Bộ tiểu thuyết nổi tiếng “Hiệp sĩ thánh chiến” đến với độc giả Việt Nam
Nội dung của tiểu thuyết lịch sử “Hiệp sĩ thánh chiến” tập trung xoay quanh những hào hùng và bi tráng của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Ba Lan, giai đoạn hậu kỳ Trung cổ, kéo dài từ cuối thế kỷ XIV đến đầu thế kỷ XV. Chủ đề chiến tranh tự vệ của các dân tộc chỉ muốn sống yên vui nhưng không được hưởng hòa bình được Henryk Sienkiewicz khắc họa rõ nét trong tác phẩm này.
Trong tác phẩm, người đọc sẽ được hình dung về một quốc gia phong kiến tập quyền thời Trung cổ ở Châu Âu, với các giai tầng xã hội khác nhau: Vua và hoàng hậu, các quận công và quận chúa, các hiệp sĩ vùng biên ải, đám quan lại giàu có, các trang chủ quý tộc, những người nông dân nghèo khổ, các hiệp sĩ thánh chiến đầy ngạo mạn, tàn bạo và quỷ quyệt...
Dịch giả Nguyễn Hữu Dũng chia sẻ thông tin của cuốn tiểu thuyết "Hiệp sĩ thánh chiến" được ra mắt |
Để sáng tác “Hiệp sĩ thánh chiến”, Henryk Sienkiewicz đã dày công nghiên cứu các sử liệu về thế kỷ XIV - XV, trước hết là bộ Lịch sử Ba Lan đồ sộ của nhà sử học Jan Długosz, người sống gần như cùng thời với các sự kiện được mô tả. Nhờ sử dụng một cách chọn lọc tinh tế những chất liệu sử học, dân tộc học, truyền thuyết, thần thoại, dân ca, thổ ngữ...
Henryk Sienkiewicz đã tái tạo được một bức tranh sống động và trung thực, với đầy đủ sắc màu, âm hưởng quá khứ hào hùng của dân tộc Ba Lan. Vì vậy, ngày nay với những giá trị về nội dung và nghệ thuật lớn lao đã khiến cho “Hiệp sĩ thánh chiến” trở thành tài sản văn hóa tinh thần quý giá của dân tộc Ba Lan.
Tại buổi giao lưu, dịch giả Nguyễn Hữu Dũng cho biết, ông đã mất 30 năm để dịch toàn bộ tác phẩm này để có thể giới thiệu đến độc giả Việt Nam. Sắp tới, ông vẫn sẽ tiếp tục tìm và dịch các tác phẩm văn học nổi tiếng của Ba Lan nói chung và của nhà văn Henryk Sienkiewicz để giới thiệu đến nhiều bạn đọc Việt Nam.
Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc giới thiệu tác giả tác phẩm văn học nước ngoài có giá trị ý nghĩa trong nhân loại cho độc giả Việt Nam là hoạt động âm thầm nhưng chứa đựng sự sôi động của nhiều dịch giả. Ở đó, các công ty sách, nhiều nhà xuất bản đã đem lại tri thức và là cầu nối cảm xúc về các giá trị nhân văn giữa các nền văn học, các nền văn minh của nhân loại với độc giả nước nhà.
“Tại buổi gặp gỡ và trò chuyện với nhà văn, dịch giả Nguyễn Hữu Dũng, cùng với việc giới thiệu bộ tiểu thuyết “Hiệp sĩ thánh chiến” của văn hào Henryk Sienkiwicz còn là dịp để dịch giả TP Hồ Chí Minh cùng các đồng nghiệp truyền cho nhau năng lượng sống hữu ích, năng lượng sáng tạo cũng như trao đổi về công việc chuyển ngữ tác phẩm văn học hiện nay", nhà văn Bích Ngân cho biết thêm.