Bảo vệ môi trường biển và hải đảo là vấn đề sống còn
Hà Nội chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường Hà Nội: Đảm bảo môi trường du lịch an toàn dịp Quốc khánh 2/9 Bảo vệ môi trường cần nỗ lực từ những hành động rất nhỏ |
Rác thải nhự bủa vây bờ biển khu du lịch biển Hải Tiến, Thanh Hóa (Ảnh: Trí Nhân) |
Thực trạng ô nhiễm môi trường biển
Thời gian qua, tại một số địa phương, vấn đề bảo vệ môi trường biển được ưu tiên giải quyết hàng đầu với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường biển vẫn diễn ra trong tình trạng đáng báo động.
Thực tế cho thấy, Việt Nam có hơn 100 con sông đổ ra biển, trong đó có nhiều con sông đang ở mức ô nhiễm nặng do chất thải công nghiệp, nông nghiệp, rác thải sinh hoạt, hóa chất, thuốc trừ sâu…Do đó, biển đang phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm và suy thoái, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái, kéo theo đó nhiều hệ lụy liên quan trực tiếp đến đời sống xã hội của con người.
Báo cáo hiện trạng môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, 70% ô nhiễm biển và đại dương đến từ đất liền, bắt nguồn từ những chất thải của các thành phố, thị xã, thị trấn, khu công nghiệp... Nghiêm trọng hơn cả là hệ thống thoát nước xả thẳng ra biển, đại dương kéo theo chất bồi lắng, nhựa, kim loại, dầu thậm chí cả chất phóng xạ. Đó là chưa kể tới tình trạng ô nhiễm biển do dầu đang có xu hướng gia tăng, số tàu, thuyền máy nhỏ, công suất thấp, lạc hậu tăng nhanh nên việc thải dầu ra môi trường biển ngày càng diễn biến phức tạp. Hoạt động của tàu thương mại trên tuyến hàng hải quốc tế cũng gây hiện tượng dầu rò rỉ, dầu thải, chất thải sinh hoạt hiện chưa thể thống kê cụ thể.
Câu chuyện khá điển hình ở xã Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa), một địa phương không có đất nông nghiệp, đời sống của 18 nghìn nhân khẩu chỉ trông vào nghề khai thác hải sản. Chính quyền địa phương đã vận động người dân chung tay bảo vệ môi trường, khuyến khích ngư dân sử dụng thùng đựng rác trên các hành trình khai thác, rồi mang về tập kết để xử lý nhưng không phải ai cũng chấp hành.
Hay như tại tỉnh Ninh Thuận, ở các khu vực ven biển như xã Phước Diêm, Cà Ná (huyện Thuận Nam), Mỹ Tân (huyện Ninh Hải), Mỹ Ðông (thành phố Phan Rang - Tháp Chàm), trên nhiều tuyến đường, bờ biển, cảng cá luôn ngập rác thải. Mặc dù các đơn vị chức năng đã tổ chức thu gom song do một bộ phận người dân thiếu ý thức nên tình trạng xả rác bừa bãi vẫn diễn ra.
Nhận thức đúng ắt sẽ hành động đúng
Trong nhiều năm trở lại đây, các cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong xây dựng cơ sở pháp lý cho việc thúc đẩy quá trình bảo vệ môi trường, tài nguyên biển. Tinh thần đó thể hiện rõ trong Luật Bảo vệ môi trường; Luật Thủy sản, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo cũng như nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luật. Ðặc biệt, Nghị định số 38/2015/NÐ-CP của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, là cơ sở pháp lý quan trọng nhất liên quan đến hoạt động quản lý, xử lý rác thải nhựa nói chung và trên biển nói riêng.
Theo đó, đến năm 2025, Việt Nam sẽ giảm 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 50% số ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom; 80% số khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông. Ðến năm 2030 giảm 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 100% số ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 100% số khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông khó phân hủy…
Ðể biến những con số này trở thành hiện thực, thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường biển là bảo vệ môi trường sống cho con người, các tổ chức chính trị, xã hội, cơ quan, đoàn thể các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, không xả rác, nước thải chưa qua xử lý, những chất thải gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường biển.
Bên cạnh đó, các địa phương cần kịp thời biểu dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân có thành tích tốt trong bảo vệ môi trường, đồng thời lên án mạnh mẽ những đối tượng gây tác hại đến môi trường biển. Mặt khác, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có hoạt động xả thải, gây ô nhiễm môi trường biển; tiếp tục hoàn thiện các thể chế quản lý để mọi người dân có thể thực hiện quyền kiểm tra, giám sát, bảo vệ môi trường biển. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về môi trường biển do nhân dân phản ánh phải được các cơ quan hữu quan tiếp nhận, xử lý một cách triệt để, kịp thời và hiệu quả. Chỉ có nhận thức đúng, suy nghĩ đúng mới hành động đúng và mỗi một hành động nhỏ sẽ góp một phần lớn vào việc hình thành nếp sống văn minh, có trách nhiệm hơn với môi trường biển.
* “Đây là bài viết tuyên truyền bảo vệ môi trường của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020” |