Báo chí với sứ mệnh bồi đắp, lan tỏa giá trị văn hóa
Ánh sáng văn hóa báo chí là ngọn bút, bài viết sắc sảo đẩy lùi u tối
PV: Báo chí cách mạng Việt Nam đang khẳng định tính chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại. Việc bồi đắp văn hóa người làm báo có ý nghĩa như thế nào trong việc xây dựng nền báo chí nhân văn, thưa ông?
Nhà báo Hồ Quang Lợi: Trước hết phải khẳng định, báo chí là bộ phận cấu thành của văn hóa, có quan hệ mật thiết máu thịt với văn hóa. Báo chí có nhiệm vụ quan trọng là xây dựng, truyền tải văn hóa, từ đó góp phần xây dựng nền tảng tinh thần đạo đức của xã hội.
Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam |
Báo chí có mặt ở tất cả mọi lĩnh vực, mọi ngóc ngách của đời sống văn hóa, từ những vấn đề, sự kiện vĩ mô đến những rung cảm đời thường của con người. Báo chí còn góp phần thẩm định các giá trị văn hóa.
Có thể nói báo chí là một phương tiện đặc hiệu để xây đắp và phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà, bản sắc dân tộc. Ngược lại, văn hóa chính là “môi sinh”, nguồn chất liệu của báo chí.
Nói đến văn hóa báo chí tức là nói đến bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp, cá tính sáng tạo của người làm báo. Vì thế, một nhà báo có văn hóa thì đương nhiên phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ sắc bén, đạo đức nghề nghiệp trong sáng.
PV: Thưa ông, thời gian qua, một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ mục đích, chạy theo mạng xã hội, khai thác quá đà thông tin, sử dụng thông tin, hình ảnh không phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Nhà báo Hồ Quang Lợi: Trước hết vẫn phải khẳng định, chúng ta có một đội ngũ những người làm báo chính trực, tử tế, góp phần xây dựng nền báo chí giàu tính chiến đấu, nhân văn; vừa cung cấp định hướng thông tin, vừa trở thành nguồn lực thực sự góp phần xây dựng bảo vệ đất nước. Chúng ta không nên vì sai phạm của một bộ phận báo chí mà nhìn nhận không đúng về những cống hiến của báo chí.
Nhà báo Hồ Quang Lợi chia sẻ tại tọa đàm “Văn hóa báo chí” trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2023 |
Những sai phạm trong báo chí, tôi nghĩ chỉ là số ít thôi nhưng lại gây những tổn hại rất nghiêm trọng, làm mai một uy tín của báo chí với xã hội, làm tổn thương lòng tự trọng của người làm báo chính trực.
Các sai phạm đó, có thời điểm khá phổ biến ở các trang tin điện tử. Họ không phải báo nhưng hoạt động như nhà báo, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan báo chí chính thống. Vì vậy, chúng ta phải xử lý nghiêm khắc tình trạng báo hóa tạp chí.
Bên cạnh đó, một số cơ quan báo chí theo đuôi mạng xã hội, thậm chí vào hùa với mạng xã hội để “tạo sóng” một số vấn đề không cần thiết. Những sai phạm, hành vi không chuẩn mực như thế làm vẩn đục môi trường văn hóa. Đó cũng chính là biểu hiện báo chí chưa làm tròn sứ mệnh xây dựng, bồi đắp và truyền tải văn hóa.
Vì thế, giới báo chí nói chung, từng cơ quan báo chí, từng nhà báo nói riêng phải đấu tranh để ngăn chặn, đẩy lùi, loại trừ những sai phạm, giữ được “tiếng thơm” cho báo chí với xã hội.
PV: Trước tác động của mạng xã hội, báo chí cần làm gì để khẳng định được vị thế và vai trò tiên phong trong việc thông tin, định hướng dư luận, thưa ông?
Nhà báo Hồ Quang Lợi: Thời gian gần đây, có ý cho rằng, mạng xã hội sẽ thay thế báo chí, thông tin nhanh nhạy hơn báo chí. Thực tế, báo chí không thể chạy đua tốc độ với mạng xã hội về đưa tin. Báo chí phải qua quy trình xét duyệt cẩn thận nên việc bảo đảm thông tin chính xác, tin cậy với báo chí quan trọng hơn rất nhiều so với nhanh hay chậm.
