Bài 3: Còn nhiều "rào cản" sự phát triển BĐS
Bài 2: Thị trường được “gạn đục khơi trong” Bất động sản “vượt sóng” Covid-19 |
Từ thực tại khó khăn, nhiều doanh nghiệp, các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực BĐS mong muốn Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền địa phương sớm đưa ra được các giải pháp cụ thể nhằm đẩy lùi dịch bệnh; Có cơ chế thiết thực tháo gỡ vướng mắc pháp lý, các thủ tục hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động và “vượt sóng” dịch Covid-19.
Vướng mắc về cơ chế, pháp lý cộng hưởng với dịch Covid-19 là rào cản phát triển BĐS (Ảnh minh họa) |
Vướng mắc cơ chế, pháp lý
Thời gian qua, ngoài những khó khăn bất khả kháng do dịch Covid-19 mang lại, rất nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp BĐS tại khu vực phía Nam cho rằng "rào cản" về cơ chế, pháp lý cũng khiến thị trường BĐS phía Nam bị kìm hãm phát triển.
Theo chia sẻ của một doanh nghiệp BĐS có tiếng tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, việc UBND tỉnh ra Quyết định 18/2019/QĐ-UBND quy định về việc tách thửa tại địa phương, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể đang là một trở ngại lớn đối với người dân, doanh nghiệp. Điều này đã dẫn tới tình trạng người dân “lách luật” bằng cách đứng tên chung quyền sử dụng đất; Cá biệt có những lô đất có tới hơn 100 cá nhân đồng sử dụng. (Quyết định này sau đó đã bị Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp phát hiện có nội dung trái pháp luật nên cơ quan này đã ra văn bản đề nghị xem xét xử lý và khắc phục hậu quả).
Còn tại TP Hồ Chí Minh, nhiều dự án BĐS đang gặp tình cảnh “mang tiếng” chậm bàn giao hoặc chậm cấp sổ hồng cho người mua nhà do phải chờ đợi quá trình thẩm định giá đất, xác định tiền sử dụng đất trong nhiều năm; Hay vướng các thủ tục pháp lý hoặc tranh chấp kéo dài, không được giải quyết dứt điểm mà dự án không thể triển khai… Thậm chí, có dự án hơn 10 năm vẫn chưa xong được thủ tục do vướng mắc về giải phóng mặt bằng…
Đại diện Công ty BĐS Tân Bình cho biết, chỉ vì chờ xét duyệt các thủ tục dự án Tổ hợp nhà ở - nhà ở xã hội Tân Bình quá lâu nên công ty có phần “sốt ruột”, dẫn đến nóng vội cho triển khai xây dựng khi dự án chưa đảm bảo đầy đủ pháp lý. Ngay sau đó, năm 2016, dự án bị Sở Xây dựng “tuýt còi”. Đến năm 2018, UBND TP Hồ Chí Minh xử phạt chủ đầu tư hơn 1,6 tỉ đồng, buộc tháo dỡ các hạng mục sai phạm. Tuy nhiên, kể từ đó suốt hơn 2 năm qua doanh nghiệp cứ loay hoay làm các “thủ tục” để hoàn chỉnh pháp lý dự án. Việc kéo dài này khiến trách nhiệm bàn giao nhà cho khách hàng bị trễ hẹn nhiều năm, dẫn đến chủ đầu tư bị "kiện cáo" liên tục…
Tương tự, tại các tỉnh như Long An, Đồng Nai, Bình Dương, nhiều trường hợp đang vướng vào tính nghĩa vụ tài chính, giá đất và tiền sử dụng đất, ký quỹ… khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình huống bất đắc dĩ, buộc phải trì hoãn, “thất tín” với khách hàng trong việc bàn giao sổ nhà, đất.
Ngoài những vướng mắc trên, dịch Covid-19 kéo dài cũng là một trong những nguyên nhân khiến tất cả công đoạn giải quyết bị đình trệ.
