Báo chí và mạng xã hội: Cần có sự chọn lọc thông tin
Xử phạt người đăng thông tin sai sự thật lên mạng xã hội Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo đầu tư chứng khoán trên mạng xã hội Đề xuất cấm kinh doanh dược trên mạng xã hội |
Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội đang tác động mạnh mẽ đến các cơ quan báo chí và đặt ra nhiều thách thức (Ảnh Đ.Minh) |
Sức ép cạnh tranh về tốc độ thông tin
Hằng ngày, hằng giờ, hằng phút, thậm chí hằng giây, những thông tin nóng hổi trên các trang mạng xã hội (MXH) làm báo chí truyền thống hốt hoảng chạy theo và đôi khi phải sực tỉnh.
Báo chí là một trong những đối tượng chịu nhiều tác động của MXH. Từ vị trí gần như độc quyền về thông tin đang bị MXH lấn át và chia sẻ thị phần một cách nhanh chóng.
Trước tình hình đó, các cơ quan quản lý thông tin không thể cấm đoán, thu hẹp hoạt động MXH, cách thức duy nhất là báo chí và phương tiện truyền thông chính thống phải tự đổi mới cho phù hợp để tồn tại và phát triển.
Chị Nguyễn Thị Nhạn (nhân viên công ty bất động sản tại Đà Nẵng) chia sẻ, chị dần thay đổi thói quen đọc tin tức trên báo điện tử mỗi ngày từ khi sử dụng MXH Facebook. Thay vì đọc thông tin trên các trang báo lâu nay, chị tìm đọc tin tức trên MXH.
Chị Nhàn cho hay: “Bất cứ lúc nào người dùng MXH cũng có thể nhanh chóng tiếp cận với những thông tin nóng hổi. Thông qua các đường link chia sẻ của người dùng hay nội dung của các fanpage. Tuy vậy, những sự việc nóng mà dư luận đang rất quan tâm, lùng sục để thỏa mãn nhu cầu thông tin thì tôi luôn chờ báo chí chính thống đưa tin thì mới tin được”.
Phóng viên trong nước và quốc tế tác nghiệp tại “Diễn đàn khu vực ASEAN về ứng phó và xử lý tin sai sự thật trên không gian mạng” trong khuôn khổ AMRI 16 tại TP Đà Nẵng (Ảnh: Đ.Minh) |
Ở nước ta, báo chí là cơ quan ngôn luận của Đảng và Nhà nước, là tiếng nói chính thống của Nhân dân, khi MXH phát triển đa dạng, đa chiều, thậm chí trở thành “ma trận hỗn loạn” thì báo chí đóng vai trò quan trọng để cung cấp những thông tin đích thực, chính thống, đầy đủ và đúng đắn cho công chúng.
Theo đó, các mạng xã hội thường được các phóng viên sử dụng phổ biến nhất là Facebook, Zalo, TikTok. Những mạng xã hội này được sử dụng với mục đích là để cập nhật thông tin, kết nối với độc giả, bạn bè, đồng nghiệp.
Đồng thời, mạng xã hội giúp thúc đẩy quá trình tiếp nhận thông tin của người làm báo. Ví dụ như thay vì nhận tin tức hoặc đề tài qua các hình thức cũ như email, giờ đây phóng viên có thể ngay lập tức tiếp cận với công việc qua các nền tảng mạng xã hội phổ biến như Facebook, Zalo một cách nhanh chóng và thuận tiện hơn nhiều.
MXH cũng mang lại đầy đủ thông tin ở tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống, từ các tin tức về văn hóa, giải trí cho tới chính trị - xã hội và các nguồn thông tin ở MXH cũng rất đa dạng, nhiều chiều. Đây là nguồn thông tin cực kỳ rộng lớn để khai thác cũng như tiếp nhận, một cách hoàn toàn miễn phí.
Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, nhiều tòa soạn báo chí đã tận dụng MXH để mở rộng phạm vi tương tác, mở rộng hơn lượng công chúng của mình.
Hiện nay, hầu hết các cơ quan báo điện tử đã đưa sản phẩm của mình lên các trang mạng xã hội Facebook, YouTube, TikTok… Qua đó, bạn đọc dễ dàng tiếp cận, cập nhật các thông tin thời sự, kinh tế - xã hội hằng ngày, góp phần định hướng dư luận trên mạng xã hội.
Tuy nhiên đây cũng là “con dao hai lưỡi” đối với người dùng cũng như các cơ quan báo chí nói chung khi khai thác nguồn tin từ mạng xã hội. Dù có tốc độ lan truyền nhanh chóng, liên tục theo từng giây và phạm vi tương tác đa chiều, nhưng không ít thông tin trên MXH chỉ với mục đích câu like, câu view.
Những dạng thông tin giật gân, nóng hổi nhưng sai sự thật, bịa đặt, có tác động xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến việc định hướng dư luận.
Thực tế, tin giả, thông tin xấu, độc thường có xu hướng lan truyền nhanh hơn tin chính thống từ các phương tiện truyền thông. Bằng chứng là, hiện chỉ cần xuất hiện những tin tức giật gân hay một vấn đề nóng nào đó, người dùng MXH chưa cần biết hoặc kiểm chứng đúng hay sai đã nhanh chóng quan tâm, chia sẻ khiến cho thông tin khuếch tán trên internet và các phương tiện truyền thông.
