Các chuyên gia góp ý về phát triển nguồn nhân lực, xây dựng Nhà nước pháp quyền
Thu hút, “giữ chân” người tài để phát triển nguồn nhân lực chất lượng Phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực để phát triển nguồn nhân lực trình độ cao |
Nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề phá triển nguồn nhân lực, xây dựng Nhà nước pháp quyền được các chuyên gia phân tích, tham góp với Đảng nhằm hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và 2045.
Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực
Góp ý vào Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, GS. TSKH Phan Xuân Sơn, Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, trong bối cảnh chung của thế giới, Đại hội XIII của Đảng đề ra mục tiêu đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển (hoặc nước công nghiệp hiện đại) có thu nhập cao.
Để có thể đạt được mục tiêu đó, yếu tố quyết định chính là xây dựng và phát huy được nguồn lực làm cho con người Việt Nam được phát triển tự do, toàn diện, có đạo đức trong sáng, có lòng yêu nước, tự hào dân tộc.
GS. TSKH Phan Xuân Sơn |
“Trên thế giới hiện nay, xu hướng trong phát triển là phát huy được giá trị văn hóa, quyền lực mềm và thương hiệu quốc gia. Đó là chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Trong đó, con người là trung tâm. Nếu không có con người làm trung tâm thì tất cả các mục tiêu đó không đạt được.
Việc đặt con người làm trung tâm qua nhiều kỳ đại hội hiện đã đạt những thành tựu rất to lớn, giảm nghèo đa chiều hiện xuống dưới 3%. Đây là thành tích rất lớn có thể chúng ta không tưởng tượng được khi bước vào công cuộc đổi mới”, GS.TSKH Phan Xuân Sơn bày tỏ.
Trên cơ sở định hướng và yêu cầu đặt ra cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ mới, dự thảo Báo cáo Chính trị của Đảng cũng chỉ ra một trong 3 đột phá chiến lược là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho các lĩnh vực then chốt…
Vấn đề then chốt của việc xây dựng và phát huy nguồn lực con người trong thời kỳ mới chính là việc nhận thức rõ hơn vấn đề con người và con người của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Yêu cầu đặt ra là nhanh chóng hoàn thiện thể chế phát triển chung, trong đó có thể chế cho sự phát triển toàn diện “quyền con người”.
Bổ sung nội dung về xây dựng Nhà nước pháp quyền
PGS. TS Phan Hữu Tích (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) đánh giá tổng quan, các dự thảo văn kiện được chuẩn bị công phu, có nội dung phong phú về các mặt hoạt động lãnh đạo của Đảng, tổ chức quản lý, điều hành của chính quyền, công tác xây dựng Đảng…
PGS. TS Phan Hữu Tích, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh |
Tuy nhiên, PGS Phan Hữu Tích kiến nghị cần đảm bảo tính cân đối, phù hợp hơn giữa đánh giá ưu điểm, thành tựu với đánh giá hạn chế và thiếu sót. “Giữa đánh giá ưu điểm, thành tựu với đánh giá hạn chế, thiếu sót cần giúp nhìn rõ, nhận ra “vấn đề” một cách rõ ràng, sâu sắc, giúp cho nhận thức và hành động đúng, đảm bảo tính hợp lý, thuyết phục”, PGS Phan Hữu Tích nói.
Cụ thể, đánh giá về những thành tựu, ưu điểm về lĩnh vực văn hóa, xã hội, phát triển con người, dự thảo văn kiện nêu: “Từng bước được hoàn thiện đồng bộ và thực hiện có hiệu quả chính sách xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo…”.
Đánh giá về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, dự thảo báo cáo chính trị khẳng định: “Hệ thống pháp luật được hoàn thiện một bước cơ bản…”; “Hoạt động của Quốc hội trong xây dựng pháp luật, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước có nhiều đổi mới, chất lượng và hiệu quả được nâng cao”. Tuy nhiên, ông Phan Hữu Tích cho rằng, khi đánh giá về hạn chế, thiếu sót lại có phần lệch so với ưu điểm, thành tựu đã nêu trước đó.
Cụ thể, dự thảo ghi: “Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN còn nhiều vướng mắc, bất cập, chưa được tháo gỡ. Năng lực xây dựng thể chế còn hạn chế…”; “Môi trường văn hóa, xã hội tiếp tục bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực”; “Hệ thống pháp luật còn một số quy định chưa thống nhất, chưa đáp ứng kịp yêu cầu thực tiễn…”. Nội dung đánh giá hạn chế này so với ưu điểm “Hệ thống pháp luật được hoàn thiện một bước cơ bản”… có độ chênh. Hơn nữa, diễn đạt “hệ thống pháp luật còn một số quy định chưa thống nhất” là chưa chặt chẽ, phù hợp.
Tương tự, về hạn chế, dự thảo nhận định: “Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương chưa đổi mới mạnh mẽ; Chức năng, nhiệm vụ, phân cấp, phân quyền chưa thật rõ ràng”. So với ưu điểm tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn là chưa có sự ăn nhập. Trong thực tế, tổ chức chính quyền địa phương chưa có sắp xếp gì lớn, một số ít nơi sáp nhập Sở, ngành; Nhiều nơi chuẩn bị sáp nhập thì dừng lại…
“Với một số dẫn chứng trên, tôi thấy rằng, nội dung về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam cần được rà soát, bổ sung để nêu rõ, thể hiện đầy đủ hơn. Dự thảo cũng chưa nêu rõ hoạt động của Nhà nước trong thể chế hóa chủ trương của Đảng thành cơ chế, chính sách pháp luật - một trong những hoạt động rất cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam do Đảng lãnh đạo”, PGS.TS Phan Hữu Tích nói.