Báo Tuổi trẻ Thủ đô thăm và tặng quà các cựu tù chính trị Côn Đảo
Theo đó, đoàn công tác của Báo Tuổi trẻ Thủ đô do đồng chí Tổng biên tập Nguyễn Mạnh Hưng dẫn đầu đã đến thăm và trao quà cho 3 cựu tù chính trị Côn Đảo. Đó là các thương binh Nguyễn Xuân Viên (79 tuổi), Nguyễn Thị Ni (84 tuổi), Nguyễn Văn Ước (83 tuổi)…
TBT Nguyễn Mạnh Hưng đến thăm, tặng quà ông Nguyễn Xuân Viên, cục tù chính trị Côn Đảo (thương binh 21% thương tật) |
Ông Nguyễn Văn Ước sinh ra và lớn lên trên quê hương xã Vĩnh Hòa Hưng, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Quê hương ông ngày đó đầy bóng giặc. Ông chứng kiến bao cảnh kẻ thù đàn áp cán bộ và nhân dân miền Tây Nam Bộ. Được giác ngộ cách mạng, chàng thanh niên Nguyễn Văn Ước tham gia du kích, Đoàn Thanh niên và làm Bí thư Chi đoàn ở Vĩnh Hòa Hưng. Làm liên lạc cho tổ chức, đưa công văn giấy tờ, che giấu cán bộ và chiến đấu trên mảnh đất quê hương, ông bị địch bắt đưa lên khám Chí Hòa năm 1959 (19 tuổi), sau đó chuyển ra nhà tù Côn Đảo.
TBT Nguyễn Mạnh Hưng đến thăm, tặng quà ông Nguyễn Văn Ước, cựu tù chính trị Côn Đảo |
Trong nhà tù đế quốc, dù bị địch tra tấn, hành hạ dã man nhưng ông luôn nêu cao khí tiết cách mạng, cùng anh em gây dựng phong trào đấu tranh. Miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, ông và các bạn tù được cách mạng đón về đất liền tháng 5-1975. Nhưng vì nhớ đảo, nhớ các đồng chí, đồng đội đã hy sinh nên ông quay trở lại Côn Đảo từ năm 1979 và ở lại cho đến nay. Ông Nguyễn Văn Ước có 5 người con (3 trai, 2 gái) đều đã trưởng thành. Ông nói rằng: “Được sống ở Côn Đảo là được gần đồng chí, đồng đội. Khi nào nhớ họ, tôi lại nói con cháu đưa ra các nghĩa trang Hàng Dương, Hàng Keo, Đất Dốc... để thắp hương, tâm sự với các bạn tù đã hy sinh. Tôi cũng sắp đi gặp các bạn tù năm xưa rồi, chỉ mong con cháu, mong thế hệ trẻ và mọi người gắng sức cùng nhau xây dựng Côn Đảo ngày càng giàu đẹp hơn”.
TBT Nguyễn Mạnh Hưng đến thăm và tặng quà mẹ Nguyễn Thị Ni, 83 tuổi (cựu tù chính trị Côn Đảo) |
Căn nhà của cụ Nguyễn Thị Ni, 83 tuổi, ở số 12, đường Võ Thị Sáu, thuộc khu dân cư số 8, huyện Côn Đảo ngập tràn hoa. Để cải thiện cuộc sống, má Ni cho thuê mặt tiền làm cửa hàng bán hoa và đồ cúng, còn mình ở trong căn nhà nhỏ phía sau.
