Business Breakfast số 2: Giải mã “cơn khát” nhân tài công nghệ số
Toàn cảnh sự kiện |
Chương trình nhằm chia sẻ thực trạng nhu cầu và thách thức trong việc thu hút và tuyển dụng nhân tài ngành công nghệ số, đồng thời chia sẻ những giải pháp và chiến lược thực tiễn mà đại diện các doanh nghiệp, tổ chức đang triển khai để vượt qua những thách thức này.
Với quy mô sự kiện giới hạn, dành riêng cho khách mời đang làm việc trong ngành này, sự kiện đã chào đón sự tham dự của các chuyên viên tuyển dụng và quản lý nhân sự đến từ các công ty lĩnh vực IT/Tech và tuyển dụng trên địa bàn.
Thảo luận và trả lời câu hỏi |
Khảo sát Thiếu hụt nhân tài 2022 của ManpowerGroup đã hé lộ một con số đáng nói về thực trạng khan hiếm nhân lực trong lĩnh vực này trên toàn cầu khi có đến 76% nhà tuyển dụng gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động đáp ứng yêu cầu về kỹ năng, trong đó có kỹ năng mềm.
Ông Nguyễn Xuân Sơn - Giám đốc Vận hành toàn quốc, Dịch vụ Cho thuê lại lao động, ManpowerGroup Việt Nam, cho biết: “Tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề, hay khả năng thích nghi… là top những kỹ năng mềm được các doanh nghiệp ngành IT/Tech tìm kiếm nhiều nhất ở ứng viên hiện nay.
Ông Nguyễn Xuân Sơn - ManpowerGroup Việt Nam |
Các doanh nghiệp đang sẵn sàng chi trả mức lương ngày càng cao để thu hút và mời nhân tài về làm việc cho mình – có nhiều khách hàng của ManpowerGroup Việt Nam hiện nay đang tuyển những vị trí với mức lương từ 3.000USD/ tháng, nhưng có vẻ như điều đó là chưa đủ”.
Theo ông Sơn, chìa khóa giúp các doanh nghiệp giải bài toán khan hiếm nhân lực trong kỷ nguyên số bắt đầu từ việc nâng cao năng lực tuyển dụng của chính tổ chức. Bên cạnh các chương trình đào tạo nội bộ, một môi trường làm việc tôn trọng sự đa dạng, công bằng và hòa nhập cũng giúp doanh nghiệp thu hút đa dạng nhiều nhóm nhân tài.
Báo cáo của ManpowerGroup cũng chỉ ra giải pháp Thuê ngoài nhân sự (Outsourcing) đang là xu thế chung được nhà tuyển dụng IT/Tech trên toàn cầu hướng đến, với tỷ lệ sử dụng dịch vụ này là xấp xỉ 50%.
Các khách mời tương tác với diễn giả |
Đáng lưu ý, chuyên gia của ManpowerGroup Việt Nam nhấn mạnh rằng thay vì chỉ tuyển dụng dựa trên bộ kỹ năng và kinh nghiệm sẵn có của người lao động, nhà tuyển dụng cần phát hiện và đánh giá được cả tiềm năng và tố chất tiềm ẩn của họ, từ đó tạo điều kiện cho người lao động học tập và phát triển. “Đừng chỉ quan tâm đến sở trường của ứng viên khi tuyển dụng. Trong quá trình làm việc, hãy trao cho nhân viên cơ hội tham gia vào các dự án, hoạt động nhóm với những vai trò khác nhau, như vậy mới có thể phát hiện ra tài năng tiềm ẩn của họ”, ông Sơn nói.
“Với nhu cầu tuyển dụng mới khoảng 1.000 vị trí mỗi năm tại Viettel, chúng tôi cũng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân sự”, bà Lê Kim Tuyến – Recruitment Consultant Lead, Khối Nhân sự, tập đoàn Viettel chia sẻ.
Theo bà Tuyến, Viettel hiện đang áp dụng song song 2 chiến lược là Tuyển từ thị trường (BUY) và Phát triển nhân tài nội bộ (BUILD). Trong số đó, các giải pháp tuyển từ thị trường – bao gồm nâng cao kỹ năng cho đội ngũ tuyển dụng viên, phát triển thương hiệu tuyển dụng doanh nghiệp, phối hợp các phòng ban liên quan để phát triển chiến lược phù hợp và tìm đến các đơn vị tuyển dụng chuyên nghiệp – chiếm tỷ trọng 70%.
Nhiều câu hỏi hay đến từ đại diện các doanh nghiệp |
“Trong số các hoạt động phát triển nhân tài đang được Viettel triển khai, chúng tôi đánh giá việc tiếp cận trực tiếp các bạn sinh viên là một chiến lược tốt và hiệu quả để thu hút và nuôi dưỡng nhân tài, đặc biệt là không phải cạnh tranh với các đơn vị tuyển dụng mạnh khác”, bà Tuyến cho biết thêm.
Thạc sĩ Lê Tấn Hùng – Giảng viên kiêm Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo (SOICT), Trường Công nghệ thông tin & Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ về thực tiễn công tác đào tạo cho sinh viên nhằm đáp ứng tốc độ phát triển công nghệ và yêu cầu của doanh nghiệp: “Trong bối cảnh các công nghệ mới liên tục ra đời và thay đổi, Trường CNTT&TT chỉ tập trung đào tạo cho sinh viên nắm chắc kiến thức nền tảng và thuật toán, đồng thời dạy kỹ năng tư duy và giải quyết vấn đề. Chúng tôi muốn các bạn sinh viên phát huy tinh thần tự học, tự trau dồi và sẵn sàng thích ứng khi được đưa vào các môi trường khác nhau”.
Các diễn giả và khách tham dự |
Hiện nay, mỗi năm trường Coong nghệ thông tin và Truyền thông – Đại học Bách khoa Hà Nội đang duy trì một mạng lưới liên kết với khoảng 300 doanh nghiệp ngành ICT.
Thông qua một hệ thống trực tuyến, các doanh nghiệp được quyền đăng ký tiếp nhận sinh viên thực tập nếu đáp ứng các yêu cầu cụ thể của nhà trường và sinh viên cũng được quyền tìm hiểu và chọn lựa doanh nghiệp mình muốn thực tập. Hình thức này đem lại hiệu quả rõ rệt khi tỷ lệ sinh viên ở lại doanh nghiệp làm việc sau khi thực tập đạt trên 30% mỗi năm, trong khi con số này trước đây chỉ ở mức 10%.