Báo Tuổi trẻ Thủ đô nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”
Giải Cầu lông học sinh, sinh viên thành phố Hà Nội tranh Cúp báo Tuổi trẻ Thủ đô hiện đã trở thành giải đấu cấp thành phố, được tổ chức thường niên
Tuy nhiên, giờ đây, khi Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 đang ngày càng bước vào lộ trình triển khai sâu rộng, đặc biệt những hệ lụy khủng khiếp từ đại dịch Covid -19 đã khiến tự chủ tài chính với các cơ quan báo chí không dừng lại ở xu hướng nữa mà là bài toán cần phải có lời giải cấp bách.
Tự chủ hoàn toàn hay tự chủ một phần và trên hết là tự chủ như thế nào để cân bằng được câu chuyện “kiến tạo doanh thu từ độc giả” và việc giữ vẹn tròn được sứ mệnh “là dòng thông tin chủ lưu, chính xác, kịp thời và khách quan”. Đây là “mục tiêu kép” mà mỗi tòa soạn đã, đang và tiếp tục triển khai.
Gần đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 48/KH-UBND ngày 27/2/2020 về thực hiện Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí thành phố Hà Nội đến năm 2025 nhằm thực hiện triển khai có hiệu quả Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Theo đó, đến hết năm 2020, thành phố chỉ còn 5 cơ quan báo in trong đó có báo Tuổi trẻ Thủ đô.
Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy và Thường trực Thành đoàn Hà Nội, từ năm 2018, báo Tuổi trẻ Thủ đô thực hiện tự chủ một phần và năm 2019 bắt đầu tự chủ hoàn toàn.
Trước đó, nắm bắt xu thế phát triển của báo chí, ngay từ năm 2017, Ban Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô đã xây dựng chiến lược và đề ra những kịch bản để đáp ứng yêu cầu tự chủ và đưa tờ báo ngày càng phát triển.
Lãnh đạo cơ quan luôn xác định tờ báo như một “doanh nghiệp nhỏ”, phải bươn chải và cân đối thu chi hợp lý trong từng thời điểm; Minh bạch, cụ thể trong vấn đề tài chính. Tuy nhiên, bên cạnh việc tập trung vào tăng doanh thu, báo vẫn chú trọng thực hiện đúng tôn chỉ mục đích để không bị thương mại hóa. Ban Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô luôn chỉ đạo phóng viên, biên tập viên xử lý thông tin trung thực khách quan, đúng bản chất sự thật nhưng phải hấp dẫn, thu hút độc giả; Tăng cường góp ý, phản biện trên tinh thần xây dựng, đúng chức năng, nhiệm vụ, đúng lúc, đúng chỗ và tuyệt đối tuân thủ pháp luật; Kiên quyết loại bỏ tình trạng đưa thông tin sai, giật gân, câu khách, kích động…
Trên thực tế, các cơ quan báo chí tự chủ về kinh tế đang là vấn đề nóng và cũng là vấn đề tất yếu của hệ thống báo chí nước ta hiện nay. Bởi lẽ tự chủ hoàn toàn, tự chủ một phần hay ngân sách Nhà nước bao cấp phản ánh trình độ phát triển của tờ báo, thể hiện sự năng động và uy tín, hiệu lực, hiệu quả, mức độ ảnh hưởng của tờ báo.
Một tờ báo muốn phát triển bền vững, muốn tự chủ tài chính trước tiên cần khẳng định thương hiệu trên thị trường nhằm thu hút được công chúng mục tiêu và công chúng nói chung sau đó mới đến khâu phát hành, quảng cáo, sự kiện... để đem lại nguồn thu.
Chương trình “Cùng em đến trường” của báo Tuổi trẻ Thủ đô đã tạo hiệu ứng lan tỏa, được đánh giá cao |
Ban Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô cũng thường xuyên chỉ đạo cán bộ, phóng viên, biên tập viên bám sát định hướng, tôn chỉ, mục đích của tờ báo, các vấn đề sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin tuyên truyền; Không ngừng đổi mới hình thức, nội dung trên các ấn phẩm để có thêm nhiều bạn đọc; Xây dựng cơ quan báo chí đa phương tiện, có vai trò trong việc định hướng dư luận.
