Các địa phương tích cực khắc phục hậu quả do mưa lũ
Kịp thời cung cấp lương thực cứu trợ người dân
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Chương Mỹ, tính đến 11h ngày 31/7, lượng mưa đo được trên địa bàn huyện là 408,35mm. Tại sông Bùi mực nước cao 7,13m; hồ Đồng Sương mực nước là 18,28m…
Do mưa lũ đã làm cho 651m chiều dài kênh mương bị hư hỏng; 6.135m đoạn đê bị ngập thuộc địa bàn 10 xã (Tốt Động, Đông Sơn, Thanh Bình, Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, Hữu Văn, Mỹ Lương, Trần Phú). Đê Hữu Bùi tại vị trí tường kè thôn Đừn, xã Tốt Động xuất hiện hiện tượng rò rỉ qua chân tường kè dài khoảng 200m; chiều dài đoạn đê bị sạt lở 30m (xã Quảng Bị); đập Vai Vàng bị sạt lở 100m, trạm bơm Lải Cao bị ngập sâu trong nước (xã Tân Tiến); sạt lở vai Đồng Làng dài 30m, rộng 4m (xã Nam Phương Tiến); 103 cầu, cống, đập bị hư hỏng; 114. 450m đường giao thông nội đồng bị ngập; 407m đường giao thông nội đồng bị sạt lở…
Cán bộ Hội Phụ nữ huyện Chương Mỹ đi chợ hộ, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân |
Bên cạnh đó, 20 thôn, xóm bị ngập; 1.480 hộ bị ngập từ 0,5-2m; 7.410 nhân khẩu bị ngập cần cứu trợ; 4.329 nhân khẩu bị ngập phải sơ tán. Diện tích lúa bị thiệt hại trên 70% là 759 ha; diện tích cây ngô, rau màu các loại bị thiệt hại trên 70% là 273 ha; diện tích cây ăn quả bị ngập trên 70% là 144 ha; diện tích thủy sản bị thiệt hại trên 70% là 1,422 ha…
Để ứng cứu và khắc phục hậu quả do mưa lũ, huyện Chương Mỹ đã huy động 4.721 người và 199 phương tiện tham gia; đã sử dụng 6.028m3 đất, cát; 52.675 bao tải; 180m2 bạt nilon. Xí nghiệp Đầu tư và khai thác công trình thủy lợi đã vận hành 20 trạm với 58 máy bơm. Huyện tổ chức tiếp nhận và từ nguồn xã hội hóa, nguồn ngân sách của các đơn vị mua sắm cấp phát hỗ trợ đến các hộ trong vùng ngập úng với 3.701 thùng mì tôm, 100 gói lương khô, 3.010 bình nước, 14 téc nước, 65 thùng sữa tươi…
Để tiếp tục khắc phục hậu quả sau mưa lũ, huyện Chương Mỹ chủ động hướng dẫn Nhân dân có biện pháp đảm bảo an toàn tài sản, máy móc, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra. Sau khi nước rút, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo đóng điện trở lại cho các hộ đảm bảo an toàn, hỗ trợ bóng điện, dây điện cho các hộ khó khăn.
Lực lượng làm nhiệm vụ ứng trực, cứu nạn, cứu hộ tại thôn Tân Tiến, xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) |
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục cung cấp lương thực, thực phẩm, thuốc men phòng, chống dịch tả, đau mắt hột và các bệnh ngoài da cho người dân; phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố cung cấp hàng cứu trợ, đảm bảo đời sống của Nhân dân kịp thời, đúng đối tượng.
Huyện Chương Mỹ cũng chỉ đạo đảm bảo an toàn đê điều, các hồ chứa, các công trình thủy lợi; triển khai phương án bảo đảm an toàn đê điều và các công trình thủy lợi để chủ động ứng phó khi xảy ra mưa bão, lũ; thực hiện phương án phục hồi sản xuất trong thời gian sớm nhất.
Nâng cao khả năng tiêu thoát dòng nước nhanh nhất
Tại huyện Quốc Oai, tổng lượng mưa đo được từ ngày 22 đến ngày 31/7 tại Xí nghiệp thủy lợi Quốc Oai là 499 mm. Để ứng phó với mưa bão, UBND huyện đã ban hành 2 Công điện và 4 Lệnh báo động lũ trên sông Tích và sông Đáy; 8 văn bản chỉ đạo thực hiện ứng phó và khắc phục hậu quả do cơn bão số 2 gây ra...