Dự án Tổ hợp nhà ở - nhà ở xã hội Tân Bình nhiều năm chưa thể bàn giao nhà cho khách hàng |
Nhận thấy nhiều bất cập, ngày 19/8 vừa qua, Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) đã có văn bản chỉ ra nhiều bất cập, chồng chéo, “xung đột” giữa Luật Nhà ở với Luật Đầu tư, Luật Đất đai và Luật Xây dựng...
HoREA cũng cho rằng, một số quy định của Luật Nhà ở 2014 không thống nhất, không phù hợp, đang làm ách tắc nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở; Làm thiệt hại cho nhiều doanh nghiệp, tác động tiêu cực đến thị trường BĐS.
Do đó HoREA kiến nghị, rất cần thiết quy định thành “nguyên tắc xây dựng pháp luật” trong trường hợp luật chuyên ngành này quy định nội dung có liên quan đến luật chuyên ngành khác nhằm tránh xảy ra “xung đột pháp luật” giữa các quy định.
Nhiều kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp
Trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và vướng mắc về cơ chế, pháp lý, nhiều doanh nghiệp BĐS mong muốn Chính phủ cần có các giải pháp cụ thể, đồng bộ để hỗ trợ doanh nghiệp có thể duy trì và vực dậy sau đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Nam.
Cũng như HoREA đã có nhiều kiến nghị, tại Báo cáo tình hình thị trường BĐS Việt Nam Quý II và 6 tháng đầu năm 2021 của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) đã đưa ra một số khuyến nghị để hỗ trợ thị trường BĐS có thể phục hồi và phát triển trong thời gian tới, như: Đẩy nhanh hơn nữa quá trình sửa đổi quy định pháp luật để cải thiện nguồn cung cho thị trường BĐS; Kiểm soát sự lạm phát, tăng giá mạnh các yếu tố đầu vào của BĐS; Sớm kiểm soát được dịch bệnh và kích thích phát triển kinh tế ở các lĩnh vực kinh tế khác ngành BĐS nhằm điều chỉnh các dòng vốn về đúng mục tiêu, hiệu quả hóa nguồn lực quốc gia…
Nếu dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài, trong khi thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ cho BĐS thì nhiều doanh nghiệp sẽ tiếp tục đóng cửa (Ảnh: Quốc Hương) |
Tiếp đó ngày 5/9, VARS cũng đã kiến nghị Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan cần quan tâm xem xét, trình Chính phủ điều chỉnh chính sách vĩ mô để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh dịch vụ BĐS, nhà môi giới BĐS gặp khó khăn bởi dịch Covid-19.
Cụ thể, VARS đưa ra 5 đề xuất, trong đó đề nghị bổ sung nhóm ngành BĐS, trong đó có ngành dịch vụ môi giới BĐS vào nhóm ngành được hưởng đầy đủ các chính sách của Nhà nước; Đồng thời, được hoãn, giãn thời hạn nộp các khoản thuế phải nộp, bảo hiểm xã hội và một số nghĩa vụ khác đối với Nhà nước để doanh nghiệp có nguồn tiền hỗ trợ lao động cũng như đồng hành cùng với chính quyền chống dịch.
VARS cũng đề nghị bổ sung ngành kinh doanh BĐS vào “Điều 2. Đối tượng áp dụng” trong Nghị định 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021 của Chính phủ.
VARS bày tỏ mong muốn được giảm 50% thuế thu nhập cho doanh nghiệp sàn giao dịch BĐS có phát sinh từ tháng 5 đến hết năm 2021 để có điều kiện sớm phục hồi sản xuất kinh doanh; Có chính sách để các ngân hàng giảm tiến độ trả nợ, điều chỉnh lãi suất hợp lý, giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực chi phí và chống đỡ khó khăn trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Đặc biệt, VARS đề nghị cơ quan chức năng thúc đẩy nhanh hơn chương trình điều chỉnh tháo gỡ vướng mắc trong quy trình pháp luật đối với thủ tục đầu tư, nhằm cải thiện việc giải quyết thủ tục hành chính cho các dự án đầu tư BĐS, làm tăng nguồn cung cho thị trường và kích thích hoạt động đầu tư của xã hội…
(Còn nữa)