Bức tranh lao động hậu COVID-19
Lao động chân tay thành nhân viên văn phòng
Nhóm nghiên cứu tại Đại học Leicester, Anh đã thu thập thông tin của 1.170 người từng nhập viện vì COVID-19 trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 11 năm 2020.
Kết quả cho thấy 17% trong số này không trở lại làm việc sau khi đã khỏi bệnh và xuất viện được 5 tháng; 19% thay đổi công việc do các tác động liên quan tới sức khỏe hậu COVID-19.
Mặt khác, 25% các doanh nghiệp tại Anh cho biết những tác động sau khi mắc căn bệnh này là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng lao động nghỉ việc trong thời gian dài.
Viện Brookings tại Mỹ cũng ghi nhận tình trạng tương tự. Theo đó, viện nghiên cứu chính sách này cho biết tính đến tháng 11/2021, 15% trong tổng số trên 1 triệu vị trí việc làm đang cần nhân sự để thay thế những lao động vắng mặt vì sức khoẻ suy giảm hậu COVID-19.
Điều này đồng nghĩa hơn 1,5 triệu người không trở lại làm việc do những quan ngại liên quan tới sức khỏe.
Hậu COVID-19, nhiều ngành nghề thiếu lao động trầm trọng (Ảnh: AP) |
Giới chuyên gia cho rằng các tác động hậu COVID-19 có thể trở thành nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tình trạng thiếu hụt nguồn lao động trầm trọng nhất trong lịch sử.
Số liệu từ Bộ Lao động Mỹ công bố hồi đầu tháng 1 năm nay cũng chỉ ra rằng khoảng 4,5 triệu lao động ở nước này tự nguyện thôi việc trong tháng 11/2021, tiếp tục xu hướng tăng của tháng trước đó với 4,2 triệu người bỏ việc. Nếu tính cả số người bị sa thải, con số nghỉ việc trong tháng 11/2021 là 6,8 triệu.
Có nhiều lý do để lao động Mỹ nghỉ việc, trong đó phổ biến nhất là do lo sợ, mệt mỏi vì dịch COVID-19, thu nhập và phúc lợi giảm, tìm kiếm những công việc tốt hơn, lương cao hơn. Những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất là nhà hàng, khách sạn, bán lẻ và dịch vụ y tế.
Theo Bộ Lao động Mỹ, có khoảng 10,6 triệu vị trí tuyển dụng lao động mở trong tháng 11/2021, gấp rưỡi số người thất nghiệp là 6,9 triệu. Trong khi đó, mức lương trung bình ở Mỹ trong tháng 10/2021 đã tăng gần 5% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng hàng trăm triệu người lao động trên tổng số 330 triệu dân vẫn lựa chọn đứng ngoài thị trường.
Điều này đã dẫn đến tình trạng hiếm thấy là các tập đoàn công nghệ cao, ngành ngân hàng, rồi cả những tiệm tạp hóa cũng như các hãng dược phẩm... đều phải chật vật tìm những hình thức tuyển dụng mới.
Do khan hiếm lao động, nhiều công ty ở xứ cờ hoa cắt bỏ yêu cầu về bằng cấp và chấp nhận đào tạo nhân viên từ đầu.
Vì vậy nhiều lao động Mỹ đang chuyển từ các công việc chân tay với tiền công theo giờ sang những vai trò mới, liên quan đến công nghệ, đi kèm mức lương và thời gian làm tốt hơn.
Theo nghiên cứu từ Oliver Wyman, công ty tư vấn quản lý đã khảo sát 80.000 người lao động trên toàn thế giới từ tháng 8/2020 đến tháng 3/2022, hơn 1/10 người Mỹ với công việc lương thấp tại kho hàng, nhà máy, dịch vụ đã chuyển nghề trong 2 năm qua.
Công việc mới của họ làm về IT và phần mềm, cũng như các vị trí liên quan đến công nghệ trong lĩnh vực hậu cần, tài chính, y tế,…
Trí tuệ nhân tạo bù đắp sự thiếu hụt lao động
Robot và trí tuệ nhân tạo đang ngày càng đáp ứng được nhiều nghiệp vụ của con người. Cũng nhờ đó, nhiều doanh nghiệp đã tìm tới các giải pháp công nghệ số như tổng đài ảo, robot trí tuệ nhân tạo để khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động thời hậu COVID-19.
