Bộ Công an xác minh dòng vốn, tình trạng nợ của hàng chục dự án điện gió
Bộ Công thương đang gấp rút xây dựng khung giá mới cho điện gió, điện mặt trời Thủ tướng: Xây dựng cơ chế giá điện gió, nghiêm cấm xin - cho, "chạy" dự án |
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Cục Cảnh sát kinh tế - Bộ Công an) vừa có văn bản gửi Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) đề nghị phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu về tình hình cấp phép, đầu tư các dự án điện gió tại Việt Nam.
Theo nội dung văn bản, hiện nay có 62 dự án không kịp vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 để hưởng giá bán điện ưu đãi theo Quyết định 37/2011/QĐ-TTg và Quyết định 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Ảnh minh họa |
Do đó, chủ đầu tư các dự án điện gió không có doanh thu, gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến nghĩa vụ trả nợ vay cho các tổ chức tín dụng.
Vì vậy, để tham mưu cho Chính phủ về cơ chế, chính sách mua bán điện từ các dự án điện gió vận hành sau 1/11/2021, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tổ chức tín dụng, Cục Cảnh sát kinh tế đề nghị Cơ quan thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước phối hợp, rà soát cung cấp thông tin, tài liệu về các hợp đồng tín dụng, tình hình dư nợ, phân loại nợ đối với chủ đầu tư của 62 dự án điện gió và các dự án có tình trạng tương tự.
Được biết, các dự án điện gió thuộc diện xác minh dòng vốn và trả nợ chủ yếu ở các tỉnh miền Trung, miền Nam như: Sóc Trăng (dự án điện gió Hòa Đông, Lạc Hòa, Lạc Hòa 2); Bình Thuận (dự án Hòa Thắng 1, Hòa Thắng 2, Phong Điện 1); Quảng Trị (dự án Hướng Linh 3, Hướng Linh 4, Quảng Trị 1, Quảng Trị 2, Hướng Hóa 1, Hướng Hóa 2); Bến Tre (dự án Thiên Phú, Thạnh Phú, Bình Đại 2, Bình Đại 3)...
Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gửi Bộ Công thương về kết quả công nhận vận hành thương mại (COD) các dự án điện gió đến hết ngày 31/10/2021, có 146 dự án điện gió, công suất 8.171MW đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với EVN.
Cụ thể, số dự án đã vận hành thương mại là 84 với tổng công suất hơn 3.980MW, trong đó có 15 dự án đã vận hành thương mại một phần với tổng công suất là hơn 325MW. Như vậy, đến khi kết thúc thời điểm ngày 31/10/2021, có đến 62 dự án với tổng công suất trên 3.479MW không kịp COD.
Đáng nói, dù đã hết thời hạn hưởng giá ưu đãi (FIT) thời gian dài song các cơ quan hữu quan đến nay vẫn chưa có cơ chế giá mới cho các dự án chưa kịp vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 khiến nhà đầu tư lo gánh nặng nợ vay.