Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ giải đáp các vấn đề xung quanh sai phạm kinh tế tại bệnh viện
Các bệnh viện đã tự chủ hoàn toàn phải được kiểm toán hằng năm Bộ Y tế giao PGS.TS Đào Xuân Cơ phụ trách quản lý, điều hành Bệnh viện Bạch Mai |
"Bịt lỗ hổng" trong quản lý giá thiết bị y tế, xét nghiệm
Phát biểu giải trình về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Tài chính đối với việc quản lý giá, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Luật Quản lý giá năm 2012 quy định trách nhiệm quản lý giá y tế là thuộc về Bộ Y tế.
Thời gian vừa qua, đã xảy ra nhiều sai phạm trong lĩnh vực giá, không chỉ là giá thiết bị, mà còn cả giá giáo dục, giá đất... Đây là lỗ hổng cần phải hoàn thiện.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc |
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, khi Bộ Y tế xây dựng Nghị định 98/2021/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã tham gia cùng với Bộ Y tế và đã có hai văn bản số 11527 và 12599 góp ý đề nghị thắt chặt các lỗ hổng.
Bước chuyển của Nghị định 36/2016/NĐ-CP sang Nghị định 98 chặt chẽ hơn, từ phương thức công khai giá theo Nghị định 36, đến Nghị định 98 là buộc phải kê khai giá.
Theo đó, các cơ sở y tế phải kê khai giá và được truyền về trung tâm dữ liệu của Bộ Y tế để quản lý. Khi đã kê khai, nếu bán giá sai quy định sẽ bị xử phạt hành chính và thậm chí là thu hồi giấy phép hoạt động. Nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng thì phải truy tố trước pháp luật.
Trong kê khai giá, Nghị định yêu cầu nếu nhập khẩu, phải công khai giá nhập hải quan, cộng với chi phí được tính hợp lý để hình thành lên giá cơ sở. Còn nếu sản xuất trong nước thì phải đưa ra giá thành sản xuất và công khai giá bán.
Đối với vấn đề “loạn giá”, Bộ Tài chính cho biết đã chỉ đạo Tổng cục Thuế và ngành hải quan quản lý chặt chẽ, không để các đơn vị lợi dụng việc viện trợ, tài trợ để nâng giá, đưa vào chi phí sản xuất.
Đối với vướng mắc về tài chính cấp huyện, mô hình hiện nay để Sở Y tế quản lý tài chính. Theo Bộ Tài chính, có thể giao quản lý tài chính về cho huyện, thị xã, thị xã quản lý, Sở Y tế chỉ quản lý về mặt chuyên môn.
Về xã hội hóa về y tế, Bộ trưởng khẳng định đây là mô hình tốt, kể cả trong Luật PPP cũng đã đánh giá ưu điểm. Tuy nhiên, nhược điểm của mô hình này là khi đã liên doanh, liên kết thì việc xác định giá vật tư, thiết bị đầu vào có thể bị nâng giá khống.
Đảm bảo nhân sự lãnh đạo y tế vừa có năng lực chuyên môn vừa có năng lực quản trị
Về vấn đề bác sĩ giỏi nhưng chưa chắc làm quản trị giỏi và đề nghị xem xét tách bạch việc quản trị bệnh viện và quản lý chuyên môn đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, các quy định hiện hành đã nêu rõ tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình bổ nhiệm viên chức quản lý ở đơn vị sự nghiệp.
Nghị định của Chính phủ quy định khung, sau đó các Bộ chuyên ngành xây dựng tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ngành mình. Bộ Y tế đã ban hành thông tư quy định cụ thể chức năng, tiêu chuẩn bổ nhiệm trong ngành y.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà |
Tuy nhiên, thực tiễn đã có những vấn đề phát sinh ở một số cơ sở y tế, nhân sự quản lý có năng lực chuyên môn, nhưng chưa có năng lực về quản trị.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, từ thực tiễn trên, với góc độ của ngành, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu kỹ hơn, đảm bảo nhân sự lãnh đạo vừa có năng lực chuyên môn vừa có năng lực quản trị, trường hợp cụ thể thì cân nhắc.
Khi đang đẩy mạnh thực hiện tự chủ đơn vị sự nghiệp công, lãnh đạo cần có năng lực quản trị, đáp ứng yêu cầu. Theo đó, phải làm rõ về tiêu chuẩn, điều kiện và trách nhiệm của người đứng đầu với đơn vị sự nghiệp khi đang thực hiện tự chủ, đẩy mạnh xã hội hóa trong ngành y tế.
Về phân cấp trong hệ thống y tế, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Nội vụ đồng tình với kiến nghị phải rà soát, xem xét căn cơ, cụ thể về quản lý nhà nước đối với hệ thống y tế. Ngay sau kỳ họp này Bộ sẽ báo cáo Chính phủ thực hiện sớm việc phân cấp cho phù hợp với thực tiễn.
Liên quan đến nguồn nhân lực ngành y tế, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhận định, hiện vấn đề còn nhiều khó khăn, vừa chưa đảm bảo về số lượng cũng như chất lượng.
Thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với ngành y tế rà soát lại toàn bộ hệ thống cơ chế, chính sách hiện có để trên cơ sở đó có một chủ trương cụ thể để từ đó xây dựng một đề án có tính chiến lược chung xây dựng nguồn nhân lực cho ngành y tế trong tình hình mới.
Bên cạnh đó tiếp tục rà soát lại toàn bộ yêu cầu liên quan đến việc thực hiện tự chủ với các cơ sở y tế. Những năm qua, khi thực hiện Nghị quyết 19, số lượng đơn vị sự nghiệp y tế đã đạt 10%, tự chủ hoàn toàn đạt 6%. Tới đây, phải đánh giá thật kỹ lưỡng, cụ thể việc thực hiện Nghị quyết 19 trong đó có vấn đề tự chủ với đơn vị sự nghiệp, nhất là những cơ chế, chính sách vận hành. Bộ trưởng nhấn mạnh, cần phải quan tâm xác định danh mục dịch vụ công thiết yếu để đẩy mạnh tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp, đáp ứng yêu cầu xã hội hóa.