Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ: Tập trung truy vết, tìm bằng được nguồn lây của bệnh nhân 2229
Tăng tốc truy vết nguồn lây, không để dịch bùng phát trên diện rộng Bộ Y tế đưa ra nhận định về nguồn lây nhiễm tại BV Bạch Mai |
Chiều 16/2, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đi kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tại quận Tây Hồ.
Cùng đi có Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương; Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai; Phó Chủ tịch UBND TP, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 TP Chử Xuân Dũng.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ kiểm tra công tác cách ly tại khách sạn Somerset West Point |
Tập trung xác định nguồn lây của bệnh nhân 2229
Báo cáo Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Đỗ Anh Tuấn, Bí thư Quận ủy Tây Hồ cho biết, công tác phòng, chống dịch Covid-19 trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 luôn được quận quan tâm sát sao, chỉ đạo xử lý, giải quyết các vấn đề phát sinh, kịp thời khoanh vùng, không để dịch bệnh bùng phát.
Theo ông Tuấn, trên địa bàn quận Tây Hồ hiện có 2 trường hợp F0, gồm: Bệnh nhân 2229, quốc tịch Nhật Bản (đã tử vong chưa rõ nguyên nhân tại khách sạn Someset Westpoint, số 2 Tây Hồ, Quảng An); Bệnh nhân 2240, quốc tịch Nhật Bản, là F1 của bệnh nhân 2229.
Ngay sau khi phát hiện ca bệnh, quận Tây Hồ đã khẩn trương thực hiện khoanh vùng, truy vết, qua đó xác định 94 trường hợp F1, đã có kết quả xét nghiệm 76/77 âm tính (1 mẫu dương tính là bệnh nhân 2240), 17 mẫu đang tiến hành xét nghiệm.
Quận Tây Hồ cũng đã xác định 355 trường hợp F2, đã lấy mẫu xét nghiệm 31 trường hợp, kết quả đều âm tính… 260 người từ vùng dịch Quảng Ninh, Hải Dương, đã có kết quả xét nghiệm 259 mẫu âm tính, 5 trường hợp có triệu chứng đã chuyển đến Bệnh viện đa khoa Đức Giang.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các phường của quận Tây Hồ cũng báo cáo cụ thể công tác phòng, chống dịch ở cơ sở, những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các quy định phòng, chống dịch nhất là việc xử phạt hành chính hành vi không đeo khẩu trang ở nơi công cộng, đóng cửa quán ăn đường phố, trà đá, cà phê từ 0h ngày 16/2/2021…
Khách sạn Somerset West Point được phong toả và bảo vệ nghiêm ngặt để phòng dịch |
Liên quan đến trường hợp bệnh nhân người Nhật tử vong tại khách sạn Somesert West Point, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền báo cáo thêm, ngay trong tối 13/2, Sở đã phối hợp với quận Tây Hồ xác định 63 trường hợp F1, lấy mẫu xét nghiệm, đến nay kết quả có 61 trường hợp âm tính, 2 trường hợp dương tính; Xét nghiệm 116 trường hợp F2 đều đã có kết quả âm tính. Ngoài ra, Sở đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm 422 người liên quan đến khách sạn Somesert West Point và 88 mẫu tại trụ sở Công ty bệnh nhân người Nhật làm việc, đều có kết quả âm tính.
Giám đốc Sở Y tế cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, Sở sẽ phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh để rà soát lại toàn bộ quá trình cách ly đối với bệnh nhân người Nhật tử vong; Phối hợp với tổ thông tin truy vết của Bộ Khoa học Công nghệ để tiếp tục truy vết các trường hợp tiếp xúc gần; Phối hợp với Bộ Y tế, Viện vệ sinh dịch tễ để xác định nguyên nhân tử vong cũng như phân tích chủng virut...
Giải thích rõ hơn về yêu cầu đóng cửa các quán ăn đường phố, trà đá, cà phê vỉa hè từ 0 giờ ngày 16/2, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP cho biết, thành phố chỉ yêu cầu chỉ đóng cửa các quán ăn đường phố, ngồi ngoài vỉa hè, còn các cơ sở, nhà hàng kinh doanh ăn uống trong nhà, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về phòng, chống dịch, như phải đeo khẩu trang, thực hiện sát khuẩn, có tấm che... thì vẫn được hoạt động và khuyến khích hình thức bán mang về nhà.
