Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Doanh nghiệp yếu đúng là chưa được quan tâm hỗ trợ
Còn bất cập khiến doanh nghiệp lo lắng khi “bình thường mới” “Sinh khí mới” cho doanh nghiệp từ Nghị quyết 128/NQ-CP Nhiều chính sách hỗ trợ "gỡ nút thắt" cho doanh nghiệp lữ hành |
Doanh nghiệp yếu chưa được hỗ trợ
Sáng 12/11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội liên quan đến lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, bộ đã xây dựng hai kịch bản cho kinh tế, có hoặc không có chương trình phục hồi, từ đó xác định các tỷ lệ về mức nợ công, bội chi, lạm phát cho từng kịch bản.
Theo ông Dũng, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang cùng Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước để tính toán sử dụng các công cụ chính sách tài khóa, tiền tệ thế nào cho phù hợp, dựa trên đánh giá khả năng hấp thụ kinh tế và thu xếp nguồn vốn.
Vị tư lệnh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, quan điểm trong xây dựng chính sách là mạnh dạn hơn để phục hồi và phát triển kinh tế, vừa duy trì tăng trưởng, tăng GDP, tăng thu ngân sách, tạo nhiều việc làm nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn nợ công, bội chi ngân sách.
Ông Dũng cho rằng, công cụ quan trọng nhất là theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, nợ xấu, điều hành linh hoạt cung tiền, đảm bảo nguồn cung nguyên vật liệu, đảm bảo hiệu quả mang tính dẫn dắt nguồn vốn ngoài Nhà nước cùng tham gia.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn sáng 12/11. (Ảnh: Media Quốc hội) |
Cũng theo ông Dũng, khó khăn hiện nay của doanh nghiệp tập trung chính vào vấn đề tổng cầu, khi sản lượng, doanh thu giảm mạnh. Tiếp đến là doanh nghiệp khó khăn dòng tiền, không có sản xuất thì không có nguồn thu; khó khăn về chi phí đầu vào đang tăng rất cao; khó khăn về vấn đề lao động.
"Sau khi có Nghị quyết 105, 128 của Chính phủ, tinh thần doanh nghiệp, theo ông, đã tương đối tích cực hơn, các doanh nghiệp đã mở cửa tái sản xuất", ông Dũng cho biết.
Bộ trưởng cũng thông tin, hiện tại các khu công nghiệp phía Nam, 92-96% doanh nghiệp đã khôi phục sản xuất, 70-75% lao động trở lại. Dự kiến đến quý I năm sau, 100% doanh nghiệp sẽ khôi phục hoạt động hoàn toàn.
Trả lời về vấn đề hỗ trợ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, thời gian qua chính sách mới tập trung hỗ trợ vào các doanh nghiệp khỏe, những doanh nghiệp vẫn còn tạo ra doanh thu và lợi nhuận, thông qua các chương trình giảm thuế, hoãn thuế.
"Những doanh nghiệp yếu đúng là chưa được quan tâm hỗ trợ", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận. Mặt khác theo ông, các chính sách cho nhóm này vẫn dừng ở các gói hỗ trợ chung, tổng thể. Theo đó cần thiết phải có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn trong thời gian tới.
5 nhóm giải pháp phục hồi kinh tế
Trả lời chất vấn của đại biểu về các giải pháp để phục hồi và phát triển kinh tế, thực hiện thành công mục tiêu kép trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, bộ đã xây dựng 5 nhóm giải pháp.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận những doanh nghiệp yếu đúng là chưa được quan tâm hỗ trợ. (Ảnh: Media Quốc hội) |
Thứ nhất, tập trung mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch và thực hiện Nghị quyết 128 một cách thắt chặt an toàn, có lộ trình phù hợp với chiến lược phòng, chống dịch và khả năng tiêm vaccine, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế. Tăng tính chủ động cho doanh nghiệp để duy trì hoạt động liên tục.
Thứ hai, tập trung hỗ trợ an sinh xã hội và tạo việc làm, theo đó hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, người lao động, đào tạo, đào tạo lại lao động, kết nối việc làm, phát triển thị trường lao động, chính sách dạy nghề, nhà ở xã hội...
Thứ ba, là hỗ trợ phục hồi cho doanh nghiệp. Vừa qua, doanh nghiệp bị ảnh hưởng tổn thương rất nhiều và khả năng chống chịu đã bị bào mòn rất nhiều, đặc biệt và một số lĩnh vực bị tác động mạnh mẽ.
Về các chính sách chung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ xem xét để trình Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền để cho phép kéo dài các chính sách về miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí.
Bên cạnh đó, hỗ trợ cấp bù lãi suất cho các doanh nghiệp vay trong một số lĩnh vực ưu tiên, có một số các chính sách riêng đối với ngành và lĩnh vực chế biến nông, lâm sản, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số...
Thứ tư, là phát triển kết cấu hạ tầng, khuyến khích đầu tư đối tác công (PPP) để thực hiện các hạ tầng này; đầu tư công tập trung cho hạ tầng chiến lược và những công trình trọng điểm quốc gia mang tính động lực lớn lan tỏa, kết nối để phát triển bền vững trong thời gian tới, công trình an ninh nguồn nước, an toàn hồ, đập, ứng phó với biến đổi...
Thứ năm, là tiếp tục cải cách thể chế, thủ tục hành chính, môi trường đầu tư và đi kèm với đó phải có chính sách về quản trị rủi ro gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.