thanh niên phải thật kỹ càng trong công tác xử lý, nếu không sẽ hỏng phôi.
![]() |
Một loại nấm trong trang trại của anh Thành được nhiều khách hàng yêu thích |
![]() |
Một góc trang trại nấm của anh Bùi Công Thành |
Quy trình làm hai trại nấm theo kiểu gối nhau nên anh có khoảng thời gian trống để xử lý phôi từ 2 - 3 ngày, đồng thời người thân trong gia đình cũng hỗ trợ tương đối từ việc chăm bón, tưới, thu hái nấm. Vậy nên, anh Thành thường tận dụng thời gian buổi tối hoặc ngày nghỉ, ngoài giờ hành chính để làm việc tại trang trại.
Anh Bùi Công Thành cho biết, công việc chính hiện tại của anh là làm công tác Đoàn Thanh niên của phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội với vai trò Bí thư Đoàn phường.
“Bén duyên” với công tác Đoàn từ năm 2009 khi anh còn trong quân đội. Luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, năng động, nhiệt tình, tích cực tham gia các hoạt động của đơn vị, sôi nổi trong công tác thanh niên, anh Bùi Công Thành sớm được đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, lúc ấy anh là đảng viên trẻ nhất toàn xã. Tại địa phương, anh Thành tham gia công tác thanh niên, trải qua các chức danh như Bí thư chi đoàn, Phó Bí thư Đoàn xã, rồi anh được bầu làm Bí thư Đoàn phường Phương Canh cho tới nay.
Là “thủ lĩnh” Đoàn của phường, chàng trai trẻ luôn trăn trở ý tưởng phát triển mô hình kinh tế và thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong thanh niên. Tuy nhiên, muốn định hướng thúc đẩy, cá nhân phải là người tiên phong đi đầu. Đó cũng chính là động lực để anh triển khai, thử nghiệm mô hình trồng nấm bây giờ.
Anh Thành bày tỏ: “Tôi hy vọng, mô hình này có thể nhân rộng trong thanh niên và mong muốn các cấp, ngành tạo cơ chế, điều kiện, cho phép cán bộ, công chức, viên chức có thể thành lập mô hình kinh tế; đặc biệt trong tổ chức Đoàn để có thể tự chủ được kinh phí hoạt động”.
Những ngày dịch bệnh Covid-19 hoành hành, anh Thành vẫn duy trì tốt trang trại nấm để phục vụ nhu cầu thực phẩm của gia đình, cũng như khách hàng; đồng thời giữ vững thu nhập cho bản thân, vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn.
Trong dịp này, chàng cán bộ Đoàn còn tích cực phát động và tham gia nhiều phong trào, hành động của tổ chức Đoàn Thanh niên các cấp, chung tay cùng toàn Đảng, toàn quân và nhân dân ta chống dịch.
Nói về tương lai nghề trồng nấm, chàng “thủ lĩnh” Đoàn chia sẻ, anh sẽ mở rộng mô hình trồng nấm linh chi, nấm bào ngư… với quy mô lớn hơn, có nhãn hiệu và mở rộng thị trường để cung cấp sản phẩm an toàn, chất lượng đến nhiều người hơn nữa.
(Còn nữa)
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Chàng trai giải tích và hành trình chinh phục đỉnh cao Toán học

Con ong chăm chỉ gặt "mùa vàng" tri thức

Bí quyết vượt vũ môn và chọn đúng nghề cho tương lai

“Hội tiền bối” giúp 2K10 gỡ rối trước kỳ thi vào lớp 10

“Khoác áo mới” cho nhà tạm, nhà dột nát

Tạm biệt tháng Tư, giới trẻ hướng về Hà Nội mùa thu lịch sử

Tuổi trẻ yêu nước từ những điều dù rất nhỏ

Chàng trai “tô màu kí ức”

Cơ hội, thách thức và những trăn trở thầm lặng
