Bài 5: Chính phủ yêu cầu nghiên cứu chính sách giá, phí truyền tải...
Đánh giá tác động đến các chủ thể, nhất là EVN
Thường trực Chính phủ vừa có thông báo kết luận về tình hình xây dựng, trình ban hành và nội dung chính của Nghị định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA).
Theo Thường trực Chính phủ, việc xây dựng Nghị định có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là cơ chế, chính sách thúc đẩy các nguồn điện sạch và bền vững; huy động nguồn lực từ xã hội góp phần giảm áp lực phát triển nguồn điện lên Chính phủ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Đồng thời, các cơ chế này góp phần làm cho thị trường điện lực trở nên công khai, minh bạch, cạnh tranh và lành mạnh hơn.
Chính sách mua bán điện giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng cần nghiên cứu các cơ chế giá, phí truyền tải... |
Đánh giá tiến độ triển khai xây dựng, trình ban hành các văn bản này còn chậm, Thường trực Chính phủ đề nghị Bộ Công thương, các bộ liên quan phải nghiêm túc thực hiện đầy đủ một số nội dung.
Trong đó, đối với Nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn, Thường trực Chính phủ lưu ý trong quá trình xây dựng cần nghiên cứu các quy định về cơ chế giá, phí truyền tải và các chi phí phát sinh khác; đánh giá tác động đến các chủ thể, nhất là EVN.
Trên cơ sở đó, Bộ Công thương khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ trước ngày 15/5/2024.
Cách đây ít ngày, Bộ Công thương đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp để thẩm định Nghị định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn.
Bộ Công thương cho biết, ngay sau khi có văn bản thẩm định của Bộ Tư pháp, cơ quan này sẽ triển khai các công tác rà soát, tiếp thu giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và hoàn thiện dự thảo Nghị định trước khi trình Chính phủ xem xét phê duyệt.
Theo Bộ Công thương, dự thảo Nghị định về cơ chế DPPA tập trung vào 2 chính sách. Thứ nhất là mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng lớn qua đường dây truyền tải riêng. Thứ hai là mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng lớn qua lưới điện quốc gia.
Cùng với dự thảo Nghị định, Bộ Công thương cũng gửi kèm báo cáo đánh giá tác động về chính sách với những phân tích cụ thể về 2 phương án đối với mỗi chính sách.
Một buổi hội thảo tham vấn ý kiến về dự thảo Nghị định cơ chế mua bán điện trực tiếp được Bộ Công thương tổ chức |
Đối với phương án 1, Bộ Công thương đề xuất cho phép các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo bao gồm điện mặt trời, điện gió, thủy điện nhỏ, sinh khối, thủy triều, địa nhiệt… tham gia mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia với khách hàng sử dụng điện lớn phục vụ sản xuất, dịch vụ, thương mại.
Đối với phương án 2, Bộ Công thương đề xuất cho phép các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo bao gồm điện mặt trời và điện gió tham gia mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia với khách hàng sử dụng điện lớn phục vụ sản xuất đấu nối từ cấp 22kV trở lên và có sản lượng tiêu thụ trung bình hàng tháng từ 500.000 kWh (tính trung bình trong 3 tháng gần nhất) hoặc theo sản lượng đăng ký áp dụng đối với khách hàng mới.
So sánh 2 phương án trên, Bộ Công thương cho rằng, trên cơ sở rà soát kỹ thuật của lưới điện Việt Nam trong giai đoạn hiện tại, xét tới tính khả thi áp dụng trong thực tế ngay sau khi chính sách được ban hành thì phương án 1 mang lại sự đa dạng và linh hoạt trong cung cấp năng lượng tái tạo, nhưng đòi hỏi quản lý phức tạp và đầu tư hạ tầng mạnh mẽ chưa phù hợp với hiện trạng hệ thống điện Việt Nam.
Trong khi đó, với phương án 2 sẽ đơn giản hóa quản lý và giám sát do chỉ tập trung chỉ vào hai nguồn năng lượng tái tạo chính là điện mặt trời và điện gió, giảm bớt sự phức tạp trong việc quản lý và ít yêu cầu đầu tư hạ tầng. Do đó, Bộ Công thương đề xuất lựa chọn phương án 2.
Việc sớm ban hành cơ chế DPPA là vô cùng cấp thiết
Các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đang rất mong chờ dự thảo Nghị định quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) sớm được ban hành nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững phù hợp với xu hướng chung của thế giới.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên |
Góp ý vào dự thảo này, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) cho rằng, việc sớm ban hành cơ chế DPPA là vô cùng cấp thiết đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có các công ty Hoa Kỳ.
Vì vậy, các doanh nghiệp Hoa Kỳ tha thiết khuyến nghị Bộ Công thương nhanh chóng hoàn thành các thủ tục liên quan để Nghị định này được ban hành sớm nhất có thể.
Về mặt nguyên tắc, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN nhấn mạnh, cơ chế DPPA cần tạo độ mở và linh hoạt cho các bên tham gia, tránh đưa vào các yêu cầu kỹ thuật quá chi tiết gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực tế.
Cụ thể, bên mua nên được trao quyền tự thương thảo đối với hầu hết các điều khoản trong hợp đồng mua bán; xác định chi phí lưới điện được hạch toán rõ ràng trong một khoảng thời gian xác định.
Tương tự, bà Virginia Foote - Thành viên Ban Quản trị Nhóm Công tác Điện và Năng lượng, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) nhấn mạnh, nếu Nghị định sớm được ban hành sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, từ đó góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Trong cuộc họp tham vấn vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng nhất trí về sự cần thiết phải ban hành cơ chế DPPA để thực hiện được mục tiêu trung hòa carbon của Việt Nam và cũng để thực hiện được Quy hoạch điện VIII hiệu quả, hướng tới một nền sản xuất xanh ở Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, đây là những chính sách quan trọng, cần sớm được ban hành, là những “bước đi ban đầu” ở góc độ quản lý Nhà nước và là giải pháp quan trọng để thực hiện thành công Quy hoạch điện VIII.
"Các chính sách này cũng là cơ sở quan trọng để phát triển, hoàn thiện thị trường điện trên cả ba góc độ phát điện cạnh tranh, bán buôn điện cạnh tranh và bán lẻ điện cạnh tranh. Đây là bước đi cần thiết để Việt Nam chuyển mạnh sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn", ông Diên nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công thương cũng thẳng thắn chỉ ra đây là cơ chế rất mới và rất khó, bởi luật pháp hiện hành của Việt Nam chưa cho phép thực hiện những vấn đề này này một cách đầy đủ ngay lập tức; chúng ta xuất phát điểm khác với các nước phát triển, đòi hỏi cơ chế, chính sách cần phù hợp với điều kiện hoàn cảnh, nhận thức, tập quán và điều kiện kinh tế, kỹ thuật.
Đối với cơ chế DPPA cơ bản thống nhất đối tượng điều chỉnh không chỉ là các doanh nghiệp sản xuất mà mở rộng ra là cả những doanh nghiệp dịch vụ, hễ là khách hàng có nguồn nhu cầu sử dụng điện lớn, thậm chí là muốn điện sạch, thì hoàn toàn có thể áp dụng cơ chế này.
Theo đó, cơ chế DPPA gồm 2 hình thức: Nếu không nối lưới, dự án không bị giới hạn công suất, loại hình nguồn điện và đối tượng sử dụng. Ngược lại, nếu nối lưới, phải giới hạn điện áp, điện năng và loại hình nguồn điện (chỉ áp dụng với nguồn năng lượng tái tạo gồm điện gió và điện mặt trời).