Báo chí và vai trò kiến tạo tri thức số
Vi phạm bản quyền báo chí: Sự xuống cấp của đạo đức và văn hóa Báo chí đặt tít bài sao cho tinh tế, nhân văn... Tuổi trẻ Thủ đô giành 2 giải báo chí về văn hóa người Hà Nội |
Thách thức trong truyền thông chính sách
Theo Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông Lưu Đình Phúc, một chính sách ban hành phải xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, xa rời thực tiễn thì chính sách sẽ không có đất sống. Chính sách ban hành ra mà người dân không biết thì coi như chính sách đó chưa được ban hành. Truyền thông chính sách được gắn chặt với báo chí.
Qua bộ lọc báo chí, thông tin chính sách trở thành tri thức có giá trị cho mỗi người dân và cộng đồng. Vai trò của báo chí tham gia hoàn thiện chính sách để có chính sách phù hợp với thực tiễn và khả thi thì quá trình xây dựng chính sách từ ý tưởng, hình thành chính sách, lấy ý kiến, ban hành chính sách và đánh giá hiệu quả chính sách, rất cần sự vào cuộc của báo chí. Ý kiến của các tầng lớp Nhân dân, của các chuyên gia, các nhà khoa học, thông qua diễn đàn báo chí là tiếng nói xây dựng, phản biện, giám sát, có vai trò quan trọng.
Trong nhiều trường hợp, tiếng nói của báo chí có vai trò quyết định, khi mà dự thảo chính sách không có sự đồng thuận của đông đảo các tầng lớp Nhân dân và xã hội; hoặc khi mà báo chí truyền tải mạnh mẽ sự đồng thuận cao của người dân và xã hội ủng hộ cho chính sách.
Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông Lưu Đình Phúc phát biểu tại Diễn đàn “Truyền thông chính sách - Góc nhìn từ các cơ quan báo chí” |
Qua tiếng nói của báo chí, các cơ quan xây dựng chính sách có được nhiều chiều thông tin hữu ích, cả trong khâu xây dựng, thực thi và hoàn thiện chính sách. Ông Lưu Đình Phúc lấy ví dụ vừa qua, đã có hàng ngàn ý kiến về dự thảo sửa đổi Luật Đất đai được báo chí phản ánh; hay việc truyền thông ủng hộ lực lượng chức năng quyết liệt trong việc xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông uống bia, rượu.
Không dành thị phần cho “Đánh đấm” và lợi ích nhóm
Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông Lưu Đình Phúc cho rằng: Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận ở chiều ngược lại, rất cần ở báo chí sự phản biện chính sách một cách chuyên nghiệp, khoa học, trên tinh thần xây dựng, tránh hiện tượng lợi dụng phản biện để “đánh đấm”, bảo vệ cho lợi ích nhóm.
Mặt khác, cần hơn nhiều tiếng nói của báo chí để phản biện, định hướng dư luận, phản bác thông tin sai lệch, xuyên tạc, bịa đặt, kích động trên không gian mạng như đang xảy ra hiện nay.
Những thách thức đặt ra cho báo chí trong công tác truyền thông chính sách chính là đang phải đối mặt với các luồng thông tin trái chiều trên truyền thông xã hội, nơi mà giới trẻ và số lượng người dùng ngày càng gia tăng. Mặt khác, ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, người dân tiếp cận thông tin mạng lề trái, rồi rỉ tai, lan truyền câu chuyện khi tụ họp, rồi bán tín bán nghi. Ngay cả ở thành thị, nhiều người lớn tuổi cũng đang tiếp cận thứ thông tin “độc hại” này hàng ngày. Thế nên, trách nhiệm của báo chí trong việc đưa thông tin chính thống đến với mọi người dân, vùng miền; nói tiếng nói phản biện, xây dựng, lan toả chính sách sao cho dễ hiểu, dễ gần, dễ làm, lấy cái đẹp dẹp cái xấu.
Tài chính và con người – 2 yếu tố tiên quyết
Theo ông Phúc, có thể khẳng định, lực lượng báo chí là nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong quá trình xây dựng, thực thi và hoàn thiện chính sách. Báo chí đã làm tốt nhiệm vụ này. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, báo chí đang bị truyền thông xã hội giành giật người xem, người nghe, mất thị phần quảng cáo, đồng nghĩa với việc báo chí đang giảm sức lan toả chính sách tới công chúng. Báo chí cũng không còn là cầu nối duy nhất từ Chính phủ đến người dân.
Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông Lưu Đình Phúc cho rằng để làm tốt công tác truyền thông chính sách, báo chí tự thân phải đổi mới |
Chúng ta đều thấy, trang Fanpage Chính phủ có hàng triệu lượt theo dõi mỗi khi có tin mới, thông tin nhanh hơn và số lượng theo dõi nhiều hơn rất nhiều so với lượng theo dõi tin trên báo chí ở cùng một thời điểm. Đó chính là sự đổi mới trong cách tiếp cận công chúng, lấy hiệu quả truyền thông làm thước đo quan trọng nhất.
Nhà báo tác nghiệp báo chí (Ảnh minh họa) |
Trước đây, truyền thông chính sách được coi là việc của báo chí, nhưng nay, truyền thông chính sách là việc của các cấp chính quyền. Sự thay đổi về nhận thức này được thể hiện rõ trong Chỉ thị số 07 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách.