Bạn Nguyễn Ngọc Hướng, sinh viên năm 4 khoa Báo chí truyền thông chia sẻ, việc đọc được những tin tức sai lệch là không tránh khỏi, tuy nhiên độc giả cần chọn lọc thông tin tiếp nhận (Ảnh NVCC) |
Bạn Nguyễn Ngọc Hướng, sinh viên năm 4 khoa Báo chí truyền thông, trường Đại học Khoa học Huế chia sẻ, khi tham gia MXH, việc đọc được những tin tức sai lệch là không tránh khỏi, tuy nhiên các bạn phải tỉnh táo, chọn lọc thông tin tiếp nhận, không được chia sẻ hay bình luận vào các đường link ấy. Việc tiếp nhận thông tin trên các tờ báo chính thống, đài truyền hình sẽ xác thực và an toàn hơn, đảm bảo tính chính xác.
Tôn trọng sự thật, xây dựng niềm tin
Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam năm 2019 quy định những điều người làm báo Việt Nam cần làm khi tham gia MXH gồm phát hiện, khai thác có kiểm chứng, có chọn lọc thông tin về những vấn đề mới của xã hội để phục vụ tác nghiệp báo chí (Điều 3).
Dựa vào các cơ sở pháp lý và kiến thức, nghiệp vụ nghề nghiệp các cơ quan báo điện tử cùng các nhà báo đã chọn lọc, thẩm định, sử dụng nguồn tin trên mạng xã hội làm đề tài và nguyên liệu cho sản phẩm báo chí.
Luật Báo chí, Quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội người làm báo Việt Nam, đều coi trọng việc nâng cao văn hóa, đạo đức nghề nghiệp người làm báo, coi đây là một trong những vấn đề sống còn trong hoạt động báo chí. Tuy nhiên, tất cả dường như vẫn chưa đủ.
Để chấn chỉnh đạo đức nhà báo, góp phần hiện thực hóa xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại. Việc xây dựng “môi trường văn hóa báo chí” phải là việc tiếp tục phải được hiện thực hóa thường xuyên, quyết liệt, là việc làm sống còn tại tất cả các cơ quan báo chí trong cả nước.
Xu hướng làm báo đa phương tiện đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với nhà báo, khi truyền thông hiện đại là nguồn tin đa chiều |
Trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, dưới góc độ làm công tác nghiên cứu, Thạc sĩ Trần Thị Phương Nhung, Phó Trưởng khoa Báo chí truyền thông, trường Đại học Khoa học (Đại học Huế) nhìn nhận, nhờ có sự phản hồi của bạn đọc trên MXH mà các tờ báo đã khai thác, tìm kiếm các chủ đề hay, có liên quan mật thiết đến thực tế và cuộc sống của bạn đọc hơn, bạn đọc cũng đóng góp vào việc sản xuất và phổ biến thông tin.
Đứng trước sự phát triển mạnh mẽ của MXH, Thạc sĩ Trần Thị Phương Nhung cho rằng, xét về tốc độ thông tin báo chí không thể nhanh bằng MXH vì thông tin trên báo chí cần thời gian để kiểm chứng; về mặt số lượng đội ngũ phóng viên, cộng tác viên không thể áp đảo người dùng mạng xã hội, có những thông tin “hot” chưa kịp xuất hiện trên báo chí thì đã xuất hiện lập tức trên MXH. Tuy nhiên, thông tin báo chí là thông tin đã qua kiểm chứng, độ tin cậy cao và được công chúng coi như nguồn để đánh giá kiểm chứng thông tin trên MXH.
Thạc sĩ Trần Thị Phương Nhung, Phó Trưởng khoa Báo chí truyền thông, trường Đại học Khoa học - Đại học Huế (Ảnh: NVCC) |
Do đó, mối quan hệ giữa báo chí và MXH là mối quan hệ “win - win”, để tận dụng MXH là công cụ đắc lực, mỗi phóng viên, nhà báo cần có đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng và ứng phó với tin giả trên MXH, kiểm soát nguồn tin, làm chủ và sử dụng tốt công cụ kỹ thuật số. Xu hướng làm báo đa phương tiện đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với nhà báo, khi truyền thông hiện đại là nguồn tin đa chiều.
Không chỉ có các nhà báo mà nhiệm vụ của các cơ sở đào tạo báo chí là phải tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đòi hỏi thực tiễn ở cả 3 yếu tố phẩm chất đạo đức, kiến thức, kỹ năng một cách toàn diện, chuyên nghiệp.
“Chỉ có chung sống, đồng hành với mạng xã hội, khai thác và tương hỗ lẫn nhau vì mục tiêu tiến bộ xã hội, báo chí mới có thể tồn tại và phát triển, mới có thể vươn lên đóng vai trò dẫn dắt và định hướng, như sứ mệnh được giao phó” Thạc sĩ Trần Thị Phương Nhung nhận định.
Trước đây, độc giả đón nhận thông tin một chiều, thiếu cơ chế giám sát cũng như phản hồi đối với thông tin báo chí. Giờ đây, hầu hết các báo điện tử đều triển khai mục “Bình luận của bạn đọc” (comment) và “yêu thích” (like) dưới mỗi bài viết.
Mạng xã hội và báo chí có mối quan hệ mật thiết. Mặc dù, báo chí bị MXH cạnh tranh gay gắt nhưng khi biết tận dụng mối quan hệ này thì báo chí sẽ có thêm một trợ thủ đắc lực, một môi trường tương tác và có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để phát triển.