Bài 3: Xây dựng gia đình hạnh phúc - mục tiêu lớn nhất cuộc đời
Độ tuổi từ 25 - 28 là lý tưởng để kết hôn
Bài liên quan
Khi giới trẻ "thích FA", lười kết hôn
Giải quyết thấu đáo từ việc nhỏ, tăng cường phòng ngừa tội phạm từ mâu thuẫn gia đình
Khám phá "Những thói quen vàng giúp trẻ phát triển học lực"
Kết hôn trực tuyến trong mùa dịch Covid-19
Có một thế hệ trẻ chọn cuộc sống độc thân
Xu hướng phụ nữ Hàn Quốc thờ ơ với kết hôn
Chiếc “rọ” ngọt ngào…
Bạn trẻ Nguyễn Hoàng Hà (ở quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: "Tôi cho rằng, lập gia đình trước 30 tuổi, phụ nữ sinh con sẽ thuận lợi hơn. Hơn nữa, kết hôn sớm đồng nghĩa với việc bạn gắn với các trách nhiệm sớm hơn, nhờ đó mà bản thân sớm chín chắn, trưởng thành trong tính cách. Đó là một lợi thế lớn để chúng ta tạo lập nhiều mối quan hệ xã hội khác và có thể xử lý chín chắn các vấn đề sẽ gặp phải trong cuộc sống, không riêng gì hôn nhân".
Đồng quan điểm, bạn Minh Anh (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay: "Nhiều người hiện đang cho rằng, lấy chồng, vợ sớm chẳng khác nào “chui đầu vào rọ”. Tuy nhiên, bạn thấy đấy, gia đình cũng là một chiếc “rọ” thú vị và ấm áp, nếu bạn luôn muốn nỗ lực vì nó. Đi làm về, thay vì cô đơn một mình, bạn có người chờ đợi bên mâm cơm đã được nấu nướng đàng hoàng.
Mỗi khi gặp khó khăn hay trắc trở trong cuộc sống và công việc, bạn có người để sẻ chia, bàn bạc, tìm cách tháo gỡ. Khi gia đình trẻ có thêm con nhỏ, vất vả đấy nhưng bạn có nơi để cố gắng, thêm mục tiêu sống để vươn lên, thêm động lực để hoàn thiện mình. Có con nhỏ đôi khi chúng ta học thêm được cách nín nhịn, dung hòa các mối quan hệ một cách tốt nhất…".
Minh Anh còn cho rằng, việc “hoàn thành sớm mục tiêu gia đình”, bạn sẽ yên tâm “lên giây cót” cho các mục tiêu khác. Các cụ bảo phải “an cư mới lập nghiệp”. Có gia đình và chúng ta vẫn tiếp tục hoàn thiện mình để trưởng thành hơn… Như thế tốt hơn là sống độc thân đổi lấy công việc, tiền bạc. Khi người ta biết cố gắng thì gia đình sẽ mãi là điểm tựa, bệ đỡ cho sự phát triển của bạn.
Các chuyên gia nói gì?
Theo TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội, độ tuổi dưới 30 là thích hợp và lý tưởng nhất để kết hôn. Bởi lẽ, ở độ tuổi này, cả nam lẫn nữ đều đã phát triển đủ cả về mặt tâm, sinh lý.
Đối với nữ giới, kết hôn khi qua tuổi 25 là lý tưởng. Trong độ tuổi này, bạn nữ đã tốt nghiệp ra trường, đi làm được 3, 4 năm nên khá ổn định. Hơn hết, đây là giai đoạn đủ trưởng thành để làm vợ, làm mẹ.
Còn với nam giới, giai đoạn “đẹp nhất” để cưới vợ là khoảng từ 27 - 29 tuổi. Ở giai đoạn này, họ trưởng thành, chín chắn hơn chứ không còn bồng bột. Hơn nữa, qua 5, 6 năm đi làm, công việc cũng ổn định, thu nhập đều, họ có thể được lo cho cuộc sống gia đình.
Cũng theo TS Bùi Thị An, khi đã ở độ tuổi trên 30, đa phần các bạn trẻ sẽ chọn cuộc sống độc thân. Họ tập trung làm việc, phát triển sự nghiệp và tận hưởng cuộc sống, vì thế xu hướng ngại, lười kết hôn gia tăng. Tuy nhiên, những bạn “luống” tuổi chưa lập gia đình sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Độc thân thì sướng nhưng lại thiếu niềm vui đầm ấm bên con cháu.
Các bác sĩ chuyên khoa còn cho rằng, hôn nhân nên được căn cứ phù hợp với các yếu tố trong độ tuổi sinh sản tốt nhất của phụ nữ. Theo đó, độ tuổi tốt nhất để sinh con của phụ nữ là trong khoảng từ 20 đến dưới 35. Cụ thể, ở độ tuổi 20 - 24, phụ nữ dễ thụ thai nhất. Sau đó, khả năng thụ thai giảm dần và giảm mạnh sau mốc 35 tuổi. Đến khi bước sang tuổi 45, ít phụ nữ có thể mang thai tự nhiên.
Trong số những phụ nữ có thai, tỷ lệ sảy thai ở những người 40 tuổi là 24%, 38% đối với độ tuổi 43 và tăng lên 54% ở tuổi 44. Khả năng có thai tự nhiên ở phụ nữ tuổi 45 là rất hiếm và nếu đã 46 tuổi thì gần như không bao giờ xảy ra (giải pháp lúc này là phải sử dụng trứng của người hiến tặng).
Quá trình mang thai khó khăn hơn ở phụ nữ độ tuổi 40, các biến chứng khi mang thai (như tăng huyết áp, đái tháo đường thai kì) và những vấn đề về nhau thai cũng như biến chứng khi sinh xảy ra nhiều hơn.
Phụ nữ sinh con khi quá tuổi sẽ có nguy cơ sinh non, sinh con nhẹ cân, thậm chí thai lưu đều cao hơn bình thường, bên cạnh đó tỷ lệ xuất hiện các bệnh lý bẩm sinh ở trẻ cũng cao hơn (như đái tháo đường typ 1, tăng huyết áp, hội chứng tự kỷ, Down, các bệnh truyền nhiễm cũng cao bất thường...).
Nhiều bác sĩ cũng cảnh báo rằng phụ nữ sẽ giảm dần khả năng sinh đẻ từ những năm 30 tuổi trở ra. Điều này có nghĩa, tỷ lệ biến chứng khi mang thai ở mẹ lớn tuổi sẽ tăng cao hơn so với bình thường.
Trẻ em sinh ra bởi mẹ trên 40 có khả năng bị dị tật bẩm sinh hay có sức khỏe yếu hơn so với những đứa trẻ có mẹ dưới 30 tuổi.
Nghiên cứu do Đại học Minnesota tiến hành đã cho thấy việc mang thai ở độ tuổi trên 40 cũng ảnh hưởng trực tiếp và gây di chứng lâu dài tới sức khỏe của người mẹ.