Bữa cơm sum vầy ngày Quốc khánh
Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí dịp Quốc khánh |
Về quê sum họp cùng gia đình đã trở thành thói quen của anh Nguyễn Văn Bắc và chị Vũ Thị Ngoan (quê ở Nghệ An) từ nhiều năm nay. Anh Bắc kể: “Tôi còn nhớ, từ thuở bé, cứ mỗi dịp Quốc khánh, ông nội lại bảo bố mẹ tôi chuẩn bị mâm cơm thịnh soạn với các món như: Thịt gà hấp lá chanh, nem cuốn, xôi gấc… Mâm cỗ làm xong, ông bưng lên ban thờ, nơi có lá cờ đỏ sao vàng và hình chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh để thắp hương tưởng nhớ công lao của Đảng, Bác Hồ và những người đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Thắp hương xong, cả nhà quây quần bên mâm cơm, nghe ông nội kể những câu chuyện ngày xưa. Những bữa cơm như vậy đã ăn sâu vào tiềm thức, nuôi tôi khôn lớn. Giờ đây có gia đình riêng, tôi vẫn duy trì thói quen trở về quê nhà, ăn bữa cơm đoàn viên trong ngày Quốc khánh”.
Nghỉ lễ Quốc khánh là dịp để các gia đình đoàn viên, có những bữa ăn ấm áp |
Anh Bắc cho biết thêm, cả hai vợ chồng anh rời quê Nghệ An đến khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) làm việc đã hơn 10 năm. Cuộc sống của vợ chồng anh luôn tất bật với việc trong nhà xưởng, tăng ca để kiếm thêm tiền mưu sinh. Vì vậy, các dịp nghỉ lễ như Quốc khánh mùng 2/9 chính là cơ hội để nghỉ ngơi.
Không chỉ anh Bắc mà cả chị Ngoan cũng rất thích không khí quây quần bên mâm cơm gia đình, ăn những món ăn quen thuộc, nghe kể chuyện trong thời gian qua và hít hà vị mặn mòi của biển cả, mùi nồng nồng của cá tôm ở quê nhà. Đó như là liều thuốc tinh thần, giúp anh chị có thêm động lực, nguồn năng lượng tích cực để sẵn sàng quay lại với guồng quay công việc.
Vướng con nhỏ nên dịp nghỉ lễ Quốc khánh này, nhà chị Vũ Thị Thoan (Trực Ninh, Nam Định) cũng mới có dịp về quê sum vầy, cùng nhau nấu bữa cơm đại gia đình. Không khí gia đình vui vẻ, đầm ấm hơn bởi tiếng cười, vui đùa của trẻ nhỏ.
“Nhà tôi có đến 5 anh, chị em nhưng ai cũng lấy vợ, lấy chồng xa và ít có dịp về quê. Vì vậy, căn nhà rộng lớn chỉ có hai bố mẹ ở. Nhiều lúc ông bà thấy trống trải, thèm tiếng vui đùa của trẻ nhỏ. Bao giờ cũng vậy, trước kỳ nghỉ lễ, bố mẹ tôi sẽ gọi điện cho từng đứa con để hỏi có về nhà hay không”, chị Thoan kể.
Trở về bên gia đình dịp nghỉ lễ là cách nhiều người lấy lại năng lượng làm việc |
Chị Thoan cho biết thêm, con cháu tụ tập đông đủ, bố mẹ chị vất vả hơn nhiều. Thậm chí, từ nhiều ngày trước đó, mẹ chị đã phải tìm, đặt mua những món các con thích ăn. Vất vả nhưng ông bà luôn rất vui vẻ. “Có các con về bữa cơm đoàn viên ngày Quốc khánh tươi ngon, thịnh soạn hơn. Chị em mình cùng vào bếp rán nem, giúp bố thịt con gà nhà nuôi. Câu chuyện cũng rôm rả hơn bởi sau rất nhiều ngày các thành viên trong gia đình mới tụ tập đông đủ”, chị Thoan chia sẻ.
Dù còn độc thân, nghỉ lễ Quốc khánh mùng 2/9, bạn Nguyễn Chí Thanh (quê ở Thanh Hóa) cũng chọn về quê với gia đình. Theo Thanh, cả năm bận rộn với công việc, học tập chỉ có dịp nghỉ lễ, tết con cái mới có dịp về nhà quây quần bên gia đình.
“Trở về bên gia đình, cùng ăn bữa cơm sum vầy là điều vô cùng ý nghĩa. Nếu như Tết Nguyên đán mang giá trị giáo dục truyền thống văn hóa gia đình thì Tết Quốc khánh lại mang giá trị giáo dục truyền thống yêu nước, tưởng nhớ những anh hùng đã hy sinh vì cuộc sống hòa bình hôm nay. Dịp nghỉ lễ Quốc khánh, về với gia đình, nấu những bữa ăn ngon, quây quần, thăm hỏi động viên nhau là động lực cho tôi vượt qua khó khăn trong cuộc sống”, Thanh tâm sự.
Không chỉ Thanh, nhiều bạn trẻ khác thay vì lựa chọn đi phượt, du lịch đây đó cùng bạn bè thì lại tranh thủ về quê ăn bữa cơm ấm cúng bên gia đình như một cách nghỉ ngơi, xả stress sau những ngày học tập, làm việc căng thẳng, mệt mỏi và có thêm nguồn năng lượng tích cực.