Bước đột phá trong công tác chuyển đổi số của tỉnh Yên Bái
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Tỉnh Yên Bái xác định chuyển đổi số là một trong những giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, là cơ hội để một tỉnh nghèo như Yên Bái dù “đi sau” nhưng có thể “đuổi kịp, tiến cùng”, rút ngắn khoảng cách phát triển so với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Trong 2 năm qua, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Yên Bái và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, cán bộ và Nhân dân tỉnh Yên Bái đã đặt quyết tâm chính trị cao độ, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số với một số nét nổi bật.
Theo đó, trong tất cả các lĩnh vực, tỉnh Yên Bái đã triển khai chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Cụ thể, chuyển đổi số cơ quan nhà nước, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh là cơ quan đầu tiên thực hiện cơ quan chuyển đổi số, thông qua việc ban hành một Nghị quyết liên tịch - thể hiện quyết tâm chính trị của tập thể Đảng bộ về chuyển đổi số.
Nghị quyết đưa ra 24 mục tiêu cụ thể về chuyển đổi số và trong thời gian 3 tháng thực hiện, đã hoàn thành 24/24 mục tiêu (100%) đã được hoàn thành. Các sở, ngành, cơ quan khác cũng thực hiện việc chuyển đổi số mạnh mẽ với nhiều tiêu chí được hoàn thành, thậm chí vượt xa so với kế hoạch.
Lực lượng ĐVTN hỗ trợ người dân nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Yên Bái (Ảnh: Báo Yên Bái) |
Đối với trường học chuyển đổi số, Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành và Trường THCS Quang Trung (từ tháng 3 đến tháng 6/2022) là hai trường đầu tiên được thí điểm. Hết thời gian thí điểm, các nhà trường đã hoàn thành 100% các chỉ tiêu đề ra, 100% nhiệm vụ, giải pháp và triển khai 12/12 nền tảng, ứng dụng dùng phục vụ chuyển đổi số, đạt 100% so với kế hoạch. Sau khi hoàn thành, mô hình được nhân rộng tới 123 trường trên địa bàn tỉnh.
Yên Bái là 1 trong 3 tỉnh đầu tiên trên cả nước (cùng Lạng Sơn, Thái Nguyên) thành lập được 100% Tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp xã, cấp thôn. Yên Bái cũng là tỉnh thứ 3 trên toàn quốc triển khai sổ tay đảng viên sau các tỉnh: Thái Bình, Thái Nguyên. Sau thời gian thí điểm, đến nay Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 11 triển khai nền tảng đến 100% tổ chức, cơ sở đảng trong năm 2023.
Về huyện, xã/phường chuyển đổi số, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái đã phối hợp với huyện Văn Yên triển khai thí điểm mô hình huyện chuyển đổi số với 41 chỉ tiêu cụ thể. Hiện tại đã hoàn thành 41/41 chỉ tiêu, đạt 100%. Đây cũng là cơ sở để triển khai tại các địa bàn huyện còn lại trong tỉnh. Tỉnh cũng yêu cầu mỗi huyện, thị xã, thành phố lựa chọn tối thiếu 30% xã, phường, thị trấn trực thuộc triển khai chuyển đổi số và chuyển đổi số nâng cao với nhiều tiêu chí quan trọng được thực hiện.
Đầu tư cho chuyển đổi số một cách trọng tâm, trọng điểm
Đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái cho biết: Với nguồn lực còn hạn hẹp, Yên Bái chủ trương chuyển đổi số theo cách riêng. Đó là, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, trong đó ưu tiên cho các ngành, lĩnh vực đã có sẵn dữ liệu đầu vào, dễ làm trước, khó làm sau. Tỉnh ưu tiên xây dựng chính quyền số với mục tiêu xuyên suốt là nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn; Triển khai các mô hình thí điểm chuyển đổi số và từ đó đánh giá mục tiêu, công nghệ, cách làm, tính hiệu quả trước khi nhân rộng.
Với sự vào cuộc nghiêm túc và bài bản của Tỉnh ủy, tỉnh Yên Bái phấn đấu đến năm 2025, từng bước hoàn thành chuyển đổi số đối với những chỉ tiêu cơ bản ở một số lĩnh vực quan trọng trên cả ba trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Phấn đấu thứ hạng của Yên Bái vào nhóm 30/63 tỉnh, thành phố của cả nước về chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh.
Đến năm 2030, thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh, sẵn sàng thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, tiếp tục phấn đấu nâng thứ hạng của Yên Bái trên Bảng xếp hạng đánh giá chỉ số chuyển đổi số (DTI) hằng năm.
Tuổi trẻ Đoàn Khối và Thành đoàn Yên Bái hỗ trợ người dân cấp chữ ký số miễn phí; Scan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, số hóa hồ sơ đất đai (Ảnh: Báo Yên Bái) |
Để hoàn thành mục tiêu này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chủ trương thành lập Trung tâm Điều hành thông minh và Trung tâm Chuyển đổi số trên cơ sở tổ chức lại Cổng Thông tin điện tử tỉnh trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh và Trung tâm công nghệ thông tin và truyền thông tỉnh Yên Bái trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông, đồng thời giao nhiệm vụ cho 2 đơn vị quản lý, vận hành hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị thông minh phục vụ công tác chuyển đổi số của tỉnh.
Bên cạnh đó, Tỉnh đã hoàn thành và bắt đầu đi vào khai thác sử dụng Trung tâm tích hợp dữ liệu điện tử tỉnh Yên Bái (DC); Trung tâm giám sát an ninh không gian mạng tỉnh Yên Bái (SOC); Hệ thống camera giám sát chung phục vụ giám sát an ninh, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh; Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...
Tỉnh Yên Bái cũng đã tập trung phát triển chính quyền điện tử, hạ tầng chính quyền số phục vụ hiệu quả hoạt động của các cấp ủy, chính quyền trên cơ sở kết hợp thế mạnh của mạng truyền số liệu chuyên dùng, mạng Internet.
Nhờ đó, đến nay, tỷ lệ dịch vụ công đủ điều kiện mức độ 4 được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh là 425 dịch vụ đạt 100%; Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt 78,33%; 100% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính tại 3 cấp chính quyền góp phần nâng cao chỉ số hạnh phúc theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.
Chuyển đổi số đã được xác định là một khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm của toàn tỉnh. Bằng các bước đi cụ thể, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh địa phương, tin rằng mục tiêu chuyển đổi số của tỉnh Yên Bái sẽ sớm trở thành hiện thực.