Bài 3: Sẽ không “lạc lối” trên thế giới mạng
>> Thanh niên với Luật An ninh mạng
- Bài 1: Mạng xã hội không còn là nơi… “chém gió”
- Bài 2: Hãy sử dụng mạng xã hội văn hóa, văn minh
Anh Nguyễn Văn An (Công ty Luật 24H, Hà Nội): Luật cần được thực thi một cách nghiêm minh
7 chương, 43 điều quy định trong Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua giúp công dân không còn “mơ hồ” về vấn đề an ninh trên mạng internet. Tôi nhận thấy, những quy định cụ thể, chặt chẽ trong Luật bảo đảm cho người dân, doanh nghiệp yên tâm kinh doanh, buôn bán trên không gian mạng, đồng thời ngăn chặn được những đối tượng xấu, các thế lực thù địch lợi dụng để tuyên truyền chống phá Nhà nước.
Kinh tế phát triển, người dân dễ dàng tiếp cận với mạng internet thông qua máy tính hoặc điện thoại thông minh. Vì vậy, nếu không có những quy định chặt chẽ trong việc sử dụng mạng internet, các đối tượng thù địch lợi dụng đưa thông tin không chính xác. Thậm chí, danh dự, nhân phẩm của các cá nhân, tổ chức bị lợi dụng đưa lên mạng, bêu xấu một cách công khai, gây ảnh hưởng lớn đến an ninh chính trị, cũng như đời sống của nhân dân.
Vậy nên, Luật An ninh mạng không những tạo ra khung pháp lý đầy đủ cho mọi cá nhân, tổ chức căn cứ vào thực hiện mà còn đảm bảo cho mọi công dân được tiếp cận internet hiệu quả, đồng thời ngăn chặn được những thông tin xấu, bịa đặt gây mất trật tự an ninh xã hội. Tuy nhiên, việc áp dụng Luật vào cuộc sống cần được thực thi một cách nghiêm minh, không buông lỏng. Bên cạnh đó, để Luật đi vào thực tiễn một cách có hiệu quả, chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật An ninh mạng tới mọi tầng lớp trong xã hội.
Chị Lê Thanh Hằng (Bí thư Đoàn Thanh niên VNPT Hà Nội): Sử dụng không gian mạng một cách thiết thực
Tôi cho rằng, việc đưa Luật An ninh mạng vào cuộc sống rất cần thiết. Nó là công cụ để bảo vệ người dân khỏi những thông tin xấu, độc hại, nhất là đối với thanh, thiếu nhi. Bộ Luật đưa ra giúp cho mọi công dân nói chung và đoàn viên, thanh niên nói riêng yên tâm hoạt động, công tác, sử dụng hiệu quả không gian mạng. Áp dụng Luật, các thông tin cá nhân sẽ được bảo vệ an toàn, không bị khai thác một cách bất hợp pháp. Luật An ninh mạng góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia, tạo ra chế tài xử lí các đối tượng sử dụng mạng xã hội bôi xấu Nhà nước và người dân.
Đưa Luật vào cuộc sống, Đoàn Thanh niên VNPT Hà Nội đã có những hoạt động tương tác, ứng dụng sự tiến bộ của công nghệ thông tin, sử dụng không gian mạng một cách hiệu quả. Chúng tôi phối hợp với Thành đoàn Hà Nội kí thỏa thuận và hợp tác số hóa cơ sở dữ liệu đoàn viên, thanh, thiếu nhi; cập nhật thông tin và bảo vệ thông tin cá nhân của 2 triệu đoàn viên, thanh niên thành phố. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tích cực tuyên truyền Nghị quyết về phát triển thanh niên VNPT trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và phổ biến chiến lược VNPT 3.0 đến tất cả đoàn viên, thanh niên trong đơn vị; cập nhật cơ sở dữ liệu và thông tin cá nhân của 900 đoàn viên của đơn vị… Đó là những chương trình có ý nghĩa thiết thực, trực tiếp tham gia vào việc thực thi pháp luật, tận dụng không gian mạng một cách có hiệu quả.
Chị Mai Thị Thu (Quận Hà Đông, Hà Nội): “Like” và “share” có trách nhiệm
Nhiều người chỉ vì một số hình ảnh cá nhân bị chia sẻ một cách cố ý hoặc vô ý trên mạng xã hội mà mất đi hạnh phúc, sự bình yên trong gia đình, hay ảnh hưởng đến uy tín, sự nghiệp. Cùng với đó là những cuộc tấn công, “hack” tài khoản mạng xã hội nhằm mục đích lừa đảo, vụ lợi. Rất nhiều những chiêu trò của tội phạm mạng gây ra khiến xã hội bức xúc, nhiều tổ chức, cá nhân bị thiệt hại. Luật An ninh mạng ra đời sẽ đẩy lùi được những tiêu cực đó, mang lại đúng bản chất ưu việt, tiên tiến của công nghệ, mạng internet.
Thực tế cho thấy đã xuất hiện ngày càng nhiều các vi phạm pháp luật trên không gian mạng, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Tôi cho rằng, ban hành Luật An ninh mạng rất cần thiết, đặc biệt trong điều kiện phát triển công nghệ thông tin và thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay. Đối tượng tham gia mạng xã hội, ứng dụng công nghệ internet chủ yếu là thanh niên. Vậy nên, để áp dụng Luật An ninh mạng, tổ chức Đoàn các cấp nên sớm có những chương trình, hoạt động trao đổi, đưa ra giải pháp tuyên truyền, cảnh báo, định hướng cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên trong việc chắt lọc thông tin trên mạng xã hội, để các bạn trẻ “like” và “share” các thông tin trên mạng một cách có trách nhiệm và văn hóa.
Bạn Trần Hải Long (trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải): Rất cần một chiến dịch truyền thông rộng rãi
Luật An ninh mạng đi vào cuộc sống sẽ giúp an ninh quốc gia được ổn định, tạo ra nền tảng pháp lý để chúng ta kiểm soát chặt chẽ hơn nữa những thông tin chia sẻ trên mạng, từ đó tránh được những chuyện đáng tiếc xảy ra. Ngày 1/1/2019, Luật An ninh mạng sẽ được thực thi, để Luật nhanh chóng đi vào thực tiễn và hiệu quả còn nhiều thách thức ở phía trước. Vì vậy, rất cần một chiến dịch truyền thông rộng rãi, nhất là đối với tổ chức Đoàn, Hội. Theo tôi, chúng ta nên gắn hoạt động Đoàn, Hội với tuyên truyền các quy định của pháp luật, lồng ghép tổ chức các ngày hội, chương trình phổ biến Luật An ninh mạng.
Bên cạnh đó, các tổ chức Đoàn, Hội cần quan tâm hơn nữa đến việc bố trí kinh phí, nguồn lực thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực của đoàn viên, thanh niên; tăng cường sức chiến đấu của Đoàn, sức đề kháng của mỗi đoàn viên, thanh niên trên mạng xã hội. Đoàn Thanh niên các cấp nên khuyến khích đoàn viên, thanh niên chủ động bày tỏ ý kiến đấu tranh, phản bác những thông tin, quan điểm cực đoan, lệch lạc, sai trái trên mạng xã hội…