Bài 5: Những mái nhà bình yên
Xuân về dưới mái nhà rông Xây dựng “Mái nhà thanh niên” giúp bạn trẻ vượt qua khó khăn Giáo dục không bạo lực: Xây dựng những mái nhà an toàn, hạnh phúc cho trẻ em |
Làm thế nào để gia đình Hà Nội sẽ phát huy được những giá trị tốt đẹp, tiếp tục là cái nôi nuôi dưỡng hình thành và phát triển nhân cách của mỗi cá nhân, là cơ sở nền tảng để phát triển xã hội? Phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có cuộc trò chuyện với PGS, TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội.
Tạo dựng môi trường sống văn minh, đặc trưng của Hà Nội
- PV: Ông có nhận xét gì về tầm quan trọng của gia đình với xã hội hiện đại ngày nay?
- PGS.TS Bùi Hoài Sơn: Gia đình đóng vai trò vô cùng quan trọng trong xã hội Việt Nam hiện đại. Gia đình là nơi trẻ em học những giá trị đạo đức, lối sống và truyền thống văn hóa. Sự giáo dục từ gia đình ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhân cách và sự phát triển toàn diện của mỗi cá nhân. Đây là nơi lưu giữ và truyền lại các truyền thống, phong tục tập quán và lễ nghi văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Bên cạnh đó, gia đình là nguồn hỗ trợ tinh thần và vật chất quan trọng nhất. Tinh thần đoàn kết và sự tương trợ giữa các thành viên trong gia đình là yếu tố then chốt giúp giải quyết nhiều vấn đề xã hội. Trong khi đó, những lúc khó khăn, các thành viên trong gia đình thường giúp đỡ lẫn nhau, tạo nên một mạng lưới an sinh an toàn và vững chắc.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn - - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội |
Ngoài ra, gia đình không chỉ là đơn vị tiêu dùng mà còn là đơn vị sản xuất trong nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp gia đình đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, từ quy mô nhỏ đến lớn. Tôi tin rằng, một xã hội phồn vinh, hạnh phúc được xây dựng từ những gia đình tốt đẹp. Gia đình ổn định và hạnh phúc sẽ tạo nên một xã hội an toàn và phát triển.
Trong bối cảnh hiện đại, dù có nhiều thay đổi và thách thức, vai trò của gia đình vẫn không hề giảm sút mà ngược lại, càng trở nên quan trọng hơn trong việc duy trì một xã hội ổn định và phát triển bền vững.
- Gia đình Hà Nội truyền thống có đặc trưng gì khác với các địa phương khác hay không, thưa ông?
- Tôi nghĩ, gia đình Hà Nội truyền thống có một số đặc trưng riêng biệt so với các địa phương khác.
Đầu tiên đó là truyền thống văn hóa. Gia đình Hà Nội thường rất coi trọng giáo dục và truyền thống. Việc học hành, thi cử và thành đạt trong học tập luôn được đặt lên hàng đầu. Nhiều gia đình ở Hà Nội có truyền thống học hành lâu đời, với nhiều thế hệ làm nghề giáo hoặc tham gia vào các hoạt động học thuật.
Thứ hai là nếp sống thanh lịch và tinh tế khi người Hà Nội thường được biết đến với nếp sống thanh lịch, tinh tế và sự tôn trọng lễ nghi. Điều này thể hiện qua cách cư xử, cách ăn mặc và thậm chí là trong việc tổ chức các sự kiện gia đình như cưới hỏi, giỗ chạp, và gia đình Hà Nội thường chú trọng đến việc duy trì phong cách sống thanh lịch và văn minh.
Bữa cơm gia đình người Hà Nội |
Thứ ba, do đặc thù của Hà Nội là một thành phố đông đúc, nhiều gia đình sống trong những ngôi nhà ống hẹp, tầng lớp và có diện tích nhỏ. Vì thế tạo nên một lối sống khá khác biệt so với các vùng nông thôn hay các thành phố khác, nơi không gian sống rộng rãi hơn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều gia đình Hà Nội cũng đã chuyển đến các khu đô thị mới với những căn hộ hiện đại và tiện nghi hơn.