Tính đến 7h ngày 31/7, 6 xã trên địa bàn huyện Quốc Oai bị ảnh hưởng do mưa lũ gây ngập úng là: Cấn Hữu, Phú Cát, Liệp Tuyết, Tuyết Nghĩa, Đông Yên; Ngọc Liệp với 606 hộ, 2.781 nhân khẩu bị ảnh hưởng; trong đó, 160 hộ bị ngập sâu. Các hộ khác bị ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt do bị ngập sân cổng đi lại gồm: xã Phú Cát 64 hộ; xã Liệp Tuyết 143 hộ; xã Tuyết Nghĩa 164 hộ; xã Ngọc Liệp 76 hộ.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương tặng quà và động viên người dân bị ảnh hưởng tại huyện Chương Mỹ |
Ngoài ra, do ảnh hưởng của mưa lũ đã làm ngập 789 ha diện tích cây trồng nông nghiệp, trị giá khoảng 23,67 tỷ đồng; ngập 240 ha thủy sản (ước tính thiệt hại 780 tấn thủy sản, trị giá khoảng 19,5 tỷ đồng); bị chết và cuốn trôi 11.120 gia cầm, thủy cầm (trị giá khoảng 5,04 tỷ đồng). Tổng giá trị thiệt hại ước tính 48,17 tỷ đồng.
Tại các tuyến đê bị sạt lở hay bị tràn, UBND huyện đã huy động lực lượng tại chỗ và dân quân cơ động đắp chống tràn; phối hợp Hạt quản lý đê số 13 và các xã, thị trấn có vị trí gặp sự cố tiếp tục theo dõi, đặt biển cảnh báo sự cố tại từng vị trí sạt trượt; tuyên truyền cảnh báo cho Nhân dân trong khu vực, hạn chế xe có tải trọng lớn qua lại.
Đoàn công tác của Phó Thủ tướng Lê Thành Long đi xuồng thị sát vùng ngập lụt ở Chương Mỹ và đến thăm hỏi đời sống bà con - Ảnh: VGP/Đức Tuân |
Để khắc phục hậu quả mưa lũ và đảm bảo đời sống Nhân dân, UBND huyện Quốc Oai đã huy động 3.890 người và 156 phương tiện tham gia khắc phục mưa lũ; sử dụng hơn 3 nghìn m3 đất cát; trên 38 nghìn bao tải; 320 m2 bạt ngăn lũ…
Đồng thời, UBND huyện, Mặt trận Tổ quốc huyện và các đoàn thể đã tổ chức hỗ trợ 160 suất quà cho các hộ bị ngập sâu gặp khó khăn, trong đó mỗi hộ 20 kg gạo, 3 thùng mỳ tôm, nước uống 3 bình nước 20 lít và đang tiếp tục hỗ trợ các hộ còn lại ít bị ảnh hưởng. Thành đoàn Hà Nội đã hỗ trợ huyện 1 xuồng hơi, 100 thùng mỳ tôm, 400 thùng nước và 2000 áo mưa.
Đối với trường hợp nam công nhân sinh năm 1968 có hộ khẩu thường trú xã Hòa Thạch, làm việc tại Công ty nước VillaHN thôn Đồng Chằm bị mất do mưa lũ, huyện, xã đã tổ chức động viên thăm hỏi hỗ trợ 10 triệu đồng và bảo hiểm xã hội chi trả 28 triệu đồng.
Đối với hộ bà Nguyễn Thị Thìn bị sập nhà do sạt lở đất tại xã Phú Mãn được UBND huyện, xã động viên thăm hỏi và hỗ trợ 30 triệu đồng và đang tiếp tục xã hội hóa để hỗ trợ thêm cho gia đình.
Ðể bảo đảm ổn định cuộc sống người dân vùng chậm lũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Ðại cho biết, thời gian tới thành phố tập trung khơi thông dòng chảy sông Bùi, sông Ðáy từ Hà Nội đến Hà Nam để nâng cao khả năng tiêu thoát dòng nước nhanh nhất; đồng thời tiến hành giải tỏa vi phạm dọc hành lang các sông và tăng cường đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến đê.
Cùng với đó, thành phố nghiên cứu giải pháp đầu tư về hạ tầng, công trình đối với khu vực dân cư để phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm nhằm tăng sinh kế, nâng cao mức sống cho một bộ phận người dân tiếp tục sống chung với lũ.
Ngày 29/7, tại buổi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống, khắc phục hậu quả úng ngập tại các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đã chỉ đạo các huyện phải đặt an toàn tính mạng của người dân lên hàng đầu, nếu cần thiết có thể sơ tán người dân đến nơi ở an toàn; bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ để kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố do mưa lũ, không bị động trước các tình huống. Về lâu dài, các địa phương phải tính đến phương án bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chỗ ở, quan tâm đến người già, cô đơn, yếu thế, người tàn tật... Ðối với những khu dân cư bị ngập lụt sâu, nhất là ở khu vực ngoài đê cần căn cứ vào quy hoạch khu dân cư nông thôn để xem xét, di dời người dân đến nơi ở mới. |