Bản lĩnh vượt khó
Tiên phong trên mọi mặt trận
Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập toàn cầu mạnh mẽ, doanh nghiệp Việt đã có những bước phát triển vượt bậc, góp phần mang lại sức sống cho nền kinh tế, phát triển cộng đồng và xây dựng đất nước. Chính trong thời điểm khó khăn, các doanh nghiệp đang phải đương đầu với nhiều thách thức, thì bản lĩnh của doanh nhân càng cần được khẳng định và ghi nhận. Họ không chỉ “chèo lái” để giúp doanh nghiệp tồn tại mà còn tìm cơ hội để đưa doanh nghiệp Việt Nam đột phá, tạo ra được những lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Là một thương binh, xuất thân từ hoàn cảnh khó khăn, ông Nguyễn Văn Quỳnh, Giám đốc Công ty Cơ khí chế tạo và Dịch vụ tổng hợp 27/7 cho biết: Muốn thành công trước hết phải có ý chí và nghị lực rất lớn, chứ không phải do số phận. Dù ở hoàn cảnh nào cũng phải tìm cách vươn lên. Tiếp theo đó phải quản trị được dòng tiền và phải biết mình là ai. Cùng với đó, người lãnh đạo doanh nghiệp phải có sự quyết đoán, chịu khó học hỏi, có kiến thức sâu rộng về mọi mặt…
Đó là lý do vì sao thời điểm khó khăn này, doanh nghiệp của ông vẫn đứng vững, dòng tiền rất dồi dào, trong khi có nhiều doanh nghiệp lớn thất bại, phá sản. “Trường hợp chúng ta không có được nguồn tiền dồi dào thì chúng ta phải xây dựng được uy tín, thương hiệu… Có như vậy, khách hàng, đối tác mới tin tưởng và hợp tác”, ông Nguyễn Văn Quỳnh chia sẻ.
Doanh nghiệp Việt luôn thể hiện rõ vai trò tiên phong của mình trên mọi mặt trận |
Nhấn mạnh về vai trò của doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội cho biết: Mỗi doanh nghiệp cần phát huy tinh thần tự chủ và phản ứng linh hoạt trước hoàn cảnh bất lợi. Đơn cử như lãnh đạo doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao năng lực quản trị, có tầm nhìn và đánh giá đúng về xu hướng thị trường.
Cùng với đó, phải biết tiết giảm chi phí bên cạnh việc chủ động đầu tư đổi mới công nghệ, tìm kiếm thị trường mới, gia tăng kết quả sản xuất, kinh doanh. Việc chủ động tìm kiếm, hợp tác với đối tác nước ngoài cũng là một gợi ý đáng quan tâm nhằm tiếp thu công nghệ và kinh nghiệm quốc tế, với độ mở và năng lực cạnh tranh rất cao.
“Mỗi đơn vị cũng phải xác định rõ mục tiêu, biết cách xây dựng thương hiệu cũng như có chiến lược phù hợp bên cạnh việc tìm hiểu rõ, tận dụng tốt những trợ giúp từ các cấp, ngành. Gần đây, các chính sách miễn, giảm thuế, phí đã được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận nhưng vẫn cần được thực thi có hiệu quả và kịp thời hơn. Doanh nghiệp cũng phải chủ động tận dụng mọi cơ chế, chính sách hỗ trợ bên cạnh việc liên kết, hợp tác chặt chẽ để tạo thành chuỗi giá trị cung ứng trong nước”, ông Mạc Quốc Anh nói.
Góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế
Theo nhận định chung của cộng đồng doanh nghiệp Việt, chưa bao giờ cả nước có một sự đồng thuận trong nhận thức, hành động khi xây dựng phát triển kinh tế cao như giai đoạn hiện này. Trong tình hình mới, các doanh nghiệp phải tự nhìn lại mình và tự tái cấu trúc, đổi mới để tự tiếp tục phát triển. Doanh nghiệp cần phải xây dựng những phương thức quản lý mới, mô hình quản lý mới đảm bảo được các điều kiện.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Cộng nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công cho rằng, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, các doanh nghiệp Việt Nam đã rất năng động, linh hoạt, tìm ra nhiều giải pháp phù hợp tình hình để phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, cần nhận thức, những khó khăn này vừa là sức ép, vừa là cơ hội để doanh nghiệp tồn tại và phát triển.
Doanh nghiệp Việt đã có những bước phát triển vượt bậc, góp phần mang lại sức sống cho nền kinh tế, |
Theo nhận định của các chuyên gia, so với nhiều nước trong khu vực, sức ép của doanh nghiệp Việt Nam lớn hơn, bởi chúng ta đang thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với những tiêu chuẩn, yêu cầu cao, đặc biệt là về phát triển bền vững. Những áp lực này phần nào giúp doanh nghiệp có sự đầu tư nhất định để chuẩn bị vượt qua với chiến lược kinh doanh mới, phù hợp thị trường. Nếu doanh nghiệp ứng dụng tốt các tiêu chuẩn mới của thị trường vào sản xuất, kinh doanh, chắc chắn nền kinh tế Việt Nam sẽ có thể đạt trình độ phát triển cao trong khu vực.
Ông Phạm Tấn Công nêu rõ: "Với niềm tự hào Ngày Doanh nhân Việt Nam, với tinh thần đoàn kết, bản lĩnh, sáng tạo, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, của lãnh đạo các ban, bộ, ngành, giới doanh nhân Việt Nam tin tưởng và khẳng định sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, duy trì ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ đó đóng góp xứng đáng vào thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra".
Có thể nhận thấy rằng, trong giai đoạn hiện nay, khó khăn liên tục tác động đến mỗi doanh nghiệp. Dẫu vậy, trên thực tế, vẫn có nhiều đơn vị biết phát huy nội lực, phát hiện ra cơ hội mới và có sức sáng tạo nên trụ vững, hơn thế là tìm được phương cách nhằm sớm phục hồi, đa dạng hóa giải pháp kinh doanh để phát triển mạnh hơn…
Đó cũng là lý do giải thích vì sao nền kinh tế đã có sự ổn định và tăng trưởng trong sản xuất, kinh doanh trên phạm vi toàn quốc. Điều đó cũng phản ánh các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cũng như những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp đã đi đúng hướng và thu được hiệu quả.