Các địa phương cần chủ động, linh hoạt trong việc lấy nước gieo cấy vụ Xuân
Kịp thời vận hành công trình lấy nước
Thông tin từ Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội cho biết, những ngày Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp thủy lợi thành phố đã phân công lực lượng theo dõi sát diễn biến nguồn nước, kịp thời vận hành công trình lấy nước sông khi đủ điều kiện...
Tính đến 7h ngày 22/1, các doanh nghiệp thủy lợi thành phố đã cấp đủ nước cho 33.156ha, đạt 40,87% diện tích gieo cấy vụ xuân 2023. Huyện có nhiều diện tích được cấp đủ nước sản xuất nông nghiệp, gồm: Ứng Hòa với 6.547ha, đạt 80,83% diện tích gieo cấy của địa phương; Mỹ Đức với 4.965ha, đạt 66,63%; Chương Mỹ với 4.500ha, đạt 53,13%; Phú Xuyên với 4.385ha, đạt 68,52%...
Các địa phương cần chủ động, linh hoạt trong việc lấy nước gieo cấy vụ Xuân |
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân Thủ đô đã xuống đồng dẫn nước lên ruộng, làm đất và gieo cấy được 1.739ha lúa trà xuân sớm; Trong đó, huyện Ứng Hòa đã gieo cấy được 673ha, huyện Ba Vì 500,5ha, thị xã Sơn Tây 265ha, huyện Quốc Oai 120ha...
Để đẩy nhanh tiến độ cấp nước gieo cấy vụ xuân, Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai Hà Nội đề nghị, các doanh nghiệp thủy lợi tiếp tục theo dõi chặt chẽ nguồn nước sông, kịp thời vận hành công trình lấy nước trữ vào các kênh tiêu, ao hồ, đầm, vùng trũng và đưa nước lên ruộng để phục vụ nông dân làm đất, gieo cấy.
Các quận, huyện, thị xã tuyên truyền, vận động nông dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch cây vụ đông canh tác trên đất lúa; Tranh thủ tối đa việc lấy nước, thực hiện đưa nước đến đâu, làm đất giữ nước đến đó, không để thất thoát, lãng phí nguồn nước...
Cố gắng để lấy nước tiết kiệm nhất có thể
Thông tin về tình hình lấy nước phục vụ bà con gieo cấy vụ Xuân, ông Ngô Sơn Hải, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay: "Để bảo đảm cung cấp nguồn nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2022-2023, từ cuối năm 2022, EVN đã chỉ đạo tích nước tối đa các hồ chứa thủy điện ở miền Bắc.
Tuy nhiên, do lượng nước về hồ thấp nên dung tích trữ của các hồ chứa trên lưu vực sông Hồng vẫn thiếu hụt khoảng 2 tỷ mét khối so với trung bình nhiều năm. Từ chiều 3/1/2023, các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Hồng đã xả nước tăng cường để phát điện phục vụ các địa phương lấy nước đổ ải (đợt 1)".
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân Thủ đô đã xuống đồng dẫn nước lên ruộng, làm đất và gieo cấy được 1.739ha lúa trà xuân sớm |
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp: Năm nay, Bộ chỉ đạo lấy nước tập trung trong hai đợt (thay vì 3 đợt như mọi năm), tổng cộng 12 ngày. Đợt 1 từ ngày 6 đến 9/1/2023 (4 ngày); Đợt 2 từ ngày 1/2 đến 8/2/2023 (8 ngày).
Các địa phương không nên chỉ trông chờ vào việc xả nước tăng cường của hồ thủy điện trên lưu vực sông Hồng (Hòa Bình, Thác Bà, Sơn La...) mà ở các vùng triều có thể tranh thủ thủy triều lên để lấy nước vào ruộng và tăng cường lấy nước ngược.
Trước tình hình nguồn nước ở các hồ chứa bị thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cố gắng để lấy nước tiết kiệm nhất có thể, bảo đảm phục vụ sản xuất nông nghiệp, đồng thời tiết kiệm nguồn nước để sản xuất điện, bảo đảm nguồn nước sinh hoạt.
Tổng cộng diện tích gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2022-2023 của 11 tỉnh, thành phố theo kế hoạch là 498.709ha. Theo Tổng cục Thủy lợi, đến nay, diện tích đã có nước là 86.031ha, chiếm 17,3% tổng diện tích gieo cấy vụ Đông Xuân, cụ thể: Phú Thọ 40%, Nam Định 39%, Ninh Bình 33%, Hà Nam 25%, Hải Phòng 19%, Vĩnh Phúc 14%, các địa phương còn lại cao nhất mới đạt khoảng 9%.