Lãnh đạo báo cũng chỉ đạo tập trung phát hành vào các cơ quan, đơn vị, khối doanh nghiệp có đông đoàn viên hoặc phát hành bằng cách tất cả các cán bộ, phóng viên tận dụng và mở rộng mối quan hệ trên cả 63 tỉnh thành, các huyện, thị. Như vậy, báo vừa quảng bá được thương hiệu, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Cơ quan luôn xác định muốn tăng nguồn thu từ quảng cáo, tuyên truyền một cách bền vững và tốt hơn nữa thì cần tăng lượng phát hành, trong đó nội dung chất lượng sản phẩm cũng phải tăng lên; Tập trung vào đối tượng công chúng mục tiêu, những nhóm đối tượng như: Khởi nghiệp trẻ, thanh niên, học sinh, sinh viên...
Vì thế, chi bộ, Ban Biên tập báo đã tập trung chỉ đạo nâng cao nội dung trên báo in Tuổi trẻ Thủ đô (ra vào thứ Hai, Tư, Sáu hằng tuần); Chuyên đề Thanh niên khởi nghiệp làm giàu (ra thứ Sáu hằng tuần) hay phát triển ấn phẩm phụ Tuổi trẻ & Đời sống; Tiếp tục phát triển và ra các ấn phẩm điện tử mới như Tuổi trẻ và Pháp luật, Khởi nghiệp trẻ. Khi sức lan tỏa của tờ báo đã rộng khắp thì sẽ thu hút quảng cáo, truyền thông phù hợp với các cơ quan, doanh nghiệp...
Báo Tuổi trẻ Thủ đô cũng chú trọng đầu tư cho ứng dụng đọc báo trên thiết bị di động (app) và có một đội ngũ phóng viên, kỹ thuật viên chuyên sản xuất tin bài trên nền tảng di động. Trong đó, phần nội dung dành cho nền tảng di động có thể đầu tư hoàn toàn độc lập với báo giấy hay báo điện tử. Khi độc giả tham gia sử dụng ứng dụng cũng là cách để tòa soạn có thể áp dụng thu phí đọc báo của công chúng tạo nguồn thu cho chính cơ quan báo chí; Chỉ đạo cán bộ, phóng viên, nhân viên… nghiên cứu áp dụng sử dụng mạng xã hội như một nền tảng chiến lược thực sự (thông qua việc hợp tác với Lotus, Facebook hoặc phối hợp với một bên thứ ba).
Để tăng nguồn thu cho cơ quan, Ban Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô xác định việc đồng hành cũng doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng. Đồng hành ở đây là phải có sự tương trợ lẫn nhau, mang lại hiệu quả cho cả hai phía. Muốn vậy, cán bộ, phóng viên của báo phải thực sự sâu sát cùng doanh nghiệp, trăn trở với những khó khăn của doanh nghiệp để cùng họ tìm ra lời giải cho bài toàn phát triển; Cổ vũ động viên doanh nghiệp phát triển một cách minh bạch. Như vậy, báo sẽ có những nguồn thu ổn định, bền vững…
Bên cạnh đó, báo đặc biệt coi trọng và chỉ đạo sát sao công tác đào tạo, đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ… đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ được giao; Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, biên tập viên, phóng viên, nhân viên…; Có những giải pháp linh động về nhân sự, bố trí, tạo môi trường, điều kiện để cán bộ, phóng viên phát huy được thế mạnh, sở trường, đặc biệt khuyến khích cán bộ, phóng viên “đa năng” có thể thực hiện công việc ở nhiều lĩnh vực.
Việc tinh giản bộ máy, cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ cũng là nhiệm vụ quan trọng nhằm tiết giảm chi phí không cần thiết. Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thực hiện sắp xếp lại các phòng ban theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả; Cấp gấy giới thiệu qua hệ thống CMS; Áp dụng hóa đơn điện tử…
Ngoài việc nâng cao chất lượng nội dung, hình thức các ấn phẩm và tăng nguồn thu từ phát hành, quảng cáo, báo Tuổi trẻ Thủ đô cũng rất chú trọng tới việc tổ chức các sự kiện, chương trình xã hội từ thiện. Trong những năm qua, báo đã tổ chức rất nhiều sự kiện gây được tiếng vang lớn như: Giải Cầu lông học sinh, sinh viên thành phố Hà Nội tranh Cúp báo Tuổi trẻ Thủ đô; Các đêm nhạc “Chia sẻ và Gắn kết” hướng đến thanh niên công nhân và sinh viên; Chương trình từ thiện “Cùng em đến trường” hướng tới trẻ em vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Quyên góp quỹ ủng hộ Trường Sa...
