Bắt đầu tổng kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh phân bón
“Mổ xẻ” nguyên nhân giá phân bón tăng “chóng mặt” Tổng kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh phân bón Không để tình trạng đầu cơ, tích trữ phân bón tạo khan hiếm “ảo” để kiếm lời |
Ngày 13/8, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hòa Bình đã ban hành Quyết định 101/QĐ-CQLTT về kế hoạch kiểm tra chuyên đề đối với mặt hàng phân bón trên địa bàn năm 2021.
Theo đó, đối tượng kiểm tra là các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh mặt hàng phân bón trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Thời gian từ 15/8-5/12/2021.
Trong đó, lực lượng chức năng sẽ tập trung kiểm tra tại các chợ, trung tâm thương mại, nơi giao nhận hàng, kho hàng cất giữ hàng hóa, chú trọng kiểm tra tại địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa các phương tiện vận chuyển hàng hóa có dấu hiệu vi phạm trên các tuyến quốc lộ.
Nội dung kiểm tra giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/doanh nghiệp; giấy phép sản xuất, kinh doanh; hàng hóa và hóa đơn chứng từ có liên quan nguồn gốc xuất xứ; việc thực hiện quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa…
Một số địa phương đã bắt đầu tiến hành kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh phân bón. (Ảnh: DMS) |
Ngoài các nội dung kiểm tra trên, các Đội Quản lý thị trường sẽ tăng cường công tác quản lý địa bàn thu thập thông tin, theo dõi các biến động đối với mặt hàng phân bón, thường xuyên giám sát thị trường để kịp thời phát hiện, kiểm tra đột xuất nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, đầu cơ, găm hàng, định giá mua, giá bán bất hợp lý.
Bên cạnh đó, các Đội Quản lý thị trường chủ trì phối hợp với các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học Công nghệ; các lực lượng chức năng như công an, UBND các xã, phường, thị trấn; cơ quan báo đài, các huyện, thành phố và các đơn vị khác có liên quan để triển khai, thực hiện nhiệm vụ đảm bảo có hiệu quả và đúng quy định pháp luật.
Trước Hòa Bình, ngày 10/8, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường đồng loạt tiến hành rà soát, giám sát việc kinh doanh phân bón tại các cửa hàng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Lực lượng Quản lý thị trường Tiền Giang kiểm tra các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. (Ảnh: DMS) |
Tỉnh Tiền Giang có 1.442 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và 9 cơ sở sản xuất phân bón, với tổng sản lượng sản xuất trung bình hơn 28.000 tấn/năm (chủ yếu là phân NPK, trung vi lượng, phân bón lá, hữu cơ).
Trong đó, lượng tiêu thụ phân bón trong tỉnh Tiền Giang chỉ chiếm 50% (khoảng 14.000 tấn), còn lại 50% tiêu thụ tại các tỉnh khác (Long An, Đồng Tháp, Bình Phước...).
Qua kiểm tra, giám sát đối với 32 cửa hàng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện 22 cửa hàng đóng cửa, tạm nghỉ do dịch Covid-19, còn lại 10 cửa hàng hoạt động bình thường. Các cơ sở có niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa.
Kết quả kiểm tra cho thấy, giá cả mặt hàng phân bón tăng 5-10% so với thời điểm cách đây một tháng.
Chia sẻ nguyên nhân tăng giá phân bón, một số doanh nghiệp cho biết, do giá nguyên liệu đầu vào (phân DAP, Urê) tăng, việc vận chuyển trong tình hình dịch Covid-19 khó khăn; việc khan hàng từ các công ty tại TP HCM dẫn đến chi phí mặt hàng này tăng hơn bình thường.
Trước đó, ngày 28/7, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) đã có văn bản gửi Cục Quản lý thị trường các địa phương về việc phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành có liên quan xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra chuyên đề đối với mặt hàng phân bón.
Thời gian triển khai từ ngày 1/8 đến ngày 12/12/2021. Đối trượng kiểm tra là các cơ sở nhập khẩu, kinh doanh phân bón.