Bài 5: Để văn hóa Hà Nội lan tỏa mạnh mẽ...
Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy bên Con đường gốm sứ |
Dấu ấn những công trình với Hà Nội
Hẹn gặp họa sĩ Nguyễn Thu Thủy những ngày này hơi khó bởi chị bận nhiều việc. Nhất là khi thông tin hơn 600m tranh gốm trên Con đường gốm sứ bị phá đi để cải tạo đường đê Âu Cơ khiến cho nhiều người Hà Nội cũng như bạn bè quốc tế liên tục hỏi thăm. Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy không giấu được nét buồn song chị khẳng định đây là công trình phê duyệt bổ sung giai đoạn 2 của dự án xây cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên nên dù tiếc nuối chị cũng phải hy sinh để làm những điều lớn lao hơn.
Con đường gốm sứ được khánh thành dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và trở thành một trong những biểu tượng văn hóa của Thủ đô trong nhiều năm qua. Dài gần 4km với diện tích khoảng 6.500m2, đi qua các quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng, công trình con đường gốm sứ đã vinh dự nhận được giải thưởng Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội năm 2008.
Tháng 10 năm 2010 công trình được UBND thành phố gắn biển Công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội và đồng thời được tổ chức Kỷ lục Guinness thế giới công nhận đây là bức tranh gốm sứ lớn nhất thế giới.
Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy cho biết phía Kỷ lục Guinness thế giới đã đo từng mét một để công nhận công trình này. Hiện nay, chưa có thành phố nào trên thế giới phá vỡ được kỷ lục này của Hà Nội.
Bà Beatriz Fernandez - Giám đốc pháp chế Tổ chức Guinness trao Kỷ lục cho Con đường gốm sứ |
Chính vì thế, việc phá dỡ đoạn tranh gốm 689m2 đang ảnh hưởng đến kỷ lục và chị sẽ phải báo cáo con số này đến Tổ chức kỷ lục với lời hứa là sẽ xin làm đền bù lại. Chị tâm sự rằng mình và ekip sẽ làm thêm 1.000m mới để chắc chắn sẽ phá vỡ kỷ lục cũ.
Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy chia sẻ rằng bạn bè quốc tế đặc biệt yêu thích công trình này, chị rất cảm động khi họ nhận xét rằng ngắm Con đường gốm sứ dường như thấy được những nét văn hóa đặc trưng của Hà Nội và các vùng miền khác của Việt Nam. Bên cạnh đó, các đại sứ quán cũng mong muốn có hình ảnh của đất nước họ trên con đường gốm sứ như một cách ngụ ý rằng văn hóa bốn phương hội tụ về Thủ đô của chúng ta.
Rất may, sau khi chủ trì cuộc họp về thiết kế con đường gốm sứ Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã kết luận chỉ đạo: Thống nhất về chủ trương triển khai con đường gốm sứ Hà Nội, đoạn từ cửa khẩu An Dương đến cầu Nhật Tân, theo hướng tuyến từ An Dương đến cầu Nhật Tân.
Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan mời các nhà điêu khắc, hội họa, kiến trúc sư... thành lập Hội đồng nghiên cứu đề xuất ý tưởng, chất liệu; Lên phương án tổng thể về con đường gốm sứ Hà Nội theo chiều dài lịch sử Thăng Long - Hà Nội.
Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy và ekip sẽ làm thêm 1.000m cho Con đường gốm sứ phá vỡ kỷ lục cũ |
Điều đó cho thấy tầm quan trọng và ý nghĩa của con đường gốm sứ với Hà Nội do họa sĩ Nguyễn Thu Thủy lên ý tưởng và thiết kế. Chị đã lập tức phải bỏ dở nhiều hoạt động đang triển khai để tập trung cao độ vào kế hoạch này.
Tập trung quên ăn quên ngủ cũng là phải, bởi đây là công trình đầu tiên để cái tên họa sĩ Nguyễn Thu Thủy đến và trở thành quen thuộc với công chúng như bây giờ. Nó là cụ thể hóa của việc “yêu phải thể hiện”, khi chị còn là một công dân Thủ đô ưu tú.
Tất nhiên, người dân Hà Nội yêu và đều thể hiện tình yêu của mình với thành phố này bằng những hành động, việc làm, đóng góp trên các lĩnh vực khác nhau nhưng với chị, một họa sĩ sáng tác thì phải là những công trình, tác phẩm hiện hữu và kết tinh được tình yêu ấy.
Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy nhận giải "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội" |
Bên cạnh đó, tác phẩm ấy cần phải được đến với cộng đồng để như một chất xúc tác tiếp tục lan tỏa, giúp người dân Hà Nội cũng như bạn bè quốc tế cảm nhận, được khơi gợi để họ thêm yêu quý mảnh đất này. Bền bỉ nhiều năm qua, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy đã làm nên nhiều tác phẩm rất có ý nghĩa với đời sống tinh thần Thủ đô.Tất nhiên, người dân Hà Nội yêu và đều thể hiện tình yêu của mình với thành phố này bằng những hành động, việc làm, đóng góp trên các lĩnh vực khác nhau nhưng với chị, một họa sĩ sáng tác thì phải là những công trình, tác phẩm hiện hữu và kết tinh được tình yêu ấy.
