Bừng sáng văn hóa ngàn năm bên dòng sông mẹ
Truyền tải giá trị văn hóa di sản tới thế hệ trẻ Lan tỏa giá trị văn hóa từ "Linh thiêng đình Chèm" Phát huy giá trị văn hóa "hồn cốt" Thăng Long - Hà Nội |
Đưa di sản vào dòng chảy hiện đại
Đình Chèm - di sản văn hóa quốc gia đặc biệt nằm bên dòng sông Hồng luôn cuồn cuộn phù sa. Sông Hồng - dòng sông mẹ của nền văn minh mang tên mình, là vựa lúa của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Men theo dòng chảy miệt mài của con sông lớn vào bậc nhất miền Bắc, bời bời những bãi ngô, nương dâu, bờ lúa, cuộc sống của người Việt từ thuở khai hoang lập nước đến giờ ấm no, trù phú.
Đình Chèm - di tích đặc biệt bên dòng sông Hồng |
Thăng Long xưa, Hà Nội nay may mắn được dòng sông mẹ ôm trọn trong lòng. Thành phố trong sông, chỉ riêng với vị trí địa lý này đã cho thấy vị trí của Hà Nội đắc địa như thế nào. Bao nhiêu phù sa màu mỡ từ thượng nguồn đổ xuống, bao nhiêu trầm tích văn hóa của cả nền văn minh lắng đọng, kết tinh nơi đây.
Đình Chèm nằm sát ngay bên dòng sông Hồng, quay mặt ra sông đón gió. Đứng ở sân đình nhìn ra mênh mang sóng nước ngoài kia, màu hồng đượm ánh phù sa dập dìu tàu thuyền đi lại. Sóng vỗ mơn man những "con sáo sang sông, bạt gió. Con sít thương ai, lội sông, tìm ai" (Ngẫu hứng sông Hồng - Trần Tiến).
Xa xa ngoài bãi bồi, từng vạt chuối, ngô xanh mướt trải dài. Đặc biệt, những cây lau trắng phất phơ dưới nền trời xanh trong thăm thẳm, tiệp với màu nước hồng, với trời đất bao la, trong lòng mỗi người đều dâng lên những cảm xúc đầy yêu mến, tự hào về non sông đất nước quê mình.
Trong không gian ấy, ngôi đình cổ kính có tuổi đời lên đến hàng ngàn năm cho thấy sự song hành cùng lịch sử của dân tộc. Theo sử sách để lại, lễ hội đình Chèm được tổ chức để kỷ niệm ngày thắng trận khải hoàn mở hội mừng công và làm lễ cầu siêu cho các tướng sĩ của Đức Thánh Lý Ông Trọng trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược phương Bắc. Sâu xa hơn là nghi lễ cầu mưa thuận gió hòa, cho mùa màng bội thu của cư dân nông nghiệp đồng bằng sông Hồng.
Vẻ đẹp, sự độc đáo của ngôi đình cho thấy vị trí của di sản này trong lòng Hà Nội, trong lòng người Việt Nam rất vững chãi. Trong công cuộc xây dựng công nghiệp văn hóa của Thủ đô ngày nay rất cần "đánh thức" những di sản này, để từng công trình, từng giá trị được hòa vào dòng chảy hiện đại. Điều đó vừa giúp các di sản phát huy, đóng góp cho du lịch, đóng góp cho nền kinh tế của Thủ đô đồng thời cũng để di sản không đứng ngoài cuộc, trở thành niềm tự hào hơn nữa của người Hà Nội ngày nay.
Bởi vậy, chương trình "Linh thiêng đình Chèm - dòng chảy di sản" chính là khởi nguồn cho việc không chỉ đánh thức giá trị của đình Chèm nói riêng mà còn mở ra những hướng khai thác, phát huy những giá trị của di tích, di sản men theo dòng sông Hồng - sông mẹ để làm bừng sáng lên văn hóa ngàn năm Thăng Long - Hà Nội ngày nay.
Thăng hoa những miền sáng tạo
Chương trình nghệ thuật “Linh thiêng đình Chèm - dòng chảy tinh hoa” nhằm giới thiệu về ngôi đình linh thiêng bên sông Hồng, tôn vinh các loại hình nghệ thuật truyền thống, những tinh hoa dân tộc; là hơi thở, tiếng lòng người Việt qua nhiều thế hệ, thể hiện trí tuệ, phẩm chất trong tư duy, lối sống của nhân dân trong hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.
Chương trình sử dụng âm nhạc là đường dây xuyên suốt, thông qua hình thức, ngôn ngữ nghệ thuật có ý nghĩa tuyên truyền nhằm góp phần gìn giữ, phát huy và lan tỏa mạnh mẽ giá trị của tinh hoa di sản trong đời sống đương đại.
Từ xa xưa, cư dân người Việt đã lựa chọn ven những dòng sông để làm nơi sinh sống, nơi bắt nguồn của lối sống định canh, định cư và khởi nguồn của nền văn hóa làng xã đến bây giờ, nét văn hóa cộng đồng đó cũng là khởi nguồn của khối đại đoàn kết, những truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta được bồi đắp qua hàng ngàn năm lịch sử.
Mỗi nơi dòng sông chảy qua, đều để lại những giá trị văn hóa đặc sắc, từ đó hình thành nên những loại hình nghệ thuật truyền thống vẫn còn mang giá trị đến tận hôm nay.
Hà Nội được ví như một thành phố trong sông và Đình Chèm hàng nghìn năm nay vẫn nép mình bên dòng sông Hồng cuộn đỏ phù sa, là nơi thờ cúng, chốn sinh hoạt tín ngưỡng của Nhân dân.
Dòng chảy đó cung cấp của cải, vật chất cho Nhân dân với lúa, gạo, giao thông đường thủy và những câu hát, giai điệu. Cho đến nay, những giá trị mà văn minh sông Hồng mang lại vẫn còn hiện hữu cực kỳ rõ nét trong nhiều nét văn hóa và xã hội của Thủ đô. Từ kiến trúc, làng nghề truyền thống, đến âm nhạc, tín ngưỡng, cho thấy sức sống bền bỉ vượt thời gian của những giá trị và nét đẹp văn hóa trên mảnh đất kinh kỳ Thăng Long - Hà Nội.
Xứng với tầm vóc của tên gọi, của mảnh đất thiêng liêng này, lại thuộc hoạt động của Lễ hội Thiết kế sáng tạo thành phố Hà Nội năm 2023, "Linh thiêng đình Chèm - dòng chảy tin hoa" cũng mang đến rất nhiều sáng tạo mới.
Trước hết là ở sân khấu thực cảnh lần đầu tiên được dàn dựng ở sông Hồng. Đó là những ca khúc mới lần đầu tiên được thể hiện tại sóng nước phù sa. Đó là rất nhiều điều mà những người thực hiện chương trình phải tận tâm, thành kính làm bằng tất cả trí tuệ, sự sáng tạo, tìm tòi và kì công của mình.
Tất cả hứa hẹn làm nên một đêm nghệ thuật thăng hoa bởi hội tụ được những tấm lòng cùng xây dựng nên những điều tốt đẹp cho Hà Nội của chúng ta.