Mới gặp cụ, ít ai biết được cuộc đời cách mạng đầy bi hùng của người nữ biệt động Sài Gòn một thời. Nguyễn Thị Ni trước đây là một thiếu nữ dịu dàng, xinh đẹp ở vùng đất Tân Trung, Gò Công, Tiền Giang. Cô đã hiến dâng những năm tháng thanh xuân cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước. Tham gia lực lượng du kích của địa phương, rồi chuyển lên hoạt động ở địa bàn Sài Gòn-Gia Định-Chợ Lớn, người con gái Tân Trung đã được huấn luyện trở thành chiến sĩ biệt động. Bao năm tháng cùng đồng đội gây dựng phong trào đấu tranh và tổ chức các trận đánh “xuất quỷ nhập thần” giữa thành đô, Nguyễn Thị Ni bị địch bắt tháng 6-1971 khi về Gò Công. Chúng đưa cô ra nhà tù Côn Đảo ngay sau đó và dùng mọi hình thức tra tấn hòng tìm ra tổ chức cách mạng của ta. Với sự gan dạ, mưu trí, kiên cường, cô một mực không khai và kêu oan. Giam giữ, tra khảo gần 3 năm trời ở “địa ngục trần gian” mà không khai thác được gì, tháng 3-1974, địch buộc phải thả Nguyễn Thị Ni. 10 năm sau, vì nhớ đảo, nhớ đồng đội đã hy sinh, cụ Ni quyết định trở lại Côn Đảo sinh sống và được đồng đội là những cựu tù Côn Đảo xây tặng một căn nhà tình nghĩa ở đường Võ Thị Sáu.
Đến thăm ông Nguyễn Xuân Viên (thương binh 21% thương tật), một trong 3 cựu tù chính trị, hiện ông đang sinh sống ở Côn Đảo. Ông Viên là người con của quê hương xã Quế Phong, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam tham gia du kích địa phương từ những năm 1960, chiến đấu bị thương tháng 1-1968. Năm 1970, ông bị địch bắt và đày ra Côn Đảo. Khi Côn Đảo được giải phóng, ông không về quê mà tình nguyện ở lại nơi đây. Hiện nay tình trạng sức khỏe của ông rất yếu, thường xuyên phải điều trị tại bệnh viện.
TBT Nguyễn Mạnh Hưng cùng đoàn công tác đến thăm, tặng quà ông Nguyễn Xuân Viên, thương binh 21%, cựu tù chính trị Côn Đảo |
Các cụ từng là những cựu tù chính trị Côn Đảo năm xưa nhưng hiện nay, nhiều người trong số các cựu tù chính trị Côn Đảo phải sống trong hoàn cảnh khó khăn, neo đơn với nhiều thương tật trên thân thể. Bày tỏ lòng xúc động, sự ngưỡng mộ với thế hệ cha anh, Tổng biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô trân trọng những đóng góp của họ đối với sự nghiệp cách mạng, bảo vệ Tổ quốc.
Tổng biên tập Nguyễn Mạnh Hưng chia sẻ: “Dù Côn Đảo được coi là "địa ngục trần gian", khét tiếng nhất thế giới nhưng sau dãy dây thép gai, bức tường thành của nhà tù đã sáng rõ phẩm chất cách mạng kiên cường của các chiến sĩ và đồng bào yêu nước. Những câu chuyện của các cô, các chú hôm nay mang lại cho chúng tôi những cảm xúc rất đặc biệt, thể hiện tinh thần của tù chính trị. Đó là sống trong tù kiên trung bất khuất, sống ngoài đời tình nghĩa thủy chung”.
Hiện, Côn Đảo còn 79 đối tượng chính sách và 3 cựu tù chính trị. Mỗi người có một hoàn cảnh, cuộc sống khác nhau nhưng điểm chung nhất là vẫn kiên cường sống chung với thương tích, với bệnh tật và luôn lạc quan, yêu đời, tin tưởng vào sự phát triển của đất nước.
TBT Nguyễn Mạnh Hưng cùng đoàn công tác đến thăm, tặng quà ông Nguyễn Văn Ước, cựu tù chính trị Côn Đảo |
Trước đó, để bày tỏ lòng biết ơn của thế hệ trẻ đối với các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì đất nước, đoàn công tác của Báo Tuổi trẻ Thủ đô cũng đã tới thăm và dâng hương tại các “địa chỉ đỏ” như Nghĩa trang liệt sỹ quốc tế Việt – Lào, Nghĩa trang Liệt sỹ đường 9, Nghĩa trang Thành phố Vinh, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, Khu di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Trường Sơn, viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngoài ra, đoàn công tác phối hợp với Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp trao hơn 40 suất quà cho các gia đình chính sách, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng tại xã Kỳ Thư (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) và mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Dẩm tại xã Kỳ Hải (Kỳ Anh, Hà Tĩnh), Quảng Ngãi.