Bài 3: Nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ quy hoạch “treo”?
TP Hồ Chí Minh: Khốn khổ vì quy hoạch “treo” TTTĐ - Không biết từ bao giờ, người dân TP Hồ Chí Minh đã quen với khái niệm “quy hoạch treo” nhưng khái niệm này ... |
Bài 2: Đất đai lãng phí, chìm nổi phận đời TTTĐ - Cám cảnh đất đai hoang hóa, lãng phí, phận đời chìm nổi, khốn khó là cảm nhận xuyên suốt của những ai khi ... |
Ông Đỗ Văn Quên cạnh ngôi nhà nằm trong dự án Khu công viên sinh thái, văn hóa, hồ điều tiết huyện Bình Chánh được quy hoạch đã 24 năm |
Để có cái nhìn toàn cảnh hơn với thực trạng và mong muốn góp phần tìm ra giải pháp, báo Tuổi trẻ Thủ đô đã trao đổi và xin lược đăng một số ý kiến của các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, nhằm có cái nhìn rõ hơn dưới nhiều góc độ.
Ông Trần Nguyên Đán - chuyên gia kinh tế, giảng viên trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh:
Quy hoạch "treo" và “vỡ” quy hoạch
TP Hồ Chí Minh hiện nay được xác định mục tiêu là vùng kinh tế trọng điểm. Trước đây, mục tiêu phát triển là công nghiệp, giờ định hướng chuyển thành trung tâm tài chính... Khi mục tiêu dịch chuyển như vậy thì những quy hoạch trước đó sẽ không còn phù hợp.
Sự thay đổi này dễ thấy nhất, như khu vực quận Tân Bình, Bình Tân, Thủ Đức trước đây mục tiêu quy hoạch là khu công nghiệp nhưng bây giờ lại có chủ trương mới là di dời hết ra khỏi các khu trung tâm, biến TP Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính. Sự thay đổi mục tiêu dẫn đến sự chồng lấn trong công tác quy hoạch khiến quy hoạch bị “vỡ” do không theo kịp định hướng. Đây cũng là nguyên nhân của quy hoạch "treo".
Việc để quy hoạch "treo" ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế của khu vực. Đầu tiên, chúng ta phải nói đến là đời sống khó khăn của người dân trong khu vực có nhà, đất bị quy hoạch. Rồi khó khăn cho từng vùng, từng khu vực không phát huy được thế mạnh theo nhiệm vụ quy hoạch đã có; Rồi khó khăn trong việc kết nối giữa các vùng, các khu vực xung quanh do quy hoạch "treo". Khi quy hoạch bị “vỡ” đưa đến tình trạng không còn đủ môi trường đáng sống nữa, việc này đồng nghĩa khó thu hút đầu tư trên nhiều lĩnh vực kinh tế.
Một trong những nguyên nhân của quy hoạch "treo" là do chủ đầu tư không đủ năng lực. Khi làm quy hoạch chi tiết, các địa phương sẽ lập dự án thì các chủ đầu tư sẽ làm quy hoạch. Khi có quy hoạch chi tiết 1/500 thì chủ đầu tư lại không có năng lực thực hiện và thi công hoặc không đủ năng lực đền bù tài chính. Nhiều trường hợp chủ đầu tư vỡ trận vì không đủ kinh phí thực hiện đền bù, giải tỏa, rồi lại phải chọn chủ đầu tư khác. Loay hoay mãi vẫn không chọn ra một chủ đầu tư có năng lực.
Việc để quy hoạch "treo" xét về góc độ kinh tế là không thu hút được nguồn lực, không đáp ứng được các yêu cầu, nhiệm vụ về kinh tế của các vùng quy hoạch đó. Đây là thiệt hại rất lớn cho xã hội. Theo tôi, để tránh tình trạng "treo", nên xoá hết những quy hoạch đang "treo" và tiến hành quy hoạch lại. Quy hoạch tổng thể từ trên xuống dưới, có định hướng mục tiêu chiến lược lâu dài.
Công tác giám sát câu chuyện quy hoạch cũng cần phải được tăng cường, tránh tình trạng xem quy hoạch như một thứ công cụ để phục vụ lợi ích nhóm.