Khẩn trương giải mã gen các trường hợp nhiễm Covid-19
Kết luận buổi kiểm tra, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, lãnh đạo và các cơ quan thành phố đã phản ứng kịp thời, triển khai thực hiện nghiêm chỉ thị của Trung ương, ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo cụ thể, bài bản. Các cấp, các ngành từ thành phố đến cơ sở đã vào cuộc khẩn trương, tổ chức thực hiện đồng bộ; Bảo đảm mục tiêu, nhiệm vụ Trung ương đặt ra, thành phố yêu cầu…
Riêng với quận Tây Hồ, mặc dù là quận có số lượng người nước ngoài cư trú rất lớn, địa bàn rộng, giao thương nhộn nhịp nhưng đến giờ này, quận đang kiểm soát khá tốt tình hình. Trong đó, những giải pháp ứng phó khi phát hiện ca bệnh 2229 đã được quận thực hiện khẩn trương, kịp thời.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc |
Nhấn mạnh ca bệnh số 2229 là ca bệnh F0 đầu tiên của thành phố đến nay chưa xác định được nguồn lây, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ yêu cầu, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố phải liên hệ chặt chẽ với Bộ Y tế, phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan, đơn vị liên quan để truy vết, tìm bằng được nguồn lây cho bệnh nhân này. Trong khi chưa xác định được chính xác nguồn lây, Ban Chỉ đạo thành phố phải dự liệu ở trường hợp xấu nhất là lây trong địa bàn thành phố để có các giải pháp phòng ngừa kịp thời, chặt chẽ.
Bí thư Thành ủy chỉ đạo các cấp, các ngành, trong đó có quận Tây Hồ phải tăng cường mọi biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn. Ngoài các biện pháp phòng dịch 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế, thành phố đồng thời phải thực hiện nghiêm các quy định đã có, phạt nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức tự giác phòng, chống dịch của từng gia đình, từng người dân; Triển khai các biện pháp hỗ trợ, động viên người dân như phát khẩu trang... Đặc biệt, đồng chí Vương Đình Huệ yêu cầu phải đẩy mạnh công tác truy vết nhanh các trường hợp F1, F2, F3; Khẩn trương giải mã gen các trường hợp nhiễm Covid-19 vừa qua.
Lưu ý ngày mai 17/2 là kết thúc kỳ nghỉ Tết, Bí thư Thành ủy yêu cầu các cấp, các ngành trong đó có quận Tây Hồ phải khẩn trương tuyên truyền, nhắc nhở, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, công ty, xí nghiệp; Thực hiện nghiêm các giải pháp phòng dịch đối với người dân trở về từ vùng dịch; Bảo đảm các biện pháp an toàn cho sản xuất, kinh doanh; Tính toán để cần thiết có thể áp dụng ngay biện pháp giãn cách xã hội ở một khu vực theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
“Đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp, ban chỉ đạo, các tổ phản ứng nhanh ở thôn, tổ dân phố phải sát sao, tăng cường chia sẻ thông tin, kiểm soát và quản lý chặt chẽ người ra, vào Hà Nội, nhất là số lượng người nước ngoài”, đồng chí Vương Đình Huệ nói.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ và lãnh đạo thành phố trao quà hỗ trợ cho các lực lượng trong tuyến đầu chống dịch của quận Tây Hồ. |
Ngoài ra, Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu quận Tây Hồ, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải quan tâm, kiểm soát chặt chẽ các khu cách ly tập trung, không để lây nhiễm chéo, không để lây nhiễm cho các lực lượng phục vụ; Tăng cường tầm soát các đối tượng có biểu hiện lâm sàng như ho, sốt, khó thở...
Nhấn mạnh giải pháp quan trọng nhất để đẩy lùi dịch Covid-19 vẫn là vắc-xin, Bí thư Thành ủy chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND thành phố, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố phải bám sát chỉ đạo của Chính phủ, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để tìm nguồn vắc-xin, đồng thời chuẩn bị kế hoạch, quy chế triển khai tiêm vắc-xin để sẵn sàng thực hiện khi đủ điều kiện.
Trước đó, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ và đoàn đã kiểm tra khu vực khách sạn Somerset West Point (phường Quảng An, quận Tây Hồ), nơi đang được phong tỏa do phát hiện hai người Nhật Bản mắc Covid-19 là bệnh nhân số 2.229 và bệnh nhân số 2.240 (F1 của bệnh nhân 2.229).
Tại đây, Bí thư Thành ủy yêu cầu Sở Y tế, quận Tây Hồ tiếp tục phối hợp, rà soát quy trình cách ly, lấy mẫu xét nghiệm đối với bệnh nhân 2229 để xác định nguyên nhân tử vong cũng như nguồn lây; Đồng thời tiếp tục thực hiện nghiêm công tác khoanh vùng, cách ly, xác định các trường hợp tiếp xúc F1, F2...