Robot đã tồn tại khoảng 6 thập kỷ hoặc lâu hơn. Ban đầu, chúng là những thiết bị đơn giản và hoạt động theo những gì được cài đặt. Robot hoạt động trên dây chuyền lắp ráp với nhiệm vụ di chuyển mọi thứ xung quanh và ráp chúng lại với nhau.
Theo các chuyên gia Hiệp hội vì sự tiến bộ khoa học Mỹ, tốc độ tự động hóa có thể sẽ tăng tốc. Lý do đầu tiên là Covid-19 tạo ra những thay đổi xã hội có thể tồn tại lâu dài. Hàng triệu người trên khắp thế giới nghỉ việc, một phần do hệ quả của phong toả tạo nên những cơ hội mới cho công việc tại nhà. Cùng với đó, chuỗi cung ứng không ổn định và sự bùng nổ thương mại điện tử, khiến nhà kho và nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng người lao động.
Tuy nhiên trong tương lai, với sự phát triển không ngừng của trí tuệ nhân tạo AI, hàng triệu việc làm của con người sẽ bị ảnh hưởng (Ảnh: Reuters) |
Lý do thứ hai là các robot đang dần được phát triển tốt hơn. Thay vì chỉ chuyển hàng hoá trong kho đến cho những người lấy hàng, để họ đóng gói và giao đến tận nhà cho khách, chúng đang học cách tự lấy và hoàn thiện đóng gói.
Trong các nhà máy, chúng được trang bị cảm biến tiên tiến và máy học, một dạng trí tuệ nhân tạo (AI), để làm việc cùng với con người. Những robot như vậy cũng sẽ ngày càng hữu ích nhiều hơn ở những nơi khác, bao gồm bệnh viện. Thậm chí, sau COVID-19, xã hội dần quen với tương lai chăm sóc sức khoẻ bằng công nghệ nhiều hơn, cùng với y học từ xa và các ứng dụng theo dõi sức khoẻ trên điện thoại di động.
Ở Nhật Bản, những robot phục vụ làm thay việc của con người hiện không còn là điều hiếm gặp.
Năm 1968, robot đầu tiên được đưa vào sử dụng tại Nhật Bản và ngay sau đó robot gò, hàn, sơn, lắp ráp… phát triển mạnh mẽ trong các công xưởng. Từ đó, Nhật Bản được gọi là cường quốc robot. Đến những năm 2019 - 2020, robot đã dần xuất hiện nhiều hơn trong ngành dịch vụ Nhật Bản. Dịch COVID-19 đã khiến hình thái phục vụ thay đổi. Người dân Nhật Bản không chỉ có cơ hội trải nghiệm sự phát triển của khoa học kỹ thuật mà còn an tâm khi sử dụng dịch vụ trong mùa dịch.
Trong tương lai, với sự phát triển không ngừng của trí tuệ nhân tạo AI, robot được kỳ vọng sẽ trở thành người bạn và cũng là nguồn cung cấp lao động tích cực cho sự phát triển của Nhật Bản.
Một nghiên cứu được công bố vào năm ngoái do Đại học Oxford thực hiện đã cho thấy hơn 47% công việc tại Mỹ đang bị đe dọa sẽ bị thay thế hoàn toàn bởi máy tính trong vài thập niên tới. Xu hướng chủ yếu là máy móc thiết bị thông minh sẽ dần thay thế con người trong công việc.
Điều này về lâu dài sẽ dẫn đến hàng triệu người lao động có thể sẽ không có việc làm trong tương lai.
Không chỉ công nghệ thay thế công nhân, ảnh hưởng đến sự chuyển dịch các ngành kinh tế mà nó còn đòi hỏi người lao động phải luôn học hỏi các kỹ năng mới nhằm theo kịp sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Nếu lạc hậu so với công nghệ và không có các kỹ năng cần thiết, người lao động có thể đối mặt với nguy cơ thất nghiệp lớn trong tương lai không xa.