Bài 4: UBND huyện Tiên Du có làm hết trách nhiệm?
Bài 3: Không xử lý vì tường quá cao! Bài 1: Tan hoang núi Na Bài 2: Câu chuyện của bà chủ đất |
Những bất thường trong một trang báo cáo
Như báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin, phản ánh, tình trạng san gạt, hạ độ cao và dấu hiệu vận chuyển khoáng sản trái phép tại xã Hiên Vân (Tiên Du, Bắc Ninh) đã và đang diễn ra ồ ạt, phức tạp. Tuy nhiên, sự vào cuộc của chính quyền địa phương lại không đủ mạnh mẽ, thậm chí, có thể đánh giá là hời hợt.
Máy xúc hoạt động tại núi Na song lực lượng chức năng "tại thời điểm kiểm tra, không phát hiện" |
Được biết, ngày 11/5, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh có Công văn số 789/STNMT gửi UBND huyện Tiên Du về việc kiểm tra theo phản ánh, theo đó, trên địa bàn xã Hiên Vân, huyện Tiên Du để xảy ra tình trạng khai thác khoảng sản, xây dựng trái phép.
Cụ thể, ngày 25/5, ông Nguyễn Công Ký, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Du ký công văn số 558/UBND-STNMT cho rằng: Tại thời điểm kiểm tra, có 3 điểm thực hiện cải tạo, đào xúc theo phản ánh; Gồm việc cải tạo, xây dựng tại thao trường bắn xã Hiên Vân, việc cải tạo xây dựng nhà trên thửa đất số 149 diện tích 1.762m2 của gia đình bà Vũ Thị Xuyến và việc cải tạo xây dựng nhà trên thửa đất số 215 diện tích 3.370m2 của gia đình ông Phạm Đăng Quang, bà Vũ Thị Diễn.
"Tại thời điểm kiểm tra, không có máy móc đang hoạt động, không có việc vận chuyển đất ra khỏi thửa đất", trích báo cáo của UBND huyện Tiên Du.
Báo cáo của UBND huyện Tiên Du |
Tuy nhiên, báo cáo nói trên không đề cập đến một số vấn đề quan trọng, ví như hai thửa đất đã hoàn thành san gạt, hạ độ cao và xây dựng công trình (vị trí đối diện với thửa đất nhà ông Quang - bà Diễn) hay việc con đường công cộng bị hạ độ cao trái phép, nhiều nhà xưởng mọc lên phía sâu trong núi.
Quy định của pháp luật về san gạt, cải tạo đất
Đáng chú ý, công văn của UBND huyện Tiên Du khẳng định: "Việc cải tạo đất của Nhân dân là nguyện vọng chính đáng" và "xác định không có việc vận chuyển đất ra khỏi thửa đất".
Tuy vậy, văn bản này không nói rõ việc san gạt, cải tạo đất có được cấp phép hay không. Dư luận cũng đặt câu hỏi là hàng nghìn mét khối đất đá đi về đâu khi diện tích 3.370m2 của gia đình ông Phạm Đăng Quang, bà Vũ Thị Diễn được hạ độ cao khoảng 5-7m?
Hàng nghìn mét khối đất đá đi về đâu? |
Đối chiếu với Luật Đất đai 2013, việc hạ cốt nền phải đảm bảo các nghĩa vụ nêu tại Điều 170. Hành vi đào xới, hạ cốt nền đất, vận chuyển đất dư thừa ra khỏi khu đất có thể làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định... Hành vi này là hủy hoại đất và có thể bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 91/2019/NĐ-CP.
Liên quan đến nội dung phản ánh về tình trạng san gạt, hạ độ cao và dấu hiệu khai thác khoáng sản trái phép tại xã Hiên Vân, phóng viên đã nhiều lần liên hệ với Bí thư Huyện ủy Tiên Du và Chủ tịch UBND huyện Tiên Du song đến nay vẫn không nhận được phản hồi. |
Tại điểm a khoản 3 Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP thì một trong những hành vi hủy hoại đất là làm biến dạng địa hình: "Thay đổi độ dốc bề mặt đất; Hạ thấp bề mặt đất do lấy đất mặt dùng vào việc khác hoặc làm cho bề mặt đất thấp hơn so với thửa đất liền kề...".
Đồng thời, Điều 64 Luật Khoáng sản năm 2010 về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường quy định hành vi đào đất, vận chuyển đi nơi khác đổ được xác định là hành vi khai thác khoáng sản. Việc hạ cốt nền và vận chuyển đất dư thừa đi nơi khác (nếu có) phải lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, chấp thuận và phải nộp đầy đủ các nghĩa vụ tài chính như: Thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tiền ký quỹ phục hồi môi trường theo quy định.