Biết ơn, sống xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha anh
Tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng của thế hệ cha anh |
Các nhân chứng lịch sử chia sẻ tại buổi gặp mặt, giao lưu trực tuyến nhân chứng lịch sử với chủ đề “Hà Nội, 70 năm dựng xây và phát triển” |
Trong không khí cả nước đang tưng bừng chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), chiều 20/9, Báo Hànộimới tổ chức gặp mặt, giao lưu trực tuyến nhân chứng lịch sử với chủ đề “Hà Nội, 70 năm dựng xây và phát triển”.
Gần 400 thanh niên tham gia công tác "dân vận" trước ngày Đoàn quân tiến về tiếp quản Hà Nội
Các nhân chứng lịch sử tham gia tọa đàm có Đại tá Bùi Gia Tuệ (sinh năm 1931), nguyên Trưởng phòng Pháp chế (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng), một những người lính đầu tiên trở về tiếp quản Thủ đô trong ngày 10/10/1954; ông Nguyễn Thụ, sinh năm 1933, chứng nhân lịch sử tham gia tiếp quản Thủ đô; ông Nguyễn Văn Trác, sinh năm 1932, tham gia Lễ duyệt binh ngày 2/9/1955 và tham gia 12 ngày đêm "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không"; ông Nguyễn Văn Khang, sinh năm 1935, Trưởng ban liên lạc Đội thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô; bà Dương Thị Vịn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong TP Hà Nội.
Quang cảnh cuộc gặp mặt, giao lưu trực tuyến |
Cách đây 70 năm, sự kiện Giải phóng Thủ đô đã chấm dứt hoàn toàn ách đô hộ kéo dài gần 100 năm của thực dân Pháp tại miền Bắc. Đây là một bước ngoặt quyết định trong cuộc đấu tranh giành độc lập và tự do của dân tộc, đây cũng là mốc son quan trọng: Ngày Giải phóng Thủ đô đã được chọn làm ngày lễ quốc gia để tôn vinh tinh thần đoàn kết và ý chí chiến đấu quả cảm của Nhân dân ta.
Sự kiện cũng mở ra một thời kỳ mới khi Nhân dân ta có thể tự quyết định vận mệnh của mình và tham gia vào việc xây dựng đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đây, toàn Đảng, toàn dân ta bắt đầu vào công cuộc kiến thiết đất nước với những chính sách đổi mới phát triển kinh tế, xã hội và đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Khang, Trưởng ban liên lạc của đội thanh niên công tác tiếp quản Thủ đô cho biết: "Lúc đó, chúng tôi được tuyển chọn vào Đội Thanh niên xung phong tiếp quản Hà Nội, gần 400 người, có nhiệm vụ về Hà Nội trước, từ khoảng ngày 3 đến 6/10/1954.
Chúng tôi làm nhiệm vụ "có một không hai" là tiền trạm, tiếp xúc với Nhân dân Hà Nội trước khi Đoàn quân tiến về tiếp quản. Lúc bấy giờ, do thông tin xuyên tạc, lôi kéo của địch, người dân vùng tạm chiếm và quân kháng chiến có những điều không hiểu nhau nên nhiệm vụ của chúng tôi là làm công tác vận động, tuyên truyền, tiếp xúc với người dân để mọi người thông suốt.
Khi tiếp quản, chúng tôi đã tháo dỡ những khẩu hiệu phản động, giải thích các chính sách của Chính phủ ta là sẽ duy trì cuộc sống như trước đây, cuộc sống không có gì thay đổi, xáo trộn. Sự giải thích kiên trì của chúng tôi đã làm yên lòng những người đang sống ở Hà Nội lúc đó.
Đây là việc làm sáng suốt của Chính phủ để người dân Hà Nội hiểu hơn về đoàn quân khi tiếp quản Hà Nội. Ngoài việc giải thích chính sách của Chính phủ, chúng tôi còn có nhiệm vụ dạy thanh niên, thiếu nhi hát, cùng đồng bào chuẩn bị khẩu hiệu, cổng chào để đón bộ đội trở về vào ngày 10/10/1954".
Còn Đại tá Bùi Gia Tuệ, nguyên Trưởng phòng Pháp chế - Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, trên đường tiến về tiếp quản Thủ đô, Sư đoàn 308 chia sẻ: "Chúng tôi vinh dự được gặp Bác Hồ trên Đền Hùng, được Bác giao nhiệm vụ trở về tiếp quản Thủ đô. Vì sao Bác Hồ dùng chữ "trở về", bởi vì Bác biết rằng chúng tôi từ Hà Nội ra đi. Trước khi rời Thủ đô lên đường kháng chiến chống Pháp, chúng tôi đã viết khẩu hiệu ngắn lên tường: "Sẽ có ngày trở về Hà Nội".
Ngày tiếp quản Thủ đô, xe của tôi là xe tiến vào thứ 3, đi sau hai xe của Chủ tịch Ủy ban Quân quản Vương Thừa Vũ và Phó Chủ tịch Ủy ban quân chính thành phố Hà Nội Trần Duy Hưng; đi từ Hà Đông, vào Cửa Nam, qua Hàng Đậu, hàng Ngang, Hàng Đào….
Tôi ngồi ngay đầu xe bên phải, chứng kiến sự hân hoan, mừng vui chào đón của hàng vạn bà con mà xúc động vô cùng. Các nữ sinh Trưng Vương ùa ra đón, ôm lấy, khiến chúng tôi càng thêm xúc động… Đó là phút giây thực sự hạnh phúc mà tôi không thể nào quên".
Nhớ về về những tháng ngày tập luyện cho Lễ duyệt binh hùng tráng ngày 2/9/1955, ông Nguyễn Văn Trác (tham gia Lễ duyệt binh ngày 2/9/1955 và tham gia 12 ngày đêm "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không) chia sẻ: "Cuộc duyệt binh năm 1955 là cuộc duyệt binh rất lớn, lớn hơn lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính Hà Nội tổ chức tại sân vận động Cột Cờ chiều ngày 10/10/1954".
Những giây phút hạnh phúc không thể nào quên
Năm 1955, ông Trác lúc đó mới 23 tuổi, công tác ở Tiểu đoàn thông tin của Đại đoàn 312. Được đi duyệt binh, ai cũng như ai đều cảm thấy phấn khởi, vinh dự nên dù còn khó khăn, gian khổ cũng không nản lòng. Đơn vị ông dù đóng quân ở Bắc Ninh vẫn hành quân bộ về Hà Nội tập luyện, duyệt binh xong lại hành quân về địa điểm đóng quân.
"Luyện tập ở sân bay Bạch Mai, nắng như thế nhưng chúng tôi ai cũng khỏe, cao to; tôi cao 1m70 cũng chỉ đứng thứ 7 trong khối duyệt binh của đơn vị. Kỷ niệm đặc biệt nhất đối với chúng tôi khi đó là được gặp Bác Hồ thăm trong khi luyện tập tại sân bay Bạch Mai. Bác đi chậm dọc hàng quân, động viên cán bộ, chiến sĩ.... Chúng tôi khi đó, qua 9 năm kháng chiến đều gọi Bác là "cụ Hồ"", ông Trác chia sẻ.
Đại tá Nguyễn Thụ, nguyên Trung đội trưởng Bộ binh thuộc Đại đội 269 - Tiểu đoàn 54 - Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308 về tiếp quản Thủ đô kể: "Lúc đó, tôi có quá nhiều cảm xúc. Từ chiến tranh chuyển sang hòa bình, không khí khác hoàn toàn. Trong kháng chiến, quân đội hành quân ban đêm, ở sâu trong rừng, giữ bí mật... Nay bước sang hòa bình, cảm xúc đầu tiên là chúng tôi vui mừng khôn xiết khi cả miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, Thủ đô được tiếp quản nguyên vẹn.
Cảm nhận thứ hai là chúng tôi nhớ đến các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô năm xưa đã chiến đấu dũng cảm 60 ngày đêm để bảo vệ Thành Hà Nội và cuộc rút lui đầy mưu trí qua sông Hồng về chiến khu Việt Bắc.
Thứ ba, chúng tôi đều rất muốn nhanh chóng về Hà Nội. Gần như tất cả chúng tôi là thanh niên nông thôn, nhiều người chưa ra khỏi lũy tre làng nên không biết thành phố trông như thế nào. Khi đó, chúng tôi háo hức về để xem thành phố. Đi qua đường phố, tất cả chúng tôi ngắm nhìn mọi thứ với tâm trạng háo hức, lạ lẫm.
Cảm xúc thứ tư là mong mỏi được về thăm quê hương. Suốt những năm kháng chiến, chúng tôi đã không có một lá thư về cho gia đình".
Em Nguyễn Mỹ Hạnh, học sinh lớp 12D2, Trường THPT Việt Đức |
Tham dự cuộc gặp mặt, giao lưu trực tuyến nhân chứng lịch sử có hơn 100 bạn học sinh của Trường THPT Việt Đức. Thay mặt học sinh của trường, em Nguyễn Mỹ Hạnh, học sinh lớp 12D2, đã chia sẻ cảm xúc tự hào, xúc động.
“Em xin thay mặt các bạn học sinh cảm ơn các vị đại biểu với những câu chuyện xúc động, tái hiện lịch sử hào hùng của Hà Nội trong 70 năm qua một cách sống động. Qua các câu chuyện, em và các bạn nhận thức được rằng, việc giành độc lập, tự do vô cùng khó khăn và đáng quý. Chúng em xin hứa sẽ cố gắng phấn đấu học tập, góp sức xây dựng Hà Nội và đất nước, xứng đáng với những hy sinh của các thế hệ ông cha”, em Nguyễn Mỹ Hạnh bày tỏ.