Các đại biểu nhấn nút ra mắt chuyên trang điện tử Khởi nghiệp trẻ của báo Tuổi trẻ Thủ đô |
Ngoài ra, Ban Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô cũng nghiên cứu để tăng nguồn thu từ thị trường bất động sản, khu nghỉ dưỡng, công viên giải trí. Tất nhiên, báo sẽ thực hiện điều này trên cơ sở tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật.
Những sự kiện, chương trình nêu trên ngày càng giúp Tuổi trẻ Thủ đô khẳng định được thương hiệu, qua đó góp phần tăng nguồn thu. Đơn cử như Giải Cầu lông học sinh, sinh viên thành phố Hà Nội tranh Cúp báo Tuổi trẻ Thủ đô hiện đã trở thành giải đấu cấp thành phố, được tổ chức thường niên. Nhiều chuyên gia nhận định rằng, đây là giải đấu uy tín và sức hút bậc nhất trong các giải cầu lông phong trào ở Việt Nam. Trên thực tế, số lượng vận động viên tham dự giải tăng lên đáng kể qua từng năm, từ chỉ có 300 - 400 vận động viên dự giải, đến năm 2019 vừa qua đã tăng lên hơn 800 vận động viên. Nhờ giải đấu này, báo Tuổi trẻ Thủ đô được biết tới nhiều hơn, đặc biệt là đối tượng công chúng mục tiêu học sinh, sinh viên. Điều này giúp báo nâng cao uy tín, thương hiệu và có thêm nhiều sự hợp tác để nâng cao nguồn thu.
Mặc dù đã cố gắng rất nhiều nhưng báo chí vẫn phải đứng trước bài toán của phát triển nguồn thu như thế nào để bền vững. Trước thực tế hiện nay, rõ ràng cần phải có “bệ đỡ” trợ lực cho báo chí trong bối cảnh mới. Đó là câu chuyện miễn, giảm, giãn các khoản như: Thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội; Các doanh nghiệp viễn thông giảm chi phí thuê hạ tầng công nghệ thông tin cho cơ quan báo chí; Cơ chế đặt hàng cho báo chí, đặc biệt là xây dựng chính sách tài chính bền vững cho báo chí…
Việc thực hiện “mục tiêu kép” không hề đơn giản bởi điều quan trọng là phải giải được bài toán “tăng nguồn thu nhưng không sa vào thương mại hóa”. Vì vậy, báo chí rất cần có sự hỗ trợ từ nhiều phía.
Sự hỗ trợ về cơ chế của Chính phủ, các Bộ, ban, ngành và cơ quan chủ quản là đặc biệt cần thiết. Miễn, giảm, giãn các khoản (như: Thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội, chi phí thuê hạ tầng công nghệ thông tin) sẽ giúp báo giảm chi và có thể có một phần lãi để tái đầu tư hợp lý. Báo chí không phải là doanh nghiệp nên không nên áp thuế như doanh nghiệp mà cần phải có ưu đãi. Chi phí thuê hạ tầng công nghệ thông tin cũng vậy.
Cơ chế “đặt hàng” cho cơ quan báo chí thực sự rất cần thiết. Sự hỗ trợ này vừa giúp báo có được những định hướng cụ thể về công tác tuyên truyền, giúp có nguồn thu ổn định. Tùy vào mỗi cơ quan báo chí, các cơ quan chức năng sẽ có đặt hàng cụ thể, phù hợp theo cơ chế “giao nhiệm vụ”.
Bên cạnh đó, xây dựng chính sách tài chính bền vững cho báo chí cũng là vấn đề cần được quan tâm và cần có sự vào cuộc của Chính phủ, các ngành chức năng. Việc xây dựng chính sách này cần phân ra cụ thể với từng loại hình cơ quan báo chí để phát huy hiệu quả tối đa…