Bao lâu nay, chúng ta cứ nói đến năng lực quy hoạch nhưng chưa thấy ai giải thích rõ năng lực quy hoạch là gì; Chưa có cái tiêu chí để tham chiếu thế nào là năng lực quy hoạch? Chính điều này dẫn đến thực trạng khi xảy ra quy hoạch "treo", khái niệm “năng lực quy hoạch” dễ là cái cớ để bị... đổ thừa.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên - Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP Hồ Chí Minh:
Để tồn tại quy hoạch treo là lỗi của chính quyền
Tình trạng quy hoạch "treo" diễn ra từ rất lâu rồi, không phải mới đây mà phải tính theo thập kỷ chứ không phải tính theo năm nữa. Muốn tìm giải pháp khắc phục thì phải tìm ra nguyên nhân trước mới có thể tìm ra giải pháp.
Lâu nay báo đài nói chung chung rất nhiều, thậm chí có hình ảnh đưa lên rất cụ thể về thực trạng khốn khổ của người dân phải gánh hàng mấy chục năm như nhà không được xây dựng, thiếu hạ tầng cơ sở… nhưng lại không đi tìm nguyên nhân.
Theo tôi, nguyên nhân đầu tiên phải đề cập đến cái gọi là kiến thức về quy hoạch.
Kiến thức về quy hoạch này không phải của ngành quy hoạch mà nằm ở lãnh đạo của thành phố. Bởi vì, lãnh đạo thành phố chỉ đạo quy hoạch chứ không phải ngành quy hoạch họ làm một cách độc lập. Như vậy, trong cái kịch bản phát triển của thành phố là dựa trên các nghị quyết. Tuy nhiên, khi nêu ra nghị quyết là một chuyện, còn thực hiện nghị quyết lại là chuyện khác. Nghị quyết nêu ra thì chính xác, cụ thể nhưng khi thực hiện thì gần như bản nghị quyết nó lại nằm ở đâu chứ nó không nằm ở trên cái bàn của người thực hiện. Thực chất nó nằm ở cái bàn của người chỉ đạo và người chỉ đạo thì lại thiếu cơ chế theo dõi.
Nguyên nhân nữa là của các nhà quy hoạch, vì họ đang thực hiện quy hoạch ngược quy trình. Đúng ra phải quy hoạch tổng thể trước rồi mới bắt đầu quy hoạch chi tiết nhưng ở thành phố thì lại làm ngược, tức là quận, huyện quy hoạch trước. Quy hoạch chi tiết trước rồi thành phố quy hoạch sau. Vậy thực chất quy hoạch của đô thị hiện nay là đem ghép các mảnh quy hoạch của các quận, huyện vào, sau đó thì hợp thức hóa nó.
Về mặt khoa học quy hoạch, cái này là một điều trước nay rất sai, dẫn đến tình trạng nội dung quy hoạch vừa thừa, vừa thiếu, phân bố không đồng đều. Hệ lụy của việc thừa thiếu sinh ra cái gọi là “quy hoạch treo”. Mà khi để quy hoạch "treo" đồng nghĩa với việc chính quyền không còn quan tâm đến đời sống của Nhân dân ở những khu quy hoạch "treo" ấy như thế nào.
Muốn xóa treo, giờ chỉ còn cách xóa quy hoạch của các quận, huyện, sau đó mới quy hoạch lại. Lâu nay, tồn tại câu chuyện là khi bỏ thì chỉ bỏ cái tên dự án, quy hoạch giữ lại. Theo tôi thấy đã bỏ là bỏ quy hoạch chứ không phải bỏ dự án. Bởi dự án thực hiện trên cái quy hoạch đó, dự án không thực hiện được thì phải bỏ quy hoạch. Nếu không bỏ quy hoạch thì nó "treo" là ở chỗ đó.
Việc để tồn tại thực trạng quy hoạch "treo" là lỗi của chính quyền, không phải lỗi của quy hoạch, bởi vì quy hoạch làm theo chỉ đạo của chính quyền.