Thứ tư, ở Hà Nội, mối quan hệ giữa các gia đình trong cùng một khu phố thường rất chặt chẽ. Người dân thường xuyên giao lưu, hỗ trợ lẫn nhau và tham gia vào các hoạt động cộng đồng. Các gia đình Hà Nội thường tổ chức các buổi gặp gỡ, liên hoan và hoạt động văn hóa, thể thao trong khu dân cư.
Cuối cùng là ẩm thực và phong cách ăn uống. Gia đình Hà Nội có phong cách ẩm thực đặc trưng với những món ăn tinh tế, nhẹ nhàng và mang đậm hương vị truyền thống như: Phở, bún chả, chả cá Lã Vọng. Cách bày biện và thưởng thức món ăn của người Hà Nội cũng rất cầu kỳ, chú trọng đến sự thanh tao và đẹp mắt. Những đặc trưng này không chỉ phản ánh nét riêng biệt của gia đình Hà Nội mà còn góp phần tạo nên sự đa dạng và phong phú trong văn hóa gia đình Việt Nam.
- Theo ông, trong việc xây dựng, bồi đắp giá trị văn hóa, làm nên nét thanh lịch, văn minh của người Hà Nội thì các gia đình Hà Nội có vai trò như thế nào để gìn giữ và trao truyền những giá trị từ ngàn xưa ấy đến thế hệ trẻ ngày nay và mai sau?
- Các gia đình Hà Nội đóng một vai trò rất quan trọng trong việc gìn giữ và trao truyền những giá trị văn hóa, làm nên nét thanh lịch, văn minh của người Hà Nội đến thế hệ trẻ ngày nay và mai sau.
Để làm được điều đó, theo tôi, đầu tiên chúng ta phải quan tâm đến giáo dục gia đình. Các bậc phụ huynh cần truyền đạt cho con cái những giá trị đạo đức như lòng hiếu thảo, trung thực, tôn trọng người khác, và sự cần cù... Gia đình cần giáo dục con cái về các lễ nghi, phong tục truyền thống của Hà Nội như cách chào hỏi, cách ứng xử trong các dịp lễ tết, cưới hỏi, giỗ chạp.
Thứ hai là luôn phải thực hành và duy trì truyền thống. Gia đình nên tổ chức thường xuyên các buổi sum họp gia đình, lễ tết và các hoạt động văn hóa truyền thống để các thành viên, đặc biệt là thế hệ trẻ, có cơ hội tham gia và hiểu biết về truyền thống của gia đình và cộng đồng. Trong những dịp đó, các món ăn truyền thống của Hà Nội không chỉ là ẩm thực mà còn là di sản văn hóa. Việc truyền lại các công thức nấu ăn và cách thưởng thức các món ăn này cũng là một cách gìn giữ văn hóa.
Thứ ba, gia đình cần tạo dựng một môi trường sống văn minh, từ việc giữ gìn vệ sinh chung, ứng xử lịch sự, đến việc tham gia vào các hoạt động cộng đồng; đồng thời khuyến khích các thành viên thực hiện văn hóa ứng xử tốt đẹp trong giao tiếp hàng ngày, từ cách nói chuyện, cách chào hỏi đến cách đối xử với người lớn tuổi, hàng xóm và bạn bè. Đó là cách chúng ta thực hiện tốt chủ trương của Chính quyền Thủ đô trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, tiêu biểu cho những giá trị tốt đẹp nhất của con người Việt Nam.
Thứ tư là khuyến khích học tập và phát triển cá nhân. Tôi cho rằng, giáo dục luôn là một giá trị cốt lõi trong văn hóa Hà Nội, nơi có biểu tượng của đạo học, đồng thời cũng là của Hà Nội là Khuê Văn Các. Gia đình cần khuyến khích con cái học tập, phát triển tri thức và kỹ năng sống để trở thành những công dân có ích cho xã hội, cũng như tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, nghệ thuật sẽ giúp thế hệ trẻ phát triển toàn diện và hiểu biết hơn về văn hóa truyền thống.