Nhà báo Hồ Quang Lợi đón nhà báo Thái Duy tham dự một sự kiện của Bảo tàng Báo chí Việt Nam |
Một số cơ quan báo chí bị hối thúc quá mức về sự nhanh nhạy. Tôi nghĩ đến lúc báo chí cần xác định lại con đường sống của mình là tốc độ hay chất lượng, tốc độ hay sự tin cậy, tốc độ hay sự có ích?
Trong thời đại kĩ thuật số, mạng xã hội phát triển thì phương thức làm nghề của những người làm báo phải đổi mới liên tục. Đổi mới sáng tạo là một giá trị của văn hóa báo chí.
Cho dù đổi mới như thế nào thì lý tưởng làm nghề, đạo đức của nghề báo không thể khác. Đó là khách quan, công tâm, tôn trọng sự thật, để cái tốt không lùi bước trước cái ác và cái xấu.
Báo chí khác mạng xã hội là luôn đặt lợi ích của cộng đồng, đất nước và dân tộc lên trên hết. Làm rõ được sự việc khiến một người dân uất ức, như thế đã là làm nghề vì lợi ích của cộng đồng. Trong trường hợp đó, ánh sáng của văn hóa báo chí đã soi rọi, đẩy lùi hắc ám, u tối bằng chính ngọn bút, bài viết sắc sảo của người làm báo.
Để văn hóa báo chí tỏa sáng trong hoạt động báo chí…
PV: Theo ông, để “gạn đục khơi trong” trong hoạt động báo chí, giải pháp từ các cơ quan quản lý báo chí cần làm lúc này là gì?
Nhà báo Hồ Quang Lợi: Trước những tiêu cực hiện nay, để báo chí hoạt động đúng hướng, hiệu quả, thực sự là một bộ phận của văn hóa, một lực lượng tiên phong trong xây đắp văn hóa thì trước hết chúng ta phải có một hành lang pháp lý vững mạnh, sáng rõ để báo chí hoạt động đúng hướng và lành mạnh.
Nhà báo Hồ Quang Lợi thăm Sư đoàn 312 |
Hiện chúng ta đang xem xét sửa đổi Luật Báo chí năm 2016. Trong quá trình này, những vấn đề nóng bỏng bức xúc của báo chí trong thời gian qua phải được đề cập thành các quy định pháp luật trong luật sửa đổi sắp tới.
Tôi cho rằng, những sai phạm vừa qua trong hoạt động báo chí một phần là do thực hiện các điều luật chưa nghiêm, chưa tốt.
Cùng với đó, các cấp ngành, cơ quan quản lý, chính quyền thực hiện chưa đúng các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động báo chí, không cung cấp đầy đủ thông tin, dẫn đến việc một số nhà báo bị đe dọa, hành hung, làm tổn hại tinh thần.
Tôi thấy cơ chế phối hợp 3 bên giữa Ban Tuyên giáo Trung ương - Bộ Thông tin và Truyền thông - Hội Nhà báo Việt Nam trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí rất tốt. Tuy nhiên, tôi cho rằng cần tiếp tục gắn với hệ thống chính quyền và tổ chức xã hội các cấp, để báo chí được hoạt động trong môi trường xã hội lành mạnh, nhà báo được tôn trọng, giúp đỡ hoàn thành nhiệm vụ.
PV: Cùng với cơ quan quản lý, vai trò, trách nhiệm của chính các cơ quan báo chí trong xây dựng báo chí văn hóa như thế nào, thưa ông?
Nhà báo Hồ Quang Lợi: Nếu chống sai phạm mà chỉ nhìn vào cơ quan quản lý báo chí thì chưa đủ. Trước hết phải chống từ cơ quan báo chí và quan trọng nhất là cuộc chiến của tự thân người làm báo.
Gần đây có một phong trào xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí và các cấp hội nhà báo. Nhà báo văn hóa và cơ quan báo chí văn hóa đã có sự hòa quyện với 10 quy định đạo đức nghề nghiệp và quy tắc sử dụng mạng xã hội. Thực hiện tốt 10 quy định đạo đức nghề nghiệp và quy tắc sử dụng mạng xã hội chính là xây dựng văn hóa trong cơ quan báo chí, cũng chính là xây dựng nhà báo văn hóa.