Theo đó, Chính phủ nhận định rằng, công tác truyền thông vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa có đội ngũ cán bộ làm truyền thông chính sách chuyên trách, chuyên nghiệp; chưa thấy được tầm quan trọng của việc phải bố trí nguồn lực phù hợp (cả nhân lực, điều kiện làm việc và kinh phí) cho công tác truyền thông chính sách. Việc thiếu kế hoạch, thiếu chủ động, thiếu chuyên nghiệp trong cung cấp thông tin và truyền thông đã để xảy ra những sự cố, khủng hoảng truyền thông trên một số lĩnh vực, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Từ đó, Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương phải bố trí cán bộ phụ trách công tác truyền thông chính sách. Truyền thông chính sách thì nhiệm vụ chính là của chính quyền chứ không phải của báo chí. Cho nên, chính quyền phải bố trí nguồn lực về con người, tài chính cho hoạt động này và phải chủ động cung cấp thông tin cho báo chí; xây dựng bộ máy vận hành, định hướng thông tin, xử lý khủng hoảng truyền thông bài bản, chuyên nghiệp, lấy báo chí làm nòng cốt; sự phản biện của báo chí với chính sách của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương rất cần được tập hợp đầy đủ hơn, từ đó tiếp thu, chỉ đạo xử lý, thông tin lại để rộng đường dư luận.
Chuyển đổi số và bài toán “tránh ngôn ngữ quá hàn lâm”
Với báo chí thì cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc xây dựng môi trường văn hoá trong các cơ quan báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí phải nêu gương, xử lý 6 nghiêm hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp, nhất là việc lợi dụng phản biện chính sách để “đánh đấm”, tạo điều kiện bồi dưỡng chuyên sâu cho phóng viên theo dõi lĩnh vực; xây dựng quy trình riêng về phản biện chính sách, theo đó, rất cần sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan trong hệ thống chính trị trong việc cung cấp thông tin cho báo chí và tương tác với báo chí.
Diễn đàn “Truyền thông chính sách - Góc nhìn từ các cơ quan báo chí” |
Báo chí tự thân phải đổi mới. Chuyển đổi số báo chí là con đường nhanh nhất để báo chí tiếp cận nhiều hơn, gần hơn với công chúng báo chí, hướng tới mục tiêu là có trải nghiệm nội dung tốt hơn, từ đó truyền thông chính sách sẽ hiệu quả hơn.
Với công nghệ mới thì chúng ta có thể biết ai, ở đâu, đọc gì, đọc bao lâu, quan tâm vấn đề gì nhất, và vì thế toà soạn có thể biên tập nội dung thông tin cho phù hợp mối quan tâm của người dân, có thể diễn đạt cho dễ hiểu hơn, tránh khoa học hoá vấn đề, tránh ngôn ngữ quá chuyên ngành, quá hàn lâm. Công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo có thể cá thể hoá nội dung, đẩy dữ liệu mà độc giả quan tâm. Nội dung truyền thông tốt nhưng phải được lan toả trên các nền tảng truyền thông xã hội để tăng cường tương tác.
Chính những ý kiến phản hồi của công chúng mạng xã hội sẽ gợi mở cho báo chí những vấn đề mới, góc tiếp cận mới, để từ đó báo chí hình thành tuyến bài phản biện, xây dựng chính sách sát với thực tiễn và hiệu quả hơn. Phương thức truyền thông chính sách truyền thống truyền tải thông điệp chính sách đến với người dân thông qua báo chí, panô, áp phích, các hình thức tuyên truyền cổ động trực quan (phim, ảnh, biểu diễn văn nghệ và các loại hình nghệ thuật khác), báo cáo viên.
Hiện nay, ngoài các kênh truyền thống, thông điệp chính sách được lan toả mạnh trên các nền tảng số có nhiều người sử dụng, quảng cáo trực tuyến. Hệ thống hoá thông tin chính sách, biến thông tin chính sách trở thành dữ liệu lớn, cùng với thuật toán, dữ liệu lớn sẽ tạo ra giá trị để phát triển nền kinh tế tri thức.
Vì thế chuyển đổi số báo chí kiến tạo tri thức số là mục tiêu hướng tới của báo chí, góp phần làm tốt nhiệm vụ truyền thông chính sách, tạo đồng thuận trong xã hội, từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ giá trị quốc gia, dân tộc từ những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Diễn đàn “Truyền thông chính sách - Góc nhìn từ các cơ quan báo chí” nằm trong khuôn khổ chương trình Gala Báo chí lần thứ 5, do Báo Nhà báo & Công luận tổ chức tại Quảng Ninh. Tham dự sự kiện này có ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Ông Nguyễn Đức Lợi, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam. Ngoài ra, tham dự chương trình còn có ông Lê Trần Nguyên Huy, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Tổng Biên tập Phụ trách Báo Nhà báo và Công luận, Trưởng ban Tổ chức; Bà Trần Lan Anh, Phó Tổng Biên tập Báo Nhà báo và Công luận; Lãnh đạo của 120 cơ quan báo chí cùng đại diện của UBND tỉnh Quảng Ninh và Hà Nam. |