Thứ năm, rất quan trọng trong bối cảnh xã hội hiện nay, là cần tạo ra sự kết nối thế hệ. Ông bà, cha mẹ có thể kể cho con cháu nghe những câu chuyện về lịch sử gia đình, những trải nghiệm và bài học cuộc sống để tạo sự kết nối giữa các thế hệ và giúp con cháu hiểu hơn về nguồn gốc và truyền thống của gia đình. Các hoạt động chung của cả gia đình từ ông bà, cha mẹ đến con cháu sẽ giúp duy trì và phát huy tình cảm gia đình, cũng như truyền tải những giá trị văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Thứ sáu là lợi ích đến từ việc tham gia vào các hoạt động cộng đồng và xã hội. Gia đình nên tham gia các hoạt động từ thiện, các lễ hội văn hóa, và các phong trào xã hội để không chỉ góp phần vào sự phát triển của cộng đồng mà còn giúp các thế hệ trẻ nhânj thức rõ hơn về trách nhiệm xã hội, cũng như tham gia vào việc bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa, và nghệ thuật của Hà Nội, giúp con cháu hiểu được giá trị và tầm quan trọng của việc bảo vệ di sản.
Tôi tin tưởng rằng, bằng những hành động cụ thể và thiết thực này, các gia đình Hà Nội không chỉ bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa thanh lịch, văn minh của người Hà Nội mà còn truyền lại những giá trị quý báu đó cho các thế hệ mai sau.
Hạn chế “tương tác ảo” để gắn bó mật thiết hơn
- Theo ông, gia đình Hà Nội ngày nay phải đối mặt với những nguy cơ gì?
- Gia đình Hà Nội ngày nay phải đối mặt với nhiều nguy cơ và thách thức trong bối cảnh xã hội hiện đại. Đầu tiên là những áp lực từ kinh tế và công việc khi công việc căng thẳng và yêu cầu cao về hiệu suất làm việc có thể khiến các thành viên trong gia đình ít có thời gian dành cho nhau. Trong khi đó, giá cả nhà đất, giáo dục, y tế và các chi phí sinh hoạt khác ngày càng tăng, gây áp lực kinh tế lên gia đình, đặc biệt là những gia đình có thu nhập trung bình và thấp.
Tiếp theo đó là sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai qua internet, phim ảnh, âm nhạc có thể khiến giới trẻ mất dần những giá trị truyền thống của gia đình và xã hội Hà Nội. Cùng với đó, lối sống hiện đại, nhanh chóng, thiếu đi sự gắn kết và tương tác trực tiếp giữa các thành viên trong gia đình; sự chuyển đổi từ gia đình truyền thống nhiều thế hệ sang gia đình hạt nhân nhỏ gọn có thể làm giảm bớt sự hỗ trợ và gắn kết giữa các thành viên.
Tăng những hoạt động gắn kết gia đình |
Đối với con cái là áp lực học hành và kỳ vọng quá cao, khi học sinh phải đối mặt với áp lực lớn từ việc học hành, thi cử và mong muốn đạt thành tích cao, gây ra stress và ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần. Trong lúc đó, kỳ vọng quá cao từ cha mẹ về thành tích học tập và nghề nghiệp tương lai của con cái có thể gây ra sự căng thẳng và áp lực lớn.
Ngoài ra, đó có thể đến từ sự phát triển không đều giữa các khu vực ở Thủ đô ảnh hưởng đến cơ hội phát triển và điều kiện sống của các gia đình. Một số khu vực thiếu cơ sở hạ tầng, dịch vụ công cộng và không gian xanh có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của các gia đình. Hay những vấn đề liên quan đến bạo lực gia đình, mặc dù không phổ biến, vẫn tồn tại và có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với sự phát triển của các thành viên, đặc biệt là trẻ em.
Áp lực từ nhiều phía có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe tâm lý như trầm cảm, lo âu và stress, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Tất nhiên là không thể không kể đến tác động của công nghệ số đến gia đình Hà Nội khi sự phụ thuộc vào các thiết bị công nghệ và mạng xã hội có thể làm giảm đi sự tương tác thực sự giữa các thành viên trong gia đình, và trẻ em và thanh thiếu niên có thể tiếp cận với thông tin không phù hợp hoặc không lành mạnh trên internet, ảnh hưởng đến nhận thức và hành vi.
