Các hợp tác xã khôi phục và phát triển vườn dừa tại Bến Tre
Trồng dừa hữu cơ ứng dụng khoa học công nghệ
Trước đây, người nông dân Bến Tre vẫn trồng dừa theo phương pháp truyền thống "một nắng hai sương" vất vả mà hiệu quả kinh tế không cao. Giá dừa luôn bấp bênh do phụ thuộc vào thương lái.
Thấy được những khó khăn từ cây dừa quê hương, nhiều HTX đã mạnh dạn áp dụng kỹ thuật mới để trồng dừa, tiên phong liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm.
Những vườn dừa tại Bến Tre vừa đem lại giá trị kinh tế vừa trở thành các điểm du lịch thu hút khách thăm quan |
Người nông dân trong các hợp tác xã cũng mạnh dan thay đổi phương thức canh tác cũ để "mạo hiểm" trồng dừa hữu cơ. Các HTX cũng đầu tư cải tạo, chăm sóc vườn theo tiêu chuẩn, thiết kế hệ thống bọng, kênh dẫn thoát nước ra vào mương vườn để tránh bị ngập nước, ảnh hưởng mặn.
Toàn tỉnh đã có 32 tổ hợp tác, 28 HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị dừa có quy mô 6.404 ha, với gần 7.000 thành viên. Diện tích dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ lên tới 17.187 ha, chiếm 22% tổng diện tích dừa toàn tỉnh. Ngoài ra, Bến Tre đang xây dựng thí điểm 6 vùng sản xuất dừa tập trung, trong đó 5 vùng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ và 1 vùng sản xuất dừa uống nước.
Cây dừa đã gắn liền với đời sống của cư dân Bến Tre từ bao đời nay. |
Theo UBND tỉnh Bến Tre, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cũng đã phối hợp xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô 20.000 - 22.000 ha dừa trên địa bàn các huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành, Giồng Trôm, Thạnh Phú, Bình Đại và Ba Tri. Mới đây, cử tri Bến Tre đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn nên có chính sách để đầu tư, phát triển dừa như cây công nghiệp quốc gia.
Ngành Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre đã có kế hoạch cụ thể khôi phục và phát triển vườn dừa, đặc biệt là chương trình gắn kết với các doanh nghiệp, nông dân để hình thành vườn dừa hữu cơ nhằm nâng cao giá trị loại cây này. Trong đó, Bến Tre chú trọng hình thành vùng sản xuất tập trung gắn với chuỗi giá trị dừa.
Bến Tre đã có kế hoạch phát triển thêm ít nhất 13 HTX tham gia chuỗi giá trị sản phẩm dừa, nâng tổng số HTX trong chuỗi này đến năm 2025 là 37. Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đang xem xét kiến nghị Chính phủ công nhận dừa là cây công nghiệp quốc gia.
Đưa cây dừa "vươn tầm" trong nước và quốc tế
Ông Nguyễn Trường Thịnh, Phó giám đốc Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới (Khu công nghiệp An Hiệp, Bến Tre) cho biết: "Xác định xu hướng phát triển của nông nghiệp hữu cơ - chế biến hữu cơ - tạo ra sản phẩm hữu cơ là nhu cầu cấp thiết của các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Do đó, việc xây dựng một nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ là duy trì sự phát triển bền vững, tăng cường “sức khỏe” cho đấ́t đai, vật nuôi, cây trồng và con người như một thực thể liên kết không tách rời, giữ gìn môi trường trong lành, giúp cân bằ̀ng hệ sinh thái, bảo vệ cộng đồng.
Đây cũng là một giải pháp cho việc đối phó với biến đổ̉i khí hậu. Thấy được tầm quan trọng của việc canh tác và sản xuất theo tiêu chí hữu cơ, Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới đã liên kết với các tổ hợp tác, HTX để tổ chức sản xuất, thu mua, sơ chế dừa trái hữu cơ tại vùng nguyên liệu".
Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới liên kết tổ hợp tác, hợp tác xã xây dựng vùng trồng hữu cơ. |
Ông Nguyễn Trường Thịnh khẳng định, việc liên kết sản xuất và đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật sản xuất để phát triển vùng nguyên liệu dừa hữu cơ nhằm giúp công ty đáp ứng các tiêu chuẩn hữu cơ nghiêm ngặt của quốc tế (Mỹ - USDA; châu Âu - EU và Nhật - JAS). Đến nay, diện tích quy hoạch vùng nguyên liệu dừa hữu cơ của công ty khoảng 6.400ha, được phân bố tại các huyện trên địa bàn của tỉnh. Từ đó, góp phần đáp ứng công suất nhà máy tiêu thụ khoảng 600 ngàn trái dừa mỗi ngày.
Tới đây, ngành Nông nghiệp & Phát triển nông thôn sẽ chú trọng xây dựng chuỗi giá trị liên kết giữa người dân với doanh nghiệp một cách vững chắc; tổ chức sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt.
Ngoài ra, đẩy mạnh hợp tác quốc tế qua thông tin quảng bá, xúc tiến thương mại; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ trong canh tác theo hướng sản xuất an toàn, bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, gắn kết ngành dừa với các lĩnh vực thương mại, dịch vụ khác nhằm tạo giá trị tăng thêm cho loại cây này.
Việc chế biến sản phẩm từ dừa của tỉnh Bến Tre rất đa dạng. Hiện có các nhà máy chế biến với quy trình hiện đại.
Tỉnh Bến Tre cũng có nhiều chính sách để các sở, ngành đang từng bước có sự phối hợp với nhau để khai thác giá trị cây dừa trong du lịch.
Các HTX cũng phát triển xây dựng sản phẩm du lịch không chỉ dừng lại ở việc tham quan các làng nghề thủ công truyền thống mà có hướng mở rộng để du khách đến tham quan các nhà máy với quy trình hiện đại. Đây cũng là một loại hình du lịch góp phần phát huy giá trị của dừa, quảng bá các sản phẩm từ dừa của tỉnh mang tính chuyên nghiệp, hiện đại hơn.
Không chỉ đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, cây dừa cũng mang lại giá trị phát triển cho ngành du lịch Bến Tre, nâng giá trị các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa, xây dựng hệ thống cửa hàng kinh doanh các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ dừa, đặc sản từ dừa để phục vụ du lịch.
Các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm từ dừa trong tỉnh cũng cần đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm để tăng tiêu dùng trong tỉnh và ngoài tỉnh để người dân ưa chuộng sử dụng các sản phẩm từ dừa của Bến Tre.