Đó là công trình Tranh hoa sen trang trí sân bay quốc tế Nội Bài đoạt Huy chương Vàng tại cuộc thi Thiết kế Quốc tế A’Design Awards& Competition năm 2019; công trình gắn gốm nghệ thuật Nhà Gương trong công viên Thống Nhất - Huy chương Bạc quốc tế năm 2018 tại Italy; công trình đài phun nước Bông sen Vàng tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng (Hà Nội) và Trái tim Tình yêu Hà Nội bên hồ Trúc Bạch (Hà Nội) - đoạt giải khuyến khích tại Mỹ và Italia năm 2016…
Giới thiệu vẻ đẹp Hà Nội đến với bạn bè quốc tế
Trân trọng, nâng niu từng nét văn hóa của Hà Nội, là người quảng giao, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy thấy thực sự cần thiết phải đưa vẻ đẹp ấy đến với đông đảo bạn bè quốc tế, cho họ cái nhìn về một Hà Nội trong thời đại hội nhập, năng động, sáng tạo nhưng cũng đầy bản sắc.
Ngoài việc làm đẹp thành phố bằng các tác phẩm nghệ thuật, không ngồi đợi “hữu xạ tự nhiên hương”, chị và nhóm họa sĩ Nghệ thuật Tân Hà Nội còn tham gia nhiều hoạt động quảng bá văn hóa ngàn năm của chúng ta đến với tận các quốc gia trên thế giới. Đó là các hoạt động vẽ tranh tường bên sông Seine (Pháp) và buổi trình diễn thời trang áo dài mang đậm dấu ấn văn hóa Hà Nội, Việt Nam tại lễ hội thành phố Choisy le Roi.
Bên cạnh đó là các công trình tranh hoa sen ở sân bay quốc tế Nội Bài, trang trí sân bay quốc tế Đà Nẵng, các giải thưởng mà chị đạt được, cũng là để góp phần quảng bá văn hóa Việt đến với những nơi dễ tiếp cận với những người nước ngoài quan tâm, muốn tìm hiểu về đất nước, tâm hồn con người Việt Nam chúng ta.
Không gian Ngôi nhà nghệ thuật của họa sĩ Nguyễn Thu Thủy |
Một công trình đặc biệt nữa mà họa sĩ Nguyễn Thu Thủy đặc biệt tâm huyết, nhận được rất nhiều sự quan tâm và lui tới của công chúng Thủ đô, các tỉnh trong nước và đặc biệt là các đại sứ, phu nhân đại sứ, các cán bộ ngoại giao và khách nước ngoài. Đó là ngôi nhà Nghệ thuật Tân Hà Nội (New Hanoi Arts Co tại số 97 Nguyễn Đình Thi, Tây Hồ, Hà Nội) mà chị mới đưa vào hoạt động đầu năm nay.
Bước chân vào tầng một, người xem sẽ được chìm đắm vào không gian đậm chất Hà Nội với những bức tranh tường diễn tả các loài hoa đặc trưng của Hà Nội như hoa lay ơn, violet, thược dược, cúc họa mi, hoa loa kèn… Tầng hai có phòng gương hoa sen hoa hồng và phòng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật công cộng do họa sĩ Nguyễn Thu Thủy khởi xướng và công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội thi công.
Đây là nơi lui tới của nhiều bạn bè quốc tế |
Trên tầng ba và tầng bốn của có hai phòng trưng bày nhiếp ảnh với những hình ảnh thân thuộc của Hà Nội như cầu Long Biên, hồ Gươm, hồ Tây, phố cổ, toàn cảnh Hà Nội đêm và rất nhiều cảnh đẹp trải dài khắp đất nước của các tác giả Lại Diễn Đàm, Nguyễn Hữu Bảo, Lê Việt Khánh, Lê Huy, Consuelo le Mire (Chile), Dominique de Miscault (Pháp), Xiomara Perez (Panama).
Điểm nhấn nổi bật của không gian Nghệ thuật Tân Hà Nội là hình ảnh 3D cầu Long Biên với mặt trời đỏ cách điệu vào trong lòng khối Diggital Arts do chị và nghệ sĩ Mike Savad thiết kế.
Đây cũng sẽ là nơi lan tỏa văn hóa Hà Nội và Việt Nam |
Nguyễn Thu Thủy cho biết các nghệ sĩ quốc tế có tác phẩm trưng bày đều đã từng tham gia thực hiện công trình Con đường gốm sứ ven sông Hồng. Họ giữ tình bạn thân thiết với chị suốt hơn 10 năm qua. Chính vì thế, không gian nghệ thuật này thực chất cũng là một “điểm hẹn văn hóa” để Hà Nội có thể hội tụ, giao thoa, lan tỏa hơn nữa những vẻ đẹp của mình. Đây cũng là nơi để chị tiếp tục được truyền cảm hứng và đầy sáng tạo trên con đường mà mình đã chọn.