- Mạng xã hội phát triển mang tới những mặt trái gì cho gia đình Hà Nội, ông có nhận xét gì về việc một số gia đình Hà Nội có hiện tượng thích giao tiếp với nhau thông qua mạng xã hội hơn là tương tác ngoài đời thực, điều này có ảnh hưởng gì tới tình cảm và sự gắn kết gia đình không? Bên cạnh đó, các thành viên trong gia đình cũng hướng sự quan tâm, giao tiếp với người ngoài qua mạng xã hội nhiều hơn là giao lưu, thể hiện tình cảm với người trong gia đình. Hiện tượng cả gia đình ngồi bên nhau nhưng ít chuyện trò mà mỗi người một điện thoại, cắm đầu vào đó giải quyết những việc riêng không phải là hiếm. Điều này sẽ mang lại những nguy cơ gì?
- Sự phát triển của mạng xã hội đã mang lại nhiều tiện ích và cơ hội kết nối, nhưng cũng đồng thời đem đến một số mặt trái cho gia đình Hà Nội.
Thứ nhất là giảm sự tương tác trực tiếp. Việc giao tiếp thông qua mạng xã hội thay vì gặp gỡ và nói chuyện trực tiếp có thể làm giảm đi sự gắn kết và tình cảm gia đình. Sự thiếu vắng giao tiếp mặt đối mặt có thể dẫn đến sự hiểu lầm và giảm sự thân thiết giữa các thành viên.
Việc không dành thời gian trò chuyện và chia sẻ trực tiếp làm giảm khả năng hiểu biết và đồng cảm với những khó khăn, niềm vui và nỗi buồn của nhau. Rõ ràng, mặc dù có thể dễ dàng gửi tin nhắn hoặc gọi điện qua mạng xã hội, nhưng sự tương tác ảo không thể thay thế được những cảm xúc, cử chỉ và sự hiện diện thực sự trong các mối quan hệ gia đình.
Thứ hai, chúng ta đang chứng kiến nguy cơ cô lập xã hội trong chính gia đình. Hiện tượng cả gia đình ngồi bên nhau nhưng mỗi người lại cắm đầu vào điện thoại làm tăng sự cô lập cá nhân trong chính gia đình mình. Mỗi người dường như sống trong một thế giới riêng, ít quan tâm và chia sẻ với nhau. Thời gian mà các thành viên dành cho nhau giảm đi, làm giảm cơ hội để chia sẻ, trò chuyện và hiểu biết lẫn nhau, hoàn toàn có thể dẫn đến sự xa cách và rạn nứt trong mối quan hệ gia đình.
Thứ ba là ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và sức khỏe. Sự phụ thuộc vào mạng xã hội có thể gây ra cảm giác lo âu, căng thẳng và mất tập trung, ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe tinh thần của các thành viên. Trong khi đó, việc sử dụng điện thoại và máy tính bảng quá nhiều có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe như mỏi mắt, đau cổ và thiếu vận động.
Thứ tư là ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ em khi trẻ em và thanh thiếu niên có thể bị ảnh hưởng bởi những thông tin không lành mạnh trên mạng xã hội nếu thiếu sự hướng dẫn và kiểm soát từ cha mẹ. Bên cạnh đó, việc giao tiếp chủ yếu qua mạng xã hội có thể làm giảm kỹ năng giao tiếp trực tiếp của trẻ, ảnh hưởng đến khả năng tạo dựng các mối quan hệ xã hội sau này.
Kết hợp giáo dục truyền thống và hiện đại
- Theo ông, có những giải pháp gì để các gia đình Hà Nội vừa giữ được những giá trị truyền thống vừa tăng cường giáo dục nếp sống văn hóa trong gia đình, làm nên đặc trưng người Hà Nội thời hiện đại?