Luật sư Nguyễn Trung Tín - Công ty luật TNHH Đặng và Cộng sự (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh):
Phải tháo gỡ quy hoạch "treo" để cho người dân thực hiện đầy đủ quyền của người có đất
Luật Đất đai đã có quy định về quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Theo đó, địa phương phải xây dựng kế hoạch từ 3 năm, 5 năm nếu không tiến hành thực hiện quy hoạch thì phải tháo gỡ. Quy định vậy nhưng trên thực tế, rất nhiều địa phương giữ hoài quy hoạch và hạn chế quyền của người dân, phát sinh ra cái gọi là rào cản “quy hoạch treo”.
Muốn xóa quy hoạch "treo" cần phải có hành lang pháp lý riêng cho việc mua bán đất đai trong những khu đã bị quy hoạch. Nếu như trong vòng 3 - 5 năm mà không tiến hành thực hiện dự án, người dân cũng phải được phép sửa chữa, xây dựng và cải tạo nhà cửa của mình như khu vực không có quy hoạch.
Với những khu đất chưa có giấy tờ nhưng mà nguồn gốc đất rõ ràng, sử dụng ổn định và không tranh chấp, không thuộc diện quản lý của Nhà nước, đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận thì nên cho họ một cái quyền tương xứng. Không thể vì cái “quy hoạch” rồi họ mất hết các quyền của mình. Còn nếu trường hợp chưa có giấy tờ là do nguồn gốc đất lấn chiếm, chiếm dụng thì không bồi thường khi tiến hành thực hiện dự án theo quy định pháp luật.
Nếu quy hoạch gây ảnh hưởng trực tiếp đến những quyền lợi chính đáng của người dân được pháp luật bảo hộ thì phải thực hiện theo luật chứ không thực hiện theo quy hoạch. Việc chậm trễ thực hiện các quy hoạch dẫn đến hoang hóa các vùng đất trên diện tích rất lớn tại địa bàn thành phố hiện nay đó là lỗi của chính quyền. Quy hoạch gây ảnh hưởng đến quyền lợi người dân, để họ phải gánh chịu thiệt thòi đó là trách nhiệm của những người đứng đầu, những người quản lý đất đai. Phải xem xét lại trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước đối với việc thực hiện quy hoạch do gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân.
Thạc sĩ - Luật sư Nguyễn Thị Bích Liên - Trưởng Văn phòng luật sư Trương Nguyễn (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh):
Cần rà soát, đánh giá lại công tác thực hiện quy hoạch
Việc áp quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch bị "treo" kéo dài đã hạn chế một số quyền của người sử dụng đất được quy định trong Luật Đất đai. Người dân không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh; Không được xây dựng mới nhà ở; Chỉ được phép sửa chữa nhỏ hoặc xây dựng, sửa chữa có cam kết không được đền bù khi thực hiện giải tỏa, thu hồi đất; Đồng thời cũng gây thiệt hại về mặt kinh tế khi người dân không được tách thửa đất, việc chuyển dịch bất động sản bị hạn chế do không ai mua hoặc mua nhưng giá rất thấp.
Căn cứ theo Điều 49 Luật Đất đai năm 2013 quy định cụ thể: “Diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau 3 năm chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh, hủy bỏ và phải công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ việc thu hồi hoặc chuyển mục đích đối với phần diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất.
Trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ thì người sử dụng đất không bị hạn chế về quyền theo quy định tại khoản 2 Điều này”.
Luật Quy hoạch năm 2017 cũng đã quy định rõ về trách nhiệm đánh giá thực hiện quy hoạch, rà soát quy hoạch định kỳ. Tuy nhiên, chính quyền các cấp đã không thực hiện đúng các quy định của pháp luật, để xảy ra tình trạng quy hoạch “treo” tràn lan, ảnh hưởng đến quyền sử dụng đất của người dân. Luật cần bổ sung các quy định về trách nhiệm và chế tài đối với người đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước trong việc triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của Luật Đất đai, Luật Quy hoạch và các văn bản hướng dẫn thi hành.
TP Hồ Chí Minh cần rà soát lại bản đồ quy hoạch (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị), điều chỉnh, gỡ bỏ những quy hoạch "treo" và những dự án thiếu tính khả thi, không được triển khai thực hiện theo đúng thời hạn. Từ đó, tạo điều kiện cho người dân được phép xây dựng và hợp thức hóa nhà ở theo đúng quy định pháp luật; Đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức người dân tuân thủ pháp luật về xây dựng.