Bên cạnh đó, tôi muốn nhấn mạnh, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu trong việc xây dựng môi trường văn hóa vô cùng quan trọng. Tôi vẫn thường nói: “Tổng Biên tập nào thì tờ báo đó”. Nếu người đứng đầu ứng xử với con người trong cơ quan báo chí không sáng về đạo đức, về chuyên môn nghiệp vụ, hành xử thiếu sự tôn trọng, thương yêu nhau thì sẽ dẫn đến những xộc xệch về văn hóa và như thế cũng không thể xây dựng môi trường văn hóa ở đó.
PV: Với cá nhân người làm báo, họ cần làm gì để tự bảo vệ mình và giữ được “tấm lòng trong” với nghề, thưa ông?
Nhà báo Hồ Quang Lợi: Tôi nghĩ sự rèn luyện, tu dưỡng về phẩm cách của người làm báo phải là việc thường xuyên, hàng ngày. Vì có những sai phạm trong hoạt động báo chí đôi khi do trình độ hiểu biết kém, kinh nghiệm tác nghiệp chưa đủ hoặc tư cách đạo đức kém. Ba yếu tố nhà báo Hữu Thọ nói, đối với người làm báo cần “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” như lời nhắn nhủ nhẹ nhàng, sâu sắc nhưng rất thấm thía.
Học viên Trường Sĩ quan Chính trị cùng sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền lắng nghe các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm “Văn hóa báo chí” |
Quy định, hành lang pháp lý có đầy đủ đến đâu nhưng yếu tố tự thân của người làm báo không đủ mạnh, không đủ tốt thì vẫn có thể sai phạm. Vấn đề không chỉ dừng lại ở tránh sai phạm mà quan trọng là có sản phẩm báo chí tốt hơn, phục sự tốt hơn cho xã hội.
PV: Nhân dịp kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, ông muốn nói gì với những người làm báo để họ thực hiện sứ mệnh của mình tốt hơn nữa trong tình hình mới?
Nhà báo Hồ Quang Lợi: Tôi rất vui mừng, tự hào với những cống hiến của đội ngũ báo chí Việt Nam. Với những tác phẩm báo chí xuất sắc, báo chí đạt được sự tin cậy cao của xã hội. Tôi thấy may mắn và vinh dự khi được đứng trong đội ngũ đó.
Cùng với đó, tôi cũng thấy được thách thức gay gắt, nóng bỏng và những khó khăn các cơ quan báo chí đang phải đối mặt. Trong đó có áp lực từ mạng xã hội, trí tuệ nhân tạo, kinh tế báo chí… tôi rất chia sẻ với điều đó.
Tôi tin với truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam, với niềm tin cậy và sự trân trọng của xã hội dành cho nhà báo thì những người làm báo sẽ trách nhiệm hơn nữa với nghề, để tiếp tục nỗ lực phấn đấu và cống hiến, bằng các sản phẩm báo chí chất lượng, có giá trị xã hội cao. Đó cũng là lúc văn hóa báo chí tỏa sáng trong hoạt động báo chí của chúng ta.
PV: Riêng với các cơ quan báo chí Thủ đô, ông muốn gửi gắm điều gì?
Nhà báo Hồ Quang Lợi: Hà Nội là một trung tâm báo chí truyền thông mạnh của cả nước. Trong đó hệ thống báo chí của Hà Nội có một truyền thống vẻ vang, có những đóng góp quan trọng và tích cực trong xây dựng Thủ đô và đất nước văn minh, hiện đại.
Điều tôi mong muốn nhất với báo chí Hà Nội là phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống tốt đẹp, phát huy hơn nữa tinh thần năng động, sáng tạo để tạo nguồn năng lượng mới, sức sống mới cho báo chí Thủ đô.
Trong quá trình phát triển, Hà Nội sẽ có những bất cập, hạn chế… hơn ai hết báo chí Thủ đô phải phát hiện ra điều đó, để góp tiếng nói cho cơ quan quản lý, điều hành.
Báo chí Thủ đô có những điều kiện thuận lợi, đó là sự tin cậy của Nhân dân, sự quan tâm giúp đỡ hiệu quả của lãnh đạo thành phố; cùng với đó chất liệu cho báo chí ở Thủ đô rất phong phú.
Vì thế, tôi tin thời gian tới, báo chí Thủ đô sẽ có dấu ấn mới, mạnh hơn, sắc hơn nữa, trở thành lực lượng đi đầu, tiên phong trong đội hình báo chí cách mạng Việt Nam.
Xin trân trọng cảm ơn ông!