- Để các gia đình Hà Nội vừa giữ được những giá trị truyền thống vừa tăng cường giáo dục nếp sống văn hóa trong gia đình, làm nên đặc trưng người Hà Nội thời hiện đại, đầu tiên, chúng ta cần kết hợp giáo dục truyền thống và hiện đại. Gia đình cần thường xuyên tổ chức các buổi sum họp gia đình, kỷ niệm các ngày lễ truyền thống và giỗ chạp để duy trì và phát huy giá trị truyền thống.
Đồng thời, mỗi gia đình cần khuyến khích con cái học tập, phát triển kỹ năng sống hiện đại, như khả năng sử dụng công nghệ, ngoại ngữ và kỹ năng mềm. Thứ hai là chú trọng giáo dục giá trị đạo đức và lối sống văn minh bằng cách dạy con cái cách ứng xử lịch sự, tôn trọng người khác, biết lắng nghe và chia sẻ.
Bên cạnh đó, chúng ta cần khuyến khích con cái tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện để phát triển lòng nhân ái; giúp con cái hiểu và thực hiện trách nhiệm của mình trong gia đình và xã hội, từ việc nhỏ như tự giác học tập, làm việc nhà đến tham gia vào các hoạt động cộng đồng.
Thứ ba là tạo môi trường gia đình gắn kết và yêu thương bằng cách dành thời gian cho nhau qua các hoạt động gia đình như đi dạo, đọc sách, nấu ăn, hay chơi thể thao. Thiết lập các bữa ăn gia đình không có sự hiện diện của thiết bị điện tử để tăng cường sự tương tác.
Chúng ta cần khuyến khích giao tiếp mở, lắng nghe và chia sẻ giữa các thành viên để tạo ra sự hiểu biết và đồng cảm; dạy con cái cách nấu các món ăn truyền thống của Hà Nội, khám phá và thử nghiệm các món ăn mới, kết hợp truyền thống và hiện đại; cùng nhau nấu ăn và thưởng thức sẽ tạo ra sự gắn kết gia đình.
Thứ tư là tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng qua các lễ hội, sự kiện văn hóa tại địa phương để hiểu và yêu hơn những giá trị văn hóa truyền thống hay tham gia các hoạt động từ thiện, bảo vệ môi trường và các phong trào xã hội để tạo ra sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình và cộng đồng.
Thứ năm là bảo vệ trẻ em trước tác động tiêu cực của mạng xã hội thông qua việc đặt ra các quy định rõ ràng về thời gian sử dụng thiết bị điện tử và mạng xã hội. Hướng dẫn trẻ sử dụng mạng xã hội một cách an toàn và có trách nhiệm. Đăng ký cho trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa như thể thao, âm nhạc, nghệ thuật để phát triển toàn diện và hạn chế thời gian sử dụng thiết bị điện tử.
Thứ sáu là thúc đẩy tinh thần học tập suốt đời bằng cách khuyến khích cả gia đình đọc sách, tham gia các câu lạc bộ sách, chia sẻ kiến thức và cùng nhau thảo luận về những cuốn sách đã đọc, và động viên các thành viên trong gia đình không ngừng học hỏi, phát triển bản thân qua các khóa học online, hội thảo và các hoạt động giáo dục khác.
Cuối cùng, cũng rất quan trọng là duy trì và phát triển mối quan hệ gia đình mở rộng. Tôi tin là sự gắn kết với họ hàng qua duy trì mối quan hệ thân thiết với họ hàng, thường xuyên thăm hỏi và tổ chức các buổi gặp gỡ gia đình mở rộng, cũng như ông bà, cha mẹ chia sẻ kinh nghiệm sống, những bài học quý báu từ cuộc sống cho con cháu để các thế hệ sau hiểu và trân trọng những giá trị truyền thống.
Đây là những hành động rất tốt để xây dựng văn hóa gia đình mới, vừa giữ gìn những giá trị truyền thống tốt đẹp, vừa thích ứng và phát triển trong bối cảnh hiện đại, góp phần làm nên đặc trưng người Hà Nội thời kỳ mới.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nếp nhà tạo nên nét ngườiChuyên gia Nguyễn Văn Thanh - Phó Giám đốc Trung tâm kỹ năng sống Văn hóa Việt cho rằng: “Để giữ gìn truyền thống, để giữ gìn bản sắc của các gia đình Hà Nội với nền tảng tốt đẹp của ngàn năm văn hiến, tiếp tục xây dựng nếp sống người Hà Nội thanh lịch văn minh trong thời hiện đại là một nhiệm vụ khá khó khăn nhưng vô cùng quan trọng. Bởi nếp nhà tạo nên nét người, do đó xây dựng gia đình văn minh cũng chính là tạo nền tảng cho mỗi cá nhân văn minh. Chúng ta cần tăng cường giáo dục địa phương trong trường học bằng việc tuyên truyền, thúc đẩy hình thành ý thức, thói quen và nếp sống thanh lịch cho mỗi học sinh từ trên ghế nhà trường. Đối với mỗi người dân cần thực hiện tốt hơn nữa những Quy tắc ứng xử do thành phố ban hành. Chúng ta cũng cần xây dựng những đề án để thúc đẩy việc mỗi gia đình, mỗi người dân ý thức cao hơn nữa trong việc giữ gìn, phát huy những giá trị tốt đẹp của ngàn năm Thăng Long, Hà Nội để xứng tầm với ý nghĩa, giá trị của người dân Thủ đô. Bản thân từ hệ thống chính trị như Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố, các ban ngành đoàn thể cần đầu tư nghiên cứu, chỉ ra những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Hà Nội xưa để tăng cường tuyên truyền, phổ biến tới người Hà Nội ngày nay. Bởi lẽ, không phải người Hà Nội trẻ ngày nay, người mới về Hà Nội sinh cơ lập nghiệp nào cũng biết về vốn quý đó của mảnh đất mà mình đang sống. Chúng ta cần phải tuyên truyền thường xuyên, liên tục hơn nữa, bằng nhiều hình thức hơn nữa thì mới khiến người dân hiểu, nhận ra sự khác biệt, cảm thấy cái hay, cái đẹp trong đó để mà học tập, làm theo. Bên cạnh việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy tắc ứng xử thì thành phố Hà Nội cũng nên tổ chức thêm các hội thi, hội diễn với hình thức sân khấu hóa để thu hút sự quan tâm, chú ý, tham gia của người dân. Chúng ta cũng cần đưa việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh vào tiêu chí xây dựng đô thị văn minh, nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu. Chúng ta cần xử lý nghiêm những trường hợp làm ảnh hưởng đến văn hóa, thuần phong mỹ tục tại địa phương. Quan trọng nhất, mỗi gia đình cần phải tham gia, gìn giữ như thế nào? Bản thân mỗi bố mẹ, ông bà những người đã sinh sống lâu năm ở Hà Nội phải tích cực trao truyền cho con cháu thế hệ sau những giá trị văn hóa tồn tại lâu dài trong các gia đình. Đơn giản đó là nếp nhà, nếp thưa gửi, ứng xử với người lớn tuổi, với trẻ nhỏ, với các mối quan hệ xã hội. Đơn giản nhất là người thế hệ trước trao lại các bí quyết nấu những món ăn truyền thống đặc trưng của Hà Nội xưa và cả cách trình bày, cách ăn, cách mời, từng “nghi thức” nhỏ với những bữa ăn gia đình. Bản thân mỗi gia đình cũng phải tự khôi phục lại những văn hóa truyền thống mà chúng ta đã xác lập được. Chẳng hạn như ngày Tết thì cắm hoa thủy tiên, tắm lá mùi già, treo tranh Hàng Trống, trang trí nhà cửa theo lối xưa. Nếu không cho các cháu nhỏ gói bánh chưng, làm bánh trôi, làm bánh trung thu, tham gia các hoạt động đón Tết truyền thống tại phố cổ… thì dần dần những dấu tích ấy sẽ phôi phai. Nếu người trẻ không được biết đến các nếp xưa ấy thì làm sao họ có thể hiểu, thích và truyền lại cho con cháu mình? |