Bình Dương: Bất động sản vẫn thu hút mạnh mẽ vốn FDI
Bình Dương: Thông tin về giải pháp cho dự án bất động sản chậm tiến độ Kinh tế Bình Dương lấy lại đà tăng trưởng Tỉnh Bình Dương thu hút đầu tư nước ngoài hơn 967 triệu đô la Mỹ |
Được đánh giá là “thủ phủ công nghiệp” phía Nam, Bình Dương là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về sản xuất công nghiệp với 48 khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp lớn, chiếm 1/4 diện tích KCN toàn miền Nam. Dòng vốn FDI vẫn liên tục đổ vào tỉnh, kinh tế luôn tăng trưởng cao và việc tập trung phát triển, mở rộng đầu tư các KCN là những tín hiệu cho thấy lĩnh vực công nghiệp ở Bình Dương sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới.
6 tháng đầu năm 2023, mặc dù chịu nhiều tác động lớn bởi tình hình khó khăn toàn cầu nhưng Bình Dương vẫn là điểm sáng về thu hút FDI trong cả nước với hơn 967 triệu đô la Mỹ. Trong đó, BĐS vẫn là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 1 dự án cấp mới, 1 dự án tăng vốn và 5 lượt dự án đăng ký góp vốn, mua cổ phần với tổng số vốn đầu tư gần 477 triệu đô la Mỹ, chiếm trên 49% tổng vốn FDI vào tỉnh.
Sự hợp tác giữa Bình Dương với các tập đoàn lớn, có thương hiệu trên toàn cầu, như: Warburg Pincus, Sembcorp, Tokyu, CapitaLand Development, Aeon… đang và sẽ tiếp tục đóng góp vào sự thay đổi diện mạo đô thị Bình Dương.
Ngoài lĩnh vực BĐS thương mại, Bình Dương cũng đang thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực mạnh rót vốn vào lĩnh vực BĐS công nghiệp và sản xuất. Mô hình các KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) được đánh giá thành công tại Bình Dương và nhiều tỉnh, thành tại Việt Nam, được xem là sự hợp tác hiệu quả cao giữa tỉnh Bình Dương và Tập đoàn Sembcorp (Singapore).
Dòng vốn FDI đổ về Bình Dương trong những năm gần đây không chỉ tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, mà còn xuất hiện ngày càng nhiều ở các dự án lớn trong lĩnh vực BĐS, thương mại, dịch vụ |
Hiện, Becamex IDC và Sembcorp tiếp tục hợp tác xây dựng VSIP III tại Bình Dương trở thành KCN không phát thải đầu tiên của Việt Nam. Dù đang trong giai đoạn triển khai, nhưng dự án đã thu hút được các nhà đầu tư lớn từ Châu Âu như: Dự án nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em của Tập đoàn Lego (Đan Mạch) với mức đầu tư hơn 1,3 tỷ đô la Mỹ; Dự án xây dựng cơ sở chế tác trang sức của Tập đoàn Pandora (Đan Mạch) với tổng vốn đầu tư hơn 160 triệu đô la Mỹ.
Theo ông Kelvin Teo, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Sembcorp, thời gian tới, Sembcorp và VSIP sẽ huy động các nguồn vốn đầu tư để vào KCN xanh, bền vững với công nghệ thông minh. Sembcorp sẽ hợp tác để đầu tư ứng dụng công nghệ 4.0 tại trường Đại học Quốc tế Miền Đông (EIU), với mục tiêu thu hút, đào tạo nhân tài, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh tại các nhà máy thông minh ở Bình Dương.
Dù thị trường BĐS vẫn đang khó khăn nhưng xét về mặt tổng thể, Bình Dương có nhiều dư địa và lợi thế để thị trường BĐS sôi động trở lại khi kinh tế của tỉnh đang có dấu hiệu khởi sắc. Để tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, UBND tỉnh cũng đang tập trung nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS và phát triển nhà ở trên địa bàn.
Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, để phát triển bền vững, Bình Dương đang tập trung phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, đô thị theo hướng văn minh, hiện đại giai đoạn 2021-2025, định hướng 2025-2030 và tầm nhìn đến 2045 trở thành đô thị thông minh của vùng và cả nước.
Bên cạnh việc luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến đầu tư, hoạt động sản, xuất kinh doanh, Bình Dương cũng mong muốn hợp tác với các nhà đầu tư, các tập đoàn có tầm cỡ toàn cầu để phát triển các khu đô thị hiện đại, nhiều tiện ích.
Đặc biệt, Bình Dương đang triển khai quyết liệt kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch đầu tư phục vụ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tỉnh tập trung đầu tư phát triển nhiều công trình hạ tầng quan trọng nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho phát triển ngành BĐS.
Với quan điểm hạ tầng giao thông đi trước mở đường cho sự đột phá, Bình Dương đã và đang đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, liên kết vùng và khu vực. Cụ thể, để tạo động lực cho sự phát triển liên vùng, Bình Dương đang dồn lực triển khai các dự án như Vành đai 3, Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Chơn Thành, cầu Bạch Đằng 2 nối Bình Dương và Đồng Nai, mở rộng Quốc lộ 13, hoàn thiện trục đại lộ Mỹ Phước - Tân Vạn - Bến Cát